05/07/2018 13:33 GMT+7

Chuyện ở Thọ Quang sau những ngày gặp nạn

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Nhờ các anh ra kịp thời mà chúng tôi còn có cơ hội được gặp lại vợ con" - ngư dân Hoàng Triệu Vỹ (46 tuổi, Quảng Nam) nghẹn ngào nói khi vừa đặt chân lên đất liền sau cơn thập tử nhất sinh trên biển.

Chuyện ở Thọ Quang sau những ngày gặp nạn - Ảnh 1.

Lực lượng cứu hộ dùng ca nô tiếp cận một ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trên biển - Ảnh: MINH TRUNG

Đây được đánh giá là ca cấp cứu nghiêm trọng nhất của các lực lượng cứu nạn hàng hải, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển đóng tại Thọ Quang thực hiện từ đầu năm đến nay do liên quan tính mạng của gần 50 lao động tại khu vực cách xa đất liền.

Tối 14-5, con tàu QNa 91468 của thuyền trưởng Vỹ và 48 ngư dân khác đã được tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Đà Nẵng (MRCC Đà Nẵng) lai dắt an toàn về cảng Thọ Quang sau ba ngày trôi dạt vô định trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Cường độ khai thác trên biển rất cao nhưng họ lại ít chú trọng đến việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị nên tàu cá dễ xảy ra sự cố

Ông BÙI TÂN NGUYÊN (giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Đà Nẵng)

Khi ngư dân gặp nạn

Các ngư dân trên cảng Thọ Quang cho biết sở dĩ họ gọi nơi này là "thủ phủ Biển Đông" cũng nhờ sự giúp đỡ mạnh mẽ từ các lực lượng tàu hậu phương, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển...

Trường hợp tàu QNa 91468 gặp nạn mới đây nằm trong vô vàn tình huống được cứu trên biển mỗi năm. Con tàu này gặp sự cố hỏng máy mất điều khiển trên biển vào tối 9-5 tại vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa.

Dù nỗ lực sửa chữa nhưng không thành công, tàu trôi dạt vô định trong điều kiện thời tiết sóng lớn trên biển. Để tìm kiếm sự giúp đỡ, tàu này đã liên hệ trên tần số 8794 kHz với Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng để được nối với MRCC Đà Nẵng.

Ở cách xa tàu hơn 350 hải lý (khoảng 650km), hai đơn vị này liên tục cho phát thông báo hàng hải kêu gọi các tàu thuyền trong khu vực đến hỗ trợ, đồng thời cử tổ kỹ thuật liên lạc hướng dẫn các thuyền viên khắc phục sự cố máy tàu.

Vào sáng 12-5, biệt đội "bác sĩ Hoàng Sa" của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cũng có mặt tại cầu cảng để cùng tàu SAR cắt sóng thẳng tiến đến với những ngư dân gặp nạn.

"Trong khi tàu mở hết tốc lực ra Hoàng Sa thì thông tin vẫn được nối liên tục. Tôi biết các ngư dân đang suy nhược sức khỏe, tinh thần hoảng loạn nên phải động viên họ và hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng bất trắc.

Cũng may đã có nhiều kinh nghiệm nên mọi chuyện không có gì khó khăn" - thuyền trưởng SAR 412 Đoàn Xuân Sơn tự tin sau chuyến biển cứu nạn kéo dài hai ngày đêm.

Với nhiệm vụ ra khơi cùng sự nguy khốn của ngư dân, tàu SAR 412 từng thực hiện nhiều ca cứu nguy cực khó như cứu cùng lúc hai ngư dân gặp nạn ở hai vị trí khác nhau trong một chuyến biển, đưa ngư dân vào bờ với tình trạng bão lớn, bị tàu Trung Quốc truy bám khi qua vùng biển bị chúng chiếm đóng trái phép...

Chuyện ở Thọ Quang sau những ngày gặp nạn - Ảnh 3.

Nhân viên y tế tàu Sar412 (MRCC2) chăm sóc sức khỏe cho ngư dân có tàu gặp nạn trên biển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thói quen của ngư dân

Những nguy cơ trên biển tỉ lệ thuận với con số tăng trưởng đội tàu đánh bắt xa bờ tại miền Trung.

Ông Bùi Tân Nguyên, giám đốc MRCC Đà Nẵng, cho rằng vùng biển miền Trung, nhất là khu vực quần đảo Hoàng Sa là nơi tập trung dày đặc lực lượng đánh bắt nên xác suất xảy ra sự cố những năm qua chiếm phần lớn hơn so với các khu vực khác.

Chỉ tính riêng số lần ra khơi cứu nạn cứu hộ của MRCC2 trong năm 2017 đã là 32. Trong đó chiếm tới 90% là trường hợp bà con ngư dân bị ốm đau bệnh tật và sự cố máy tàu.

Đặc biệt nghiêm trọng là các trường hợp tàu cá bị sự cố dẫn đến chìm tàu, ngư dân gặp nguy cấp với số lượng rất đông.

Việc hiện đại hóa trang thiết bị đội tàu đánh bắt vẫn còn "khoảng cách" so với trình độ nhận thức của ngư dân. Trong chục năm trở lại đây, đội tàu lớn đã đủ sức đi "xuyên trăng" đánh bắt khắp Biển Đông nhưng trình độ sử dụng máy móc của ngư dân vẫn còn những hạn chế nhất định.

"Cường độ khai thác trên biển rất cao nhưng họ lại ít chú trọng đến việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị nên tàu cá dễ xảy ra sự cố. Nhiều tàu cải hoán không tính toán đến sự đồng bộ, phù hợp với các hệ thống trên tàu" - ông Nguyên phân tích.

Chuyện ở Thọ Quang sau những ngày gặp nạn - Ảnh 4.

Lực lượng cứu hộ dùng ca nô tiếp cận một ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trên biển - Ảnh: MINH TRUNG

Để giảm thiểu nguy cơ và tăng cường hiệu quả của việc cứu nạn, ông Nguyên cho rằng đầu tiên phải xuất phát từ ý thức của ngư dân. Trong đó cốt lõi là việc hình thành thói quen thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, kiểm tra tàu thuyền kỹ lưỡng trước khi ra khơi.

Cùng với đó là việc hình thành tổ đội đánh bắt để tàu cá có thể tự giúp nhau trên biển. Bởi dù lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã sẵn sàng 24/24 giờ nhưng vẫn có những trường hợp đến nơi thì tàu đã chìm, ngư dân phải chịu tổn thất lớn.

Còn theo ông Nguyễn Lại - tổng thư ký Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, bà con ngư dân miền Trung có nghiệp vụ đánh bắt tốt nhưng thói quen sinh hoạt lại có hại cho sức khỏe.

"Ai cũng biết nguy cơ trên biển là cao hơn đất liền, những rủi ro một mất một còn. Nhưng ngư dân lại có thói quen bia rượu cũng như ít quan tâm đến an toàn lao động. Đây là vấn đề mà chúng tôi phải thường xuyên nhắc nhở" - ông Lại nói.

Theo ông Trịnh Quang Vinh - phó trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, để đảm bảo an toàn trên biển, việc trước tiên vẫn là từ phía ngư dân.

Tuy nhiên việc giám sát thực thi pháp luật trên biển cần được các lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản tăng cường. Trong đó có quy định về đăng kiểm hằng năm.

"Lâu nay các trường hợp trễ đăng ký kiểm định khá nhiều nhưng chúng ta chủ yếu nhắc nhở chứ ít xử phạt nghiêm vì cảm thông cho bà con. Của bền tại người, tiền bạc của cải và tính mạng của bà con thì bà con phải có ý thức trước tiên" - ông Vinh nói.

Quy trình "5 kiểm 1 chứng"

Theo lực lượng biên phòng Đà Nẵng, hiện nay thủ tục giấy tờ đối với bà con ngư dân khi ra khơi được các trạm biên phòng kiểm tra theo quy trình "5 kiểm 1 chứng", bao gồm: kiểm tra phương tiện, đăng ký đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, kiểm diện thuyền viên, kiểm tra các thiết bị an toàn trên tàu và hành trình.

Sau khi tàu có các thủ tục trên thì mới chứng thực đóng dấu cho ra khơi.

>> Kỳ tới: Quả bom ô nhiễm trong lòng đô thị

Bí mật ở cảng cá Bí mật ở cảng cá 'thủ phủ của Biển Đông'

TTO - Là cảng cá lớn nhất miền Trung, Thọ Quang (Đà Nẵng) được các ngư dân phong cho “tước hiệu” thủ phủ của Biển Đông. Lâu nay, cảng cá này trở thành hậu phương vững chãi cho các con tàu vươn khắp các ngư trường.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên