14/12/2017 20:42 GMT+7

'Có bò mình mừng lắm'

M.PHƯỢNG
M.PHƯỢNG

TTO - Chiều về, thiếu tá Vũ Tiến Sĩ, đội phó đội vận động quần chúng đồn biên phòng Đắk Ơ (Bình Phước), và các đồng đội qua thăm nhà chị Thị Phượng (28 tuổi), người dân tộc S’Tiêng.

Có bò mình mừng lắm - Ảnh 1.

Thiếu tá Vũ Tiến Sĩ thường xuyên xuống địa bàn để thăm hỏi, quan tâm người dân - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Gọi là nhà nhưng chỉ là mấy tấm tôn dựng lên tạm bợ, phần tiếp giáp giữa tường và mái trống một khoảng lớn khiến mưa tạt, gió lùa bất cứ lúc nào.

Bên trong có mỗi chiếc giường chỏng chơ và mấy cây sào vắt đầy quần áo. Chị Phượng đang ôm con nhỏ vừa sinh được mấy tháng. Chị cho biết trước kia ở với cha mẹ nhưng nhà đông người, hai vợ chồng quyết định về đây dựng nhà ở tạm. 

Vợ chồng chị Phượng con còn nhỏ, không vườn đất, chồng đi làm thuê kiếm sống, anh Sĩ cũng như những người lính của đồn Đắk Ơ xin mạnh thường quân cho gia đình chị Phượng hai con bò.

"Nhờ có anh Sĩ và mấy anh biên phòng quan tâm nên đỡ hơn. Có bò mình mừng lắm, ráng nuôi để sau này có tiền lo cho con đi học" - chị Phượng cho biết. Chị Phượng bảo lúc cho bò, các anh biên phòng đã dặn kỹ nên dù không có tiền cũng sẽ không bao giờ bán bò.

Không chỉ cho cần câu, anh Sĩ còn thường xuyên tạt qua kiểm tra, nếu bò bệnh tật thì chính anh là người nhờ bác sĩ thú y đến khám. "Người ta không chú ý, không chăm mà để bò bệnh chết là không được nên mình phải thường xuyên lui tới" - anh Sĩ cho biết.

Mỗi lần đến thăm, anh cũng kết hợp hỏi thăm công việc, nhà cửa. Anh dặn dò chồng chị Phượng: "Mày coi đóng lại chứ tấm tôn kia sắp rơi xuống rồi đấy. Mưa gió này nguy hiểm lắm. Mày cũng uống ít rượu thôi đấy. Đi làm đi chứ đừng tối ngày uống rượu nữa". Nghe nhắc nhở, Điểu Don liên tục gật đầu.

Trên đường khi ghé thăm em học sinh mà đồn đỡ đầu, gặp cặp vợ chồng trẻ người S’Tiêng ngồi bên hiên nhà, anh Sĩ hỏi thăm: "Mày bữa nay còn đi cạo mủ cao su nữa không?". Người chồng bảo nghỉ rồi vì đi làm đêm cực quá. 

Người lính này lại dành thời gian khuyên nhủ: "Cực nhưng lương ổn định, tháng 5-6 triệu đồng/tháng, tiền ấy kiếm đâu ra? Giờ có vợ có con rồi, không làm lấy tiền đâu nuôi con? Giờ phải nghĩ cho vợ, cho con mày chứ".

Cứ tự nhiên, thân thiết như người cha, người anh trong nhà là cách anh Sĩ nói chuyện với bà con S’Tiêng ở đây. 

"Mình nói chuyện sao cho thân thiết để họ nghe mà không tự ái. Cái tự ái của họ cao lắm, mình thương, quan tâm nhưng nói không khéo là hư bột hư đường hết" - anh Tiến chia sẻ. 

Có lẽ vì thế mà những khi bị nhắc nhở, người dân vẫn chú tâm lắng nghe, gật đầu cảm ơn.

Ngày ấy, Đắk Ơ còn nghèo xơ xác, nhà cửa lác đác và bà con người S’Tiêng không biết chữ Kinh rất nhiều. Bằng nhiệt huyết, anh đã tự soạn giáo án, đứng lớp xóa mù chữ để dạy bà con. 

Chị Thị Phớt, một học trò của anh Sĩ ngày xưa, giờ khi gặp lại vẫn vui vẻ "chào thầy". 

"Mình là học trò lớp đầu tiên của thầy. Hồi đó năm 1999. Thầy dạy vui, nhiệt tình lắm" - chị Phớt nhắc lại kỷ niệm.

Làm công tác vận động quần chúng, gần dân và gắn với dân từ những điều nhỏ nhất như vậy nên người dân ở xã nghèo biên giới này đều quý mến anh Sĩ và các bộ đội biên phòng. 

Với người lính này, sự tin yêu của bà con chính là động lực, là thước đo để anh nỗ lực hơn mỗi ngày trong công việc, nhiệm vụ của mình.

Thiếu tá Hồ Ngọc Minh, chính trị viên của đồn Đắk Ơ, cho biết: "Anh Vũ Tiến Sĩ là người tận tụy, nhiệt tình trong công tác vận động quần chúng, gắn bó với đồng bào và được bà con địa phương tín nhiệm".

M.PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên