Kỳ 1: Không chốn nương thân Kỳ 2: Đi tìm sự sống Kỳ 3: Nước mắt làng Vân Kỳ 4: Thương yêu từ nửa vòng Trái đất
Phóng to |
Hạnh phúc tuổi già bên nhau của vợ chồng ông Trơn, bà Tiến - Ảnh: T.Lụa |
Hơn 40 năm sống bên nhau, cặp vợ chồng là bệnh nhân phong ấy đã cùng nhau vượt qua biết bao sóng gió của bệnh tật, chia ly loạn lạc của chiến tranh. Chuyện tình của ông bà như cái kết có hậu của một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Duyên trời định
Năm ấy, khi Hồ Thị Tiến mới 13 tuổi thì thấy cơ thể mình có dấu hiệu lạ: những vết đỏ mọc trên má, dần thành các vết loét rồi ngứa ngáy, da mất cảm giác. Chiến tranh loạn lạc, cả gia đình đi tập kết chỉ có hai anh em Tiến ở nhà. Anh trai Tiến bị bệnh phong, cơ thể lở loét với hàng trăm vết thương chằng chịt. Tiến sợ mình cũng bị bệnh giống như anh. Kết quả khám, nỗi lo sợ ấy của Tiến là sự thật. Hai anh em về nhà ôm nhau khóc.
Tiến không thể nào quên ngày anh trai uống nước lá cây mã tiền để tự tử. Anh lên cơn co giật, sùi bọt mép, vật vã rơi từ trên giường xuống. Nhưng anh không chết. Hai anh em nghe nói ở Quy Hòa chữa trị miễn phí cho những người mắc bệnh phong. Ở đó “có những cô y tá áo trắng không sợ trùng Hansen”, anh trai dắt Tiến từ Phú Yên ra Bình Định, đi bộ ròng rã nguyên đêm từ ngã ba Phú Tài mới đến được làng phong.
Còn ông Huỳnh Trơn đang đi bộ đội thì phát bệnh phong, được trả về hậu phương. Năm 1954, ông tìm đường vào trại phong Quy Hòa để chữa trị. Ngày ấy đường vào làng phong Quy Hòa chỉ toàn rừng cây rậm rịt, đường núi hoang vu. “Vào đây tui coi như cuộc đời mình đã kết thúc. Chỉ thấy rừng núi, cây cối, người người đau bệnh... Đâu ai ngờ được hồi sinh bởi tình yêu của bả” - ông cười hiền.
Ông để ý người con gái có vóc dáng nhỏ nhắn mà làm lụng luôn chân luôn tay. Bà thì thương chàng trai sớm mồ côi, chịu thương chịu khó đi rừng tối ngày. Để ý rồi thương nhau lúc nào chẳng rõ. Khi ông bảo “Bà về ở với tui đi” và được bà chấp nhận, ông mừng rớt nước mắt, cả đêm trằn trọc không ngủ. Ông bà xin giám đốc khu điều trị cho hai người về ở với nhau. Ngày ấy, ban giám đốc cương quyết phản đối vì sợ nhiều người bệnh phong trong trại lấy nhau sẽ sinh con đông, trại khó kiểm soát. Nhưng thấy ông Trơn, bà Tiến thương nhau thật lòng, họ cũng gật đầu chấp thuận.
“Ngày cưới, bả không có một tấm áo mới. Tui đi làm than đúng một tháng trời, ăn không dám ăn, để dành tiền mua vài gói bánh ngọt, vài ấm trà ngon mời đãi mọi người” - ông Trơn nhớ. Lễ cưới của ông bà được tổ chức ở nhà thờ, ngay trong khu điều trị phong Quy Hòa. Khách mời là các y tá, các sơ và bệnh nhân trong làng phong. Lễ cưới đơn sơ ấy chỉ có vài gói bánh, vài nhánh hoa rừng và rất nhiều giọt nước mắt xúc động của các bệnh nhân dành cho đôi vợ chồng trẻ.
“Thương nhất đôi bàn tay...”
Sống với nhau được một thời gian thì chiến tranh ly tán, ông dạt ra tận Huế. Bà vượt mọi nẻo đường ra Huế tìm ông. Bà tâm sự: “Ôi chao, đó là những ngày tui không thể nào quên, không biết có được động lực nào tui lại một mình lặn lội đi tìm ông, bất chấp hiểm nguy, bom đạn. 12g đêm tui mới dám đi bộ từ làng phong ra TP đón xe lửa. Đường đèo nửa đêm chỉ có cây cối, thú rừng và bom đạn. Thế mà không biết sợ là gì, nghĩ đi gặp ông là cứ đi thôi”.
Bệnh viện phong da liễu trung ương Quy Hòa được thành lập năm 1929 do một linh mục người Pháp cùng 30 bệnh nhân phong đến đây lập nên. Người dân sau khi chữa bệnh xong thì ở lại lập làng mưu sinh. Làng phong Quy Hòa hiện có 463 bệnh nhân, đa số họ đã hết bệnh. Dân làng phong thường đi biển đánh cá, một số hộ lên núi làm rẫy. Cuộc sống của họ bấp bênh, sống chủ yếu nhờ trợ cấp của Nhà nước và các đoàn từ thiện. Làng phong Quy Hòa là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã đến chữa bệnh và mất vào năm 1940. Ông được chôn trong khu nghĩa địa của làng. Căn phòng Hàn Mặc Tử nằm đã được lập thành nhà tưởng niệm cho du khách tham quan miễn phí ngay trong làng phong. |
“Hồi đó không biết kế hoạch là gì. Tui sinh mấy năm liên tục tám đứa con” - bà cười, nụ cười nhẹ bẫng của người đã đi qua nhiều vất vả. Cũng như bao người đàn ông ở làng phong Quy Hòa này, ngày ngày ông lên rừng chặt củi, làm lò than kiếm tiền. Ông lên núi từ sớm tinh mơ, tới 5g chiều xuống làng lại cuốc đất trồng rau, cùng bà nuôi thêm gà, heo để nuôi tám đứa con ăn học.
Tám người con của ông bà đều được cho ra ngoài học hành đến nơi đến chốn. Ông thường bảo với con chỉ có học hành mới thoát được cuộc sống nghèo túng nơi làng phong này. Các con ông ai cũng thương cha mẹ, cố gắng học hành. Con trai đầu của ông bà làm thuyền trưởng lái tàu ở Sài Gòn, con gái thứ hai làm ở kho bạc nhà nước; có người dạy ở trường mẫu giáo tại Quy Nhơn, Bình Định. Hàng xóm phục sát đất vì ông bà bệnh tật, không chỉ nuôi được tám người con ăn học, mà còn tích góp được gần ba lượng vàng mua nhà cho con tại TP Quy Nhơn. Con cái thành đạt bảo đón ông bà về chăm sóc, nhưng cả bà lẫn ông nhất định từ chối. Ông bảo mình đã gắn bó với làng phong, với bờ biển, với ghềnh đá này nên không muốn rời xa.
Nắm đôi bàn tay của bà đã cụt hết tất cả các ngón chỉ còn trơ cùi, ông xuýt xoa: “Thương nhất đôi bàn tay này. Ngày xưa đôi tay bà hoàn toàn lành lặn, nhưng về làm vợ tui, bà phải làm lụng nhiều quá mà đôi bàn tay bị phá nát ra. Bà tiết kiệm lắm, tui đi rừng bà ở nhà ăn không dám ăn, toàn húp cháo trộn sắn xay để dành tiền cho các con ăn học. Nghĩ mà thấy thương...”.
Bà ngồi cạnh ông, cười thẹn thùng như cô gái tuổi đôi mươi: “Ổng làm nhiều nên sức khỏe giờ yếu, ăn ít, ngủ ít, toàn nghĩ lại chuyện ngày xưa”. Cách đây tám năm, ông té ở thềm nhà phải định xương chân, một bên mắt ông cũng bị hỏng từ những ngày còn đi rừng. Ở tuổi 90 ông vẫn tiếc rẻ: “Giá mà không có trận té, có khi giờ tui còn đi rừng đốt than được”.
Bây giờ ông chỉ có thể chậm rãi đi quanh nhà, nhặt củi cho bà nấu cơm, múc nước cho bà tắm, vì “bà đã vì con cái, vì tui mà mất đi đôi tay. Bà tằn tiện, vất vả cả đời nên con cái mới có ngày hôm nay, càng nghĩ càng thấy thương, càng thấy biết ơn bà”.
Đôi bàn tay cụt hết các ngón của bà giờ không còn phải bươn chải chăn nuôi, bới đất nhặt cỏ để trồng trọt. Ông bà đã có thời gian thảnh thơi chăm mấy hàng dâm bụt, mấy chậu sống đời và hai gốc cây trứng cá trước nhà. Nhìn đôi vợ chồng già đã quá nửa đời người chịu đau bệnh, ở độ tuổi gần đất xa trời vẫn ân cần với nhau trong từng câu nói, nụ cười..., hình như mọi lo toan của đời này bỗng dưng nhẹ bẫng.
__________________
Kỳ tới: Chuyện của Nga
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận