Cụ thể, ông N.T.K. tại TP.HCM, đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu tại Bệnh viện Triều An. Ông K. mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Từ ngày 1-1 đến 8-3-2021, ông đi khám chữa bệnh BHYT lên đến 80 lần, tổng kinh phí quỹ BHYT phải chi trả cho ông hơn 60 triệu đồng.
Ông đã đi khám bệnh BHYT tại 18 bệnh viện khác nhau: Bệnh viện Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện quận 7 (11 lần), Bệnh viện Thủ Đức (10 lần)…
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, có những ngày, buổi sáng ông K. ở cơ sở khám bệnh này, buổi chiều ở cơ sở khám khác.
Ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết ngoài việc kịp thời gửi thông tin cảnh báo tới Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh về việc có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT của bệnh nhân N.T.K, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời thực hiện chuyển dữ liệu lên cổng tiếp nhận ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh, hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú và nội trú của bệnh nhân; các cơ sở không phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT trong ngày vẫn phải tuân thủ việc chuyển dữ liệu đúng quy định.
Ông Mến cũng cho biết thêm trong các văn bản pháp luật hiện hành về BHYT, không có quy định nào hạn chế số lần khám chữa bệnh của người tham gia.
Trên thực tế không phải trường hợp nào có số lượt khám chữa bệnh BHYT gia tăng đột biến cũng là trục lợi quỹ BHYT. Đơn cử, với những trường hợp mắc bệnh mãn tính, trên cơ sở bệnh lý của người bệnh, theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể gia tăng số lượt khám chữa bệnh BHYT nhiều lần trong năm.
Nhưng qua Hệ thống thông tin giám định BHYT đã phát hiện những trường hợp bệnh nhân có số lượt khám chữa bệnh tăng đột biến, những trường hợp này qua kiểm tra, rà soát cho thấy có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT.
Với những trường hợp này cần phải kiên quyết cảnh báo và xử lý nghiêm theo quy định để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT và sự nghiêm minh của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận