16/08/2015 09:19 GMT+7

Chuyện phe phái ở Philippines

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Việc chuẩn đô đốc Caesar Taccad bất ngờ tuyên bố trong lễ nhậm chức tư lệnh hải quân hôm 10-8 rằng ông “chẳng thấy Bắc Kinh bành trướng gì” ở Biển Đông là chuyện không lạ ở chính trường đa đảng của nước này.

Tổng thống Benigno Aquino (giữa) cùng chuẩn đô đốc Caesar Taccad đi xem trực thăng hiện đại mới tiếp nhận tại trụ sở hải quân ở Manila ngày 10-8 Ảnh: Reuters
Tổng thống Benigno Aquino (giữa) cùng chuẩn đô đốc Caesar Taccad đi xem trực thăng hiện đại mới tiếp nhận tại trụ sở hải quân ở Manila ngày 10-8 - Ảnh: Reuters

Sẽ còn những tuyên bố hay biểu hiện trái chiều như thế so với tình hình ở Philippines trong năm năm qua, kể từ khi Tổng thống Benigno Aquino bắt đầu nhiệm kỳ sáu năm.

Chẳng qua trong khi Tổng thống Benigno, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 7 năm tới, chủ trương quyết liệt bảo vệ chủ quyền của Philippines vào lúc Trung Quốc hung hăng lấn áp thì vẫn có những chính khách thân Trung Quốc trong chính trường nước này. Trong số đó có phó tổng thống mới từ nhiệm Jejemar Binay.

Nếu biết đến sức nặng kim tiền của cánh thân Trung Quốc ở “thủ phủ tài chính” Makati trong đại thủ đô Metro Manila thì không lấy làm lạ khi nghe chính khách Binay hồi giữa tháng 4 tuyên bố “Trung Quốc có tiền, còn chúng ta cần vốn”, đồng thời kêu gọi liên doanh khai thác biển Tây Philippines (tức Biển Đông của Việt Nam) với Trung Quốc.

Việc bàn bạc liên doanh với Trung Quốc từng diễn ra dưới trào tổng thống Gloria Arroyo, bắt đầu bằng “Thỏa thuận tiến hành khảo sát địa chấn hỗn hợp tại một số khu vực trên biển” (Đông), viết tắt JMSU, ký kết ngày 1-9-2004. Tất nhiên vào thời điểm đó Trung Quốc chưa “đủ lông đủ cánh” để xòe nanh vuốt như chục năm sau.

Chuyện ông Binay, ứng cử viên tổng thống năm tới, chủ trương làm ăn với Trung Quốc tất nhiên được một bộ phận công luận đa chiều ở Philippines tiếp nhận bằng sự thận trọng tối đa. Tờ Rappler hôm 9-7 chạy tít: “Liên doanh của Binay với Trung Quốc cần phải sạch tham nhũng”.

Tờ báo trích lời giáo sư luật hàng hải Jay Batongbacal phát biểu nếu vị tổng thống sắp tới của Philippines quyết định đeo đuổi liên doanh với Trung Quốc thì sẽ phải rút kinh nghiệm những sai lầm của chính quyền Arroyo.

Theo giáo sư Batongbacal, việc liên doanh này (nếu làm được) là hợp pháp do nằm trong thỏa thuận JMSU đã ký kết, nhưng “kinh nghiệm của chúng ta với JMSU là thỏa thuận này đã bị hoen ố do những cáo buộc tham nhũng, và vì thế khiến chính phủ đương quyền chống lại mọi hình thức hợp tác triển khai”.

Thực tế bà Arroyo từng bị giam giữ lần đầu vào tháng 11-2011 với cáo buộc gian lận bầu cử, sau đó được tại ngoại, rồi lại bị giam giữ ngay khi đang nằm bệnh viện vào tháng 10-2012 vì bị cáo buộc tham nhũng.

Việc các “đại gia đình” trong chính trường Philippines câu kết với nhau tham nhũng bắt đầu từ trào tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986 và bị cáo buộc tham ô hàng chục tỉ USD.

Qua bao năm, tình trạng đó nay đang ló dạng trở lại qua việc nghị sĩ Bongbong Marcos, con trai của Ferdinand Marcos, mới tuyên bố hôm 6-8 rằng ông sẽ cùng với ông Binay tạo thành một liên danh “lý tưởng” tranh chức tổng thống vào năm tới.

Trong bối cảnh chung của những thế lực kim tiền như trên, chuyện tân tư lệnh hải quân Philippines “nói đỡ” giùm Trung Quốc là không khó hiểu. Câu chuyện đó đồng thời cũng cho thấy chân dung phái thân này, thân nọ...

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên