22/06/2014 07:59 GMT+7

Chuyện trái vải đóng hộp

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Một sinh viên đang du học tại Úc, qua Facetime thấy ở nhà có cả rổ trái vải thiều tươi đặt trên bàn đã chép miệng than với mẹ: “Mấy năm rồi, từ ngày đi học xa nhà đến giờ con chẳng hề biết mùi vị trái vải như thế nào”.

Xúc tiến tiêu thụ vải ở SingaporeTắc đường vì quả vải tươiNông dân lại ê ẩm với quả vải

Sao thế? Trả lời câu hỏi của bà mẹ, con trai nói: “Trái vải tươi là thứ hàng xa xỉ bên này. Nếu nho, táo vào mùa chỉ bán 1-2 đôla/kg thì vải tươi đến mùa, rẻ nhất là vải trồng ở Úc - không thể ngon bằng vải thiều ở nhà mình - cũng 10 đôla/kg. Còn vải nhập thì người ta đếm trái mà bán”.

Không ngăn được cơn thèm, hôm sau cậu sinh viên đi siêu thị mua vải đóng hộp. Tìm đỏ con mắt, cậu chẳng thấy được một lon vải nào “made in Việt Nam”, mà chỉ rặt hai loại nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc. Và cậu đã quyết định mua một hộp của Thái Lan với giá 2,5 đôla (tương đương 50.000 đồng Việt Nam).

Mấy tuần nay, báo chí, truyền hình đưa tin, bài tràn ngập trên tivi, trên báo giấy, báo mạng về câu chuyện nông dân phía Bắc khóc ròng theo việc được mùa trái vải nhưng đầu ra khó khăn, phải bán với giá rẻ bèo.

Vải là loại trái cây không để được lâu, thu hoạch chỉ rộ lên trong một thời gian khá ngắn. Các cơ quan chức năng của ta đã làm gì để hỗ trợ nông dân? Nghe lời phát biểu của những vị có trách nhiệm mà ngao ngán cho cách làm việc “nước đến bụng mới nhảy” khi giờ này mới đi liên hệ để tìm cách đưa trái vải sang thị trường Singapore, hay kêu gọi các tỉnh phía Nam tiêu thụ giúp!

Nói thật, chẳng ai tin được chuyện sẽ bán được trái vải sang Singapore, vì vào những thị trường này chẳng hề đơn giản như nông dân mang vài thúng vải ra quốc lộ bán cho khách đi đường!

Và cũng nói thật, chúng tôi thấy những lời kêu gọi của người dân ở trên mạng rằng hãy mua vải ăn để giúp nông dân, rồi chỉ vẻ cho nhau chế biến những món ăn như canh trái vải, vải nhồi tôm hấp, vải xào... xem ra còn hiện thực hơn.

Với trái vải, thường có hai cách xử lý ngoài việc tiêu thụ trái tươi, đó là sấy khô hoặc đóng hộp. Nhưng với vải sấy khô thì báo chí đã có nhiều bài phóng sự kể chuyện chẳng có một lò sấy nào cho ra hồn ở những địa phương trồng vải, mà toàn là những lò sấy thủ công của chính nông dân!

Hay vải đóng hộp, mọi người cứ thử đi một vòng các siêu thị mà xem, đừng nói cậu du học sinh ở Úc mà ngay tại Việt Nam, vải đóng hộp cũng thua ngay trên sân nhà trước sản phẩm của những người láng giềng. Tôi đã mua cả ba loại đóng hộp của ta và của hai nước láng giềng sản xuất để thử thì quả đúng như nhiều người bán hàng nói: vải đóng hộp của ta bao bì không đẹp, đã vậy ăn vào lại có mùi tanh của vỏ lon sắt, rồi trái vải cũng mềm nhũn chứ không “cứng” như của ngoại nên không được chuộng.

Từ hôm xảy ra vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của Việt Nam, vấn đề làm sao để giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế đã được bàn luận rất nhiều. Tôi chẳng phải là dân rành kinh tế, nhưng cũng bức xúc bởi những điều mắt thấy tai nghe, như câu chuyện cậu sinh viên đi tìm không ra một lon vải hộp “made in Việt Nam”.

“Thoát Trung” phải bắt đầu từ những việc nho nhỏ, đơn giản như cái lò sấy vải hiện đại, nhà máy đóng hộp chất lượng cao chứ không chỉ những vấn đề lớn lao.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên