24 bậc cầu thang là thử thách với chị Hương nhưng trở nên dễ dàng khi có chồng bên cạnh - Ảnh: H.T.
Trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành Hà Nội, tiếng ru ầu ơ của người đàn ông xua đi cái rét đầu xuân. Đứa trẻ ngủ ngon lành trong vòng tay anh. Chị ngồi cạnh bên, mỉm cười hạnh phúc. "Mọi việc trong nhà gần như anh làm hết, mình chỉ lo cho con bú sữa" - chị Đỗ Thu Hương dựa vào vai chồng, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.
Nhân ngày 8-3, anh mong em luôn vui vẻ, hạnh phúc, cố gắng nghị lực trong cuộc sống. Anh rất yêu em.
Anh Mạnh gửi lời chúc đến vợ
Cảm ơn ông xã. Cảm ơn anh đã đến với em, bảo vệ, che chở, chăm sóc mẹ con em từng ngày.
Chị Hương bẽn lẽn hà thanh
Lựa chọn hạnh phúc
6 năm trước, chị Hương nên duyên cùng chồng Nguyễn Trung Mạnh sau thời gian dài tìm hiểu. Sau 3 năm hẹn hò, anh chị vượt qua mọi áp lực, rào cản từ gia đình và dư luận để đi đến hôn nhân. Anh Mạnh cao ráo, đẹp trai, bao cô gái thầm thương trộm nhớ. Chị Hương bị khuyết tật vận động, phải nhờ xe lăn và mọi người xung quanh.
Năm 8 tuổi, sau một trận sốt, tay chân chị Hương co rúm lại. Chạy chữa từ Bắc vào Nam, bệnh không thuyên giảm và còn diễn biến theo chiều xấu hơn, các khớp tay chân biến dạng. Sau một cuộc phẫu thuật, chị không tự đi lại được nữa. Ngày chị mặc áo cưới, người ta xì xào về "cặp đôi đũa lệch". Nhưng suốt 6 năm qua, họ như là mảnh ghép hoàn hảo của nhau, hạnh phúc đơm hoa kết trái.
Một ngày biết đến công việc gấp tranh giấy, chị Hương mê mẩn và đăng ký theo học tại một trung tâm dạy nghề. Rồi chị tự tin tham gia các hoạt động của người khuyết tật. "Chẳng bao giờ nghĩ mình có thể lấy chồng, sinh con. Mình còn không lo được cho bản thân, sinh con ra làm sao chăm sóc được? Đến bây giờ mình vẫn không tin nổi", chị Hương nhớ lại.
Ôm con gái vào lòng, anh Mạnh bẽn lẽn: "Cưa đổ Hương khó lắm đấy!". Anh quen chị qua một người bạn rồi tìm thấy chị trên Facebook. Mỗi ngày anh đều lân la vào Facebook của chị, hễ thấy chị đăng status hay đăng bức hình mới là đều "like, comment".
Biết chị bán tranh giấy ở hội chợ, anh Mạnh tìm đến. Khi anh mạnh dạn bước đến trò chuyện, mãi một lúc sau chị mới nhận ra là đã quen nhau qua mạng. Rồi hễ hội chợ nào có chị thì anh đều có mặt, họ trò chuyện nhiều hơn.
"Qua mạng, tôi đã hình dung về em, không bất ngờ khi gặp mặt. Em là người con gái hiền từ trong lời nói đến suy nghĩ, miệt mài lao động", anh nhớ lại ấn tượng ban đầu gặp chị.
Một ngày anh đột ngột rời Hà Nội về quê nhà Thái Bình chăm sóc mẹ đang bệnh tật. Mọi dự định đều gác lại bởi mẹ là tất cả với anh. Biết chuyện, chị Hương chủ động gọi điện, nhắn tin hỏi han anh Mạnh nhiều hơn. Chị bên anh vượt qua những ngày khó khăn nhất đời sau khi mẹ mất. Anh khăn gói lên lại Hà Nội. Chị chia sẻ với anh về cuộc sống của người khuyết tật, hướng dẫn anh cách làm tranh giấy. Ba năm tìm hiểu, anh ngỏ lời với chị.
"Thực ra là đúng người, đúng thời điểm. Tình yêu đã đến từ hai phía. Trọn vẹn tình yêu đẹp, có sự chia sẻ, sự cảm thông và thương yêu. Tôi quyết định chọn lấy hạnh phúc cho đời mình", anh Mạnh tâm tình.
Tổ ấm yêu thương
Lấy nhau rồi nhưng chị Hương vẫn không thoát khỏi áp lực xung quanh xì xào bàn tán: "Anh lấy cô vì lý do gì? Có sinh được con không? Liệu con sinh ra có giống mẹ?". Hàng tá câu hỏi quẩn quanh trong đầu chị cho đến ngày bác sĩ tư vấn: "Em bé khỏe mạnh, mọi thứ đều ổn". Và chị sinh con trai đầu lòng.
Chị không thể đi lại, anh trở thành đôi chân cõng chị đi khắp mọi nơi. Từ ngày mang bầu bé thứ hai cho đến lúc sinh, 24 bậc cầu thang dẫn lên tầng 2 của nơi ở là trở ngại lớn nhất đối với chị. Nhưng có anh, chuyện trở nên dễ dàng. Cậu con trai thích được mẹ đưa đón đến lớp, hằng ngày anh Mạnh cõng chị Hương lên xuống bậc cầu thang, bế chị lên xe lăn để chị chủ động đi đón con.
Mọi việc trong nhà một tay anh quán xuyến, từ nấu cơm, giặt giũ cho đến dỗ dành con ngủ. Căn phòng nhỏ nơi tầng 2, tổ ấm ấy do chính tay anh Mạnh thiết kế, sắp xếp đồ đạc thuận tiện nhất, dễ dàng nhất cho vợ di chuyển.
Không còn bán tranh giấy như ngày trước, nay anh chị bán hàng qua mạng để có thời gian chăm sóc các con, chị "chốt đơn" và anh đi giao hàng cho khách. Mới đây vợ chồng anh chị được nhà hảo tâm tặng cho "chiếc xe cà phê" nhưng dịch COVID-19 xảy đến, anh chị vẫn chưa thể tìm ra địa điểm bán hàng ưng ý.
Cuộc sống dù chẳng dư dả bao nhiêu nhưng tổ ấm luôn đầy ắp tiếng con trẻ. Lời con trẻ chào mẹ cha mỗi lần đi học về là động lực để anh chị cố gắng mỗi ngày.
Sau 6 năm vun đắp hạnh phúc với hai thiên thần nhỏ "có nếp có tẻ", anh Mạnh nói đó là niềm hạnh phúc nhất đời. "Mọi người nói lấy vợ như thế thì vất vả đấy, nhưng tôi chỉ nói với họ một câu thế này: Cuộc đời tôi sinh ra đã gặp nhiều sóng gió, vất vả rồi, có thêm một tí cũng không sao. Quan trọng là sống hạnh phúc, có niềm tin, có nghị lực để vượt qua tất cả. Tôi sẵn sàng đón nhận và bằng lòng với những gì mình có", anh Mạnh tâm tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận