Julieta (Tây Ban Nha) và Una (Anh, Mỹ) là hai bộ phim tâm lý. Dù có hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng đều xoáy vào vết thương của quá khứ.
Đào sâu những bí ẩn
Julieta là bộ phim thứ 20 của đạo diễn nổi tiếng Tây Ban Nha Pedro Almodovar (người giữ chức chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm nay).
Vẫn trung thành với phong cách làm phim tự sự phi tuyến tính với nhân vật trung tâm là phụ nữ như All about my mother (1999, Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), Talk to her (2002), Volver (2006)... - những bộ phim xuất sắc nhất của ông, Julieta tiếp tục đào sâu những bi kịch và bí ẩn từ quá khứ.
Julieta(do nữ diễn viên Tây Ban Nha Emma Suarez, người thường xuyên xuất hiện trong phim của Pedro - thể hiện) là phụ nữ trung niên, sống cùng bạn trai lớn tuổi ở Madrid (Tây Ban Nha).
Họ dự định chuyển đến một thành phố nhỏ ở Bồ Đào Nha để tránh sự ồn ào náo nhiệt của đô thị. Một lần trên phố, Julieta tình cờ gặp Bea, bạn thân của Antia - con gái bà, người đã biến mất không tăm tích suốt 12 năm trời.
Bea kể lại rằng cô gặp Antia đang sống ở Thụy Sĩ cùng chồng và ba con. Vết thương tưởng lành miệng bỗng nhiên bị khơi lại và nỗi đau của người mẹ bị con gái ruột chối bỏ khiến Julieta quyết định từ bỏ chuyến đi đến Bồ Đào Nha và rơi vào cơn “tái nghiện” quá khứ dường như khó dứt khỏi.
Và những bí ẩn từ quá khứ, tình yêu thời trẻ, thảm kịch gia đình và tình mẫu tử - những “từ khóa” quen thuộc trong phim của Pedro Almodovar, một lần nữa được ông sử dụng.
Trong Julieta, những bí ẩn của quá khứ được khai mở qua những lá thư mà Julieta viết cho con gái đã chạy trốn khỏi bà, với hi vọng một ngày nào đó cô sẽ hiểu tình yêu thương mà bà dành cho cô...
Tại sao con gái lại chạy trốn khỏi mẹ mình?
Tại sao cô giấu biệt mọi tung tích với người mẹ, khiến bà phải sống trong sự chất vấn lương tâm và vết thương khó lành miệng suốt 12 năm trời?
Những câu hỏi đó dần dần được bóc tách qua lối kể chuyện vừa giàu nữ tính, vừa có yếu tố ly kỳ hồi hộp.
Tình yêu và sự mất mát, niềm đam mê và cái chết, sự hiểu lầm và sự đổ vỡ... - những cặp chủ đề song hành quen thuộc - qua bàn tay dàn dựng của Pedro Almodovar một lần nữa chinh phục người xem.
Đạo diễn để cho khán giả câu trả lời cuối cùng chứ không tìm cách lý giải.
Cảnh trong phim Julieta - Ảnh: IMDb |
Một bộ phim tuyệt đẹp về nỗi buồn thuần khiết Được chuyển thể từ bộ ba truyện ngắn trong tập truyện Runaway của nữ nhà văn Canada đoạt giải Nobel văn chương năm 2013 Alice Munro, Julieta ban đầu được Pedro viết kịch bản bằng tiếng Anh và dự định quay tại Canada với diễn xuất chính của Meryl Streep. Tuy nhiên, vào phút cuối ông chuyển bối cảnh và ngôn ngữ sang tiếng Tây Ban Nha - sở trường của ông. Với một câu chuyện thoạt nhiên có vẻ đơn giản, Julieta để lại nhiều dư âm khiến người xem phải đặt lại câu hỏi về chính bản thân mình. Phải chăng vì vậy mà Julieta tưởng đơn giản như một truyện ngắn, tưởng giản dị như một bộ phim điện ảnh chiếu trên truyền hình lại được nhiều nhà phê bình đánh giá cao và thành công về doanh thu. Ở Pháp, Julieta là bộ phim được giới phê bình đánh giá rất cao với nhiều tờ báo lớn dành 5 sao cho bộ phim. Tờ Le Monde gọi đây là “một bộ phim tuyệt đẹp về nỗi buồn thuần khiết”. |
Quá khứ còn lại gì?
Una cũng là một bộ phim tâm lý, lấy tên nhân vật nữ chính làm nhan đề cho bộ phim.
Đây là một phim độc lập của Anh, Mỹ, Canada có kinh phí thấp và do đạo diễn người Anh Benedict Andrews thực hiện.
Nếu Julieta có chất liệu gốc từ ba truyện ngắn của văn tài Alice Munro thì Una dựa theo vở kịch gây sốc Blackbird của David Harrower - cũng là tác giả của kịch bản chuyển thể.
Tại sao lại gây sốc? Ta có thể hiểu được điều đó khi khám phá những bí ẩn của quá khứ và cách Una đối mặt với nó để đi tìm cho mình câu trả lời trong nhiều năm sau.
Bộ phim cũng bắt đầu bằng thời hiện tại. Una (do nữ diễn viên trẻ Rooney Mara - người từng đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc tại Cannes với phim Carol) là cô gái trẻ cô độc sống cùng mẹ, thường xuyên chọn “tình một đêm” chứ không có ý định gắn bó với ai.
Một ngày nọ, cô đến thẳng nơi làm việc của một người đàn ông lớn tuổi tên Ray (do Ben Mendelsohn đóng) để bắt ông ta phải đối mặt với mình.
Và “vở kịch hai người” lần lượt được mở ra, giúp người xem đi tìm câu trả lời cho quá khứ của họ.
Nhiều năm về trước, khi còn là cô bé 13 tuổi, Una từng có mối quan hệ tình cảm và cả tình dục với Ray - người đàn ông hàng xóm và là bạn của cha cô bé.
Ray đã trả giá với bốn năm tù tội “ấu dâm” và phải chuyển đến một nơi khác, thay đổi họ tên để làm lại cuộc đời.
Vậy Una đến tìm ông ta sau nhiều năm với mục đích gì? Chủ đề “ấu dâm” gây sốc trong vở kịch được lý giải khá hợp lý trong bộ phim này.
Cảnh phim Una |
Biên kịch và đạo diễn của bộ phim không cố để “luận tội” Ray, mà để Una chất vấn Ray rằng tại sao ông ta lại bỏ đi sau lần quan hệ với cô?
Liệu ông ta chỉ “lợi dụng” cô gái 13 tuổi vì căn bệnh “ấu dâm” hay thực sự có tình cảm với cô? Rõ ràng những chủ đề này dễ rơi vào cái bẫy “phán xét đạo đức” và nó “gây sốc” cũng vì vậy.
Sự khai mở tâm lý của bộ phim giúp người xem hiểu được nội tâm của Una - cô bé trưởng thành sớm, yêu sớm theo kiểu Lolita và mang nỗi đau quá khứ vì bị “bỏ rơi”, chứ không phải bị “lạm dụng tình dục”.
Julieta và Una trong hai bộ phim này là câu chuyện của hai người đàn bà đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn quá khứ, chỉ để tự vấn: Quá khứ còn lại gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận