07/08/2016 09:27 GMT+7

Chuyện tử tế về... miếng ăn

PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH
PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH

TTO - Được tổ chức trong khuôn khổ Phiên chợ xanh - tử tế lần thứ 9, buổi giao lưu “Hiểu về thực phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe” chiều 6-8 đã thu 
hút những bà nội trợ, các bác lớn tuổi, những bạn trẻ kéo đến chật cứng 
hội trường.

Người dân TP.HCM mua thực phẩm sạch tại Phiên chợ xanh - tử tế 2016 - Ảnh: TỰ TRUNG
Người dân TP.HCM mua thực phẩm sạch tại Phiên chợ xanh - tử tế 2016 - Ảnh: TỰ TRUNG

“Ngày nào tôi cũng đi chợ, nấu ăn, cũng trồng cây ở nhà, nghĩ rằng mình cũng biết phân biệt rau sạch, rau có hóa chất nhưng vẫn không tự tin. Tôi đi nghe để bổ sung kiến thức cho mình” - chị Hà, một bà nội trợ ở Q.3, TP.HCM, giải thích khi vào chờ rất sớm.

Bổ sung kiến thức để mua rau

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bắt đầu câu chuyện bằng cái chân đau vì bệnh gout của mình, “một căn bệnh có nguyên nhân từ ăn uống” - bác sĩ khẳng định.

Những kiến thức về các nhóm thực phẩm, nhu cầu dinh dưỡng được lướt qua nhanh chóng để đi sâu vào cái nền của “thực phẩm xanh”: lựa chọn thức ăn sạch, an toàn. Một bạn trẻ tỏ ra sốt ruột: “Chúng em muốn biết cách nào phân biệt được rau hữu cơ và rau có phun hóa chất?”.

Một bác lớn tuổi cầm micro: “Nhà tôi mỗi tháng dùng tới hơn 10kg muối để rửa rau. Rau chỉ mua trong siêu thị, nhưng vẫn thấy nghi ngờ. Có phải rau nào đẹp, xanh mướt là có hóa chất không?...”.

Từ khi bắt đầu vào cuối tháng 4-2016, đến nay Phiên chợ xanh - tử tế (được tổ chức thường kỳ vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật của tuần thứ nhất và thứ ba hằng tháng tại Trung tâm BSA, 163 Pasteur, Q.3, TP.HCM - PV), đã trải qua chín lần với sự tham gia ngày càng đông của các nhà vườn, hợp tác xã, trở thành nơi gặp gỡ của những con người có chung nhu cầu: được tìm hiểu và ăn thực phẩm sạch, tươi, an toàn.

Hương Phạm, cô kỹ sư đang thuê đất trồng rau hữu cơ ở Củ Chi, cũng công nhận rằng rất khó phân biệt: “Rau hữu cơ trồng rất khó, không dùng thuốc hóa học rất có nguy cơ mất trắng, nhưng ở những nơi thổ nhưỡng, khí hậu tốt như Đà Lạt thì vẫn xanh mướt, bóng mỡ.

Đã và đang lấy việc trồng rau hữu cơ làm việc chính như tôi cũng chỉ tự tin vào khả năng phân biệt của mình 50% rằng rau an toàn lá nhỏ, xanh đậm, củ quả an toàn sẽ có kích thước không đều nhau.

Vậy có cách nào đáng tin hơn? Chỉ có cách là chọn mua rau trái, thực phẩm ở những nơi mình biết rõ nguồn gốc và có thể đặt niềm tin”.

Chị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ, đồng ý rất nhanh: “Đúng vậy, rau củ quả thịt cá giờ mua bằng niềm tin là chính.

Tôi là người ở làng rau Đơn Dương (Lâm Đồng), muốn lấy rau an toàn của các bạn tôi trồng cho các thành viên của hội nhưng chính những người trồng, vì là bạn tôi, lại không dám cung cấp vì sợ sẽ làm tôi mất uy tín, dù họ là nguồn cung cấp chính cho các siêu thị.

Vì thế tôi thường xuyên tìm đến phiên chợ xanh - tử tế này bởi ở đây những người nuôi trồng trực tiếp mang sản phẩm đến, trực tiếp chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình”.

Bà Vũ Kim Anh - chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và sáng tạo khởi nghiệp (BSA), “mẹ đẻ” của Phiên chợ xanh - tử tế - kể về một chủ nhà vườn ở Đà Lạt không yên tâm rời vườn rau của mình một ngày vì lo thói quen chạy theo chỉ tiêu, số lượng của công nhân sẽ thúc giục họ phun thuốc vào luống rau; về những vườn rau của các cô cậu kỹ sư, kiến trúc sư thu hút thiên địch bằng hoa sao nhái, hun đuổi sâu bệnh bằng tiêu - tỏi - ớt...

Và kết luận: “Đi miết, giờ tôi đã biết phân biệt rau trái sạch bằng mắt nhìn, tay sờ và quan trọng hơn đã nuôi được niềm tin: ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm và bắt tay vào công cuộc chiến đấu với thực phẩm bẩn bằng cách sản xuất thực phẩm sạch. Phiên chợ của chúng tôi là một trợ sức cho các bạn”.

Theo dõi suốt buổi, chị Hà gật đầu: “Còn sống thì còn phải giữ niềm tin với nhau thôi. Chỉ có điều những phiên chợ như thế này còn quá ít, ít người cung cấp, ít người tiêu thụ”.

Ông bác lớn tuổi gục gặc trước lúc đứng lên: “Tôi mong có thật nhiều người tử tế như những người ở đây. Quản lý của Nhà nước còn quá yếu, mỏng so với ma trận thực phẩm bẩn. Tất cả mọi người phải tự trang bị kiến thức để cứu mình thôi...”.

Từ “tử tế” đến “ngày thường”: đường còn dài

Bên ngoài hội trường, lối đi nhỏ của phiên chợ xanh - tử tế vẫn chật nêm khách. Lách giữa hàng người xuôi ngược ấy không dễ, càng khó xoay xở hơn cho một bà bầu như chị My (Q.Thủ Đức) với chiếc xe đẩy chất đầy rau xanh các loại, thực phẩm.

Từ ngày biết đến phiên chợ, chị My chưa bỏ sót phiên nào.

“Chiến lợi phẩm” cũng đa dạng vì người ta bán gì mình mua đó. “Vì hàng sạch, trồng theo tự nhiên nên nguồn hàng không phải khi nào cũng ổn định. Mình muốn mua xà lách mà mấy người bán nói xà lách chưa kịp lớn, ăn tạm loại khác vậy” - chị My nói.

Cũng như nhiều người đến mua hàng nhờ biết tin qua báo đài, mạng xã hội, chị My đến phiên chợ ban đầu vì nhu cầu xen lẫn sự tò mò.

Nhưng mua về “ăn thấy khác”, ngon hơn rau vẫn ăn từ trước đến nay vốn mua ở chợ, siêu thị, chị My đã tin.

Không những thế, ở phiên chợ này người mua được gặp gỡ trực tiếp nhà sản xuất, được nghe họ nói về quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm này như thế nào. “Không khí mua bán rất vui, ai cũng dễ thương, nhiệt tình, lại được tặng thêm quà” - chị My vui vẻ nói.

Bởi vậy trong phiên chợ rau sạch này, người mua hàng không cứ nhất thiết phải là bà nội trợ sang chảnh hay cô nhân viên văn phòng giàu tri thức.

Có những nông dân chân chất từ “rẫy” ở Long Khánh, Đồng Nai, cách Sài Gòn hơn 80km hay mẹ con chị giáo viên nhà ở Cần Thơ không quản đường xa đón xe đò lên dự phiên chợ.

Chị Trang (Long Khánh) nói xem tivi thấy có phiên chợ hàng sạch, tranh thủ cuối tuần mấy chị em đón xe lên liền, hết 120.000 đồng tiền vé cũng đáng. Giờ ăn là liên quan đến sức khỏe nữa, ăn bậy dính bệnh liền, sao ai mà không quan tâm cho được!

Trong chốc lát, rau quả sạch của CLB Cọng Rơm, nước thanh long lên men, dưa kiệu đầu mùa, hột vịt chạy đồng... - những món mới của phiên lần này - đã bán sạch.

Tuy nhiên, theo ông Trương Cung Nghĩa - chuyên gia thị trường, nếu hỏi mọi người có nhu cầu ăn sạch, ăn an toàn, ăn bổ dưỡng không, ai cũng trả lời là có.

Nhưng để tạo được thói quen tiêu dùng hàng sạch hằng ngày vẫn là chặng đường dài. Vì xét cho cùng giá thực phẩm sạch, an toàn không hề rẻ hơn so với hàng ở chợ, siêu thị, thậm chí còn mắc hơn.

Cho nên khách mua thực phẩm an toàn không hẳn chỉ là khách có thu nhập tốt, mà đó là những người nghĩ rằng mình có hiểu biết, có tri thức về thực phẩm sạch.

Nghĩa là thực phẩm sạch, hữu cơ vẫn chưa thể với tới được những người nội trợ bình thường. Có lẽ vì vậy những phiên chợ xanh như vậy đáp ứng nhu cầu tùy hứng hơn là phục vụ cho một thói quen sinh hoạt hằng ngày.

“Tới phiên chợ, người dùng có thể mua và so sánh thực phẩm họ đang dùng hằng ngày, từ đó làm thay đổi dần nhận thức của họ về các sản phẩm sạch, an toàn để rồi đến một lúc nào đó khi đã quen với “thực phẩm tử tế” và đủ khả năng cho phép, họ sẽ chọn dùng chúng đều đặn” - ông Nghĩa nói.

Tìm hiểu kỹ sản phẩm và cái tâm của người trồng rau

Bà Vũ Kim Anh cho rằng về chuyện rau, người dân đang mua bán, ăn uống với nhau bằng niềm tin là nhiều.

Do đó để có được cầu nối bằng niềm tin này, theo bà Anh, BSA đã đi khảo sát từng nhà vườn, không chỉ kiểm tra khâu sản xuất, sản phẩm mà còn tìm hiểu về sự hiểu biết và cái tâm của người trồng rau nữa.

“Có như vậy mới dám đặt niềm tin và thuyết phục những bà nội trợ khác tin vào xanh - tử tế...” - bà Anh nói.

PHẠM VŨ - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên