21/07/2023 11:13 GMT+7

Chuyển tiền nhầm: Rối do thiếu luật

Vụ một người chuyển khoản nhầm số tiền lớn vào tài khoản của người khác được báo chí nhắc đến mấy tuần nay là một vụ tương đối đặc biệt.

Nếu chỉ có chuyện chuyển tiền nhầm thì không có gì đáng nói: người nhận tiền dứt khoát phải trả lại số tiền cho người chuyển nhầm, không thiếu một xu.

Người nhận nhầm mà không tự nguyện giao trả thì có thể bị cưỡng chế theo bản án, quyết định của tòa án trong khuôn khổ vụ kiện đòi lại tài sản. Nếu cố ý chiếm đoạt tài sản nhận nhầm thì có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Nhưng câu chuyện trở nên ly kỳ, rắc rối do người nhận nhầm đang mắc nợ ngân hàng quản lý tài khoản của mình.

Khi thấy thân chủ, đồng thời là người mắc nợ có tiền trong tài khoản, ngân hàng chủ động trích tiền trong tài khoản để thu nợ. Vậy là người nhận tiền nhầm không có đủ số tiền cần thiết để hoàn trả cho người chuyển nhầm.

Nếu giữa ngân hàng của người nhận tiền nhầm và người này không có thỏa thuận trước về việc cho phép ngân hàng tự động trích tiền có trong tài khoản để trừ nợ thì việc ngân hàng tự động trích tiền trong tài khoản là không đúng luật.

Tiền trong tài khoản của một người thuộc quyền sở hữu của người đó. Muốn xử lý số tiền đó để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp chủ tài khoản không tự nguyện thực hiện thì phải có bản án, quyết định của tòa án.

Ở các nước, người nhận tiền do người khác chuyển nhầm phải có trách nhiệm giao trả số tiền cho người chuyển nhầm.

Nếu cố ý giữ lại số tiền không phải của mình, người này có thể bị đặt trong tình trạng của người nhận tín thác bắt buộc (constructive trustee) và phải chịu trách nhiệm quản lý số tiền nhận nhầm để phục vụ lợi ích của người chuyển nhầm.

Cụ thể nếu người nhận tiền nhầm dùng số tiền đó gửi tiết kiệm và có lãi thì phải quản lý cả vốn và lãi vì lợi ích của người chuyển nhầm; nếu người nhận nhầm dùng tiền chuyển nhầm để mua một bất động sản thì trở thành người nhận tín thác quản lý bất động sản đó vì lợi ích của người chuyển nhầm.

Tất nhiên người nhận tín thác, dù là bắt buộc, sẽ được trả thù lao do công việc của mình. Nhưng tài sản của người khác thì rốt cuộc phải trở về với người khác, không đổi trắng thành đen được.

Trường hợp số tiền nhận nhầm bị người thứ ba lấy trong khuôn khổ thực hiện quyền đòi nợ của người thứ ba, như trường hợp ngân hàng chủ động trích tiền từ tài khoản của người nhận nhầm trong câu chuyện ồn ào này, cần phân biệt người thứ ba biết hay không biết nguồn gốc số tiền.

Nếu giữa người nhận nhầm và người thứ ba có sự thỏa thuận để cho người thứ ba lấy tiền và người thứ ba biết rõ tiền đó không phải của người nhận nhầm thì người thứ ba cùng liên đới với người nhậm nhầm vào vai người nhận tín thác bắt buộc đối với người chuyển tiền nhầm.

Còn nếu người thứ ba không biết, nghĩa là ngay tình thì có thể không phải vào vai nhận tín thác bất đắc dĩ; người nhận nhầm giữ vai một mình và còn lãnh thêm trách nhiệm về việc sử dụng tiền sai mục đích.

Pháp luật Việt Nam hiện hành còn quá thiếu để xử lý vụ chuyển tiền nhầm. Tuy nhiên, trong trường hợp không có luật thì tòa án có quyền và có trách nhiệm dựa vào lẽ công bằng để xử cho thỏa đáng. Học kinh nghiệm tốt của các nước để xử cũng là theo lẽ công bằng.

Người chuyển khoản nhầm 3 tỉ: Đề nghị xem xét khởi tố vụ ánNgười chuyển khoản nhầm 3 tỉ: Đề nghị xem xét khởi tố vụ án

Chuyển khoản nhầm 3 tỉ đồng, sau gần 3 tháng chưa thể lấy lại được hết số tiền chuyển nhầm, người chuyển nhầm đã có đơn đề nghị xem xét khởi tố vụ án về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên