Tây Ninh chuyển trường công thành tư, giáo viên phản đối

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TTO - Trong những ngày qua, dư luận giáo viên ở Tây Ninh rất bức xúc vì tỉnh đang có chủ trương chuyển hai trường công thành trường tư.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Tây Ninh

Đó là Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông Tây Ninh và Trường THPT Trần Đại Nghĩa.

Theo đó, Công ty IAE sẽ xin thành lập Công ty cổ phần giáo dục Tây Ninh để vận hành trường phổ thông tư thục nhiều cấp này. Học sinh công lập sẽ được học theo mức học phí cũ và học đến hết cấp học. 

Công ty cổ phần giáo dục Tây Ninh sẽ thuê lại cơ sở vật chất cho đến khi số học sinh công lập hoàn tất cấp học tại trường (dự kiến đến năm 2018). Sau đó, công ty sẽ mua lại toàn bộ cơ sở vật chất của trường theo đúng quy định ước tính hơn 17 tỉ đồng.

Giáo viên không đồng ý

Nhiều giáo viên đặt câu hỏi: "Tại sao không xây dựng trường ở một chỗ khác mà nhất thiết phải là Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông Tây Ninh và Trường THPT Trần Đại Nghĩa?”, “Trường Trần Đại Nghĩa từ lâu đã là trường có chất lượng đào tạo nằm trong tốp đầu ở Tây Ninh thì không có lý do gì để chuyển sang tư thục!”.

Thầy Lê Văn Hồng, hiệu phó Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: Hằng năm, Trường Trần Đại Nghĩa thu hút đào tạo 20% học sinh vùng sâu, vùng xa (trong tổng sĩ số hơn 1.200 học sinh của trường) và 30% học sinh diện nhà có thu nhập thấp.

"Với mức học phí khoảng 100.000 đồng/tháng gia đình các em còn có khả năng chứ nếu chuyển mức học phí lên mức thấp nhất dự kiến đến 800.000 đồng/tháng theo như đề án thì số học sinh này không thể kham được”, thầy Hồng nói.

Tổng cộng trong số 109 phiếu phát ra để thăm dò ý kiến giáo viên của hai trường vào ngày 19-3 có 65 phiếu không đồng tình với chủ trương này, chiếm tỉ lệ 60,18%.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, đại diện cho Công ty IAE, cho biết: “Chúng tôi đang chờ ý kiến của phụ huynh về mức học phí cũng như nhu cầu và chất lượng đào tạo song ngữ”.

Ông Đổng Ngọc Lập, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho biết trong khi các tỉnh khác có rất nhiều trường tư thục thì Tây Ninh chỉ có một trường tư thục là Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng hoạt động không hiệu quả nên cần phải xã hội hóa theo hình thức này.

Theo ông Lập, trong quy hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020, đầu tư xây mới và chuyển từ công lập sang tư thục là hình thức cổ phần hóa đối với doanh nghiệp, giảm ngân sách nhà nước chi cho các trường mỗi năm vài tỉ đồng.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên