04/07/2018 16:29 GMT+7

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Cùng với nghị định 67 cho vay vốn đóng tàu, Đà Nẵng cũng "ra riêng" quyết định khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Nhờ vậy, thời gian qua tại Thọ Quang đã hình thành đội tàu ngàn mã lực cho hiệu quả kinh tế cao.

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang - Ảnh 1.

Ngư dân Nguyễn Sương trên con tàu hiện đại của mình - Ảnh: TR.TRUNG

Tàu "lớp 1.000 CV"

Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Sương (trú quận Sơn Trà) tại cảng Thọ Quang sau chuyến đi biển dài ngày. Anh xuất hiện bất ngờ trong chiếc ôtô bán tải tự lái, ăn mặc tươm tất khiến ai nấy cảm giác đây là một doanh nhân hơn là một người quanh năm bám biển.

"Thỉnh thoảng mới ra khơi vì giờ việc trong bờ nhiều quá. Từ hồi mở công ty phải đi khắp các tỉnh tìm địa điểm mở cửa hàng" - anh Sương cho biết.

Rồi anh kéo mọi người cùng về công ty đóng gói thủy sản C.F.O của mình ngay bên bờ tây cảng giới thiệu những sản phẩm đóng gói, chuẩn bị xuất đi các nơi. Quê ở Quảng Ngãi, chuyển hẳn ra Đà Nẵng chưa tròn 10 năm nhưng anh Sương lại là người vô cùng nổi tiếng ở Thọ Quang.

Người ta biết đến anh một phần cũng nhờ đội tàu ngàn mã lực (CV) sau chiếc có giá trị gần 30 chục tỉ đồng mà anh đang sở hữu. Những lớp tàu cá của anh khi được hạ thủy đều là quán quân về công suất máy tại Đà Nẵng.

Có mặt trên rất nhiều tàu cá miền Trung, nhưng khi lên khoang điều khiển tàu cá ĐNa 90604, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những máy móc được trang bị trên tàu.

Ngoài máy tầm ngư thế hệ mới, máy định vị, rađa, tàu còn tích hợp đầy đủ các tính năng an toàn và thiết bị giải trí nghe nhìn như tivi, đầu máy, loa thùng, tủ lạnh...

Nhưng mấu chốt cho sự thành công ở con tàu này chính là khoang cấp đông được đầu tư theo công nghệ Thái Lan cho phép tàu bảo quản hải sản tươi ngon hơn so với thế hệ tàu trước đây.

Nhờ vậy những chuyến đi biển của tàu có thể kéo dài thời gian, thậm chí đi "xuyên trăng" mà không sợ đá tan, cá hỏng. Năng suất lao động và giá trị thương phẩm được nâng lên trông thấy.

Con tàu này khi hạ thủy năm 2014 có công suất máy 1.150 CV, dài 21m, rộng 6m, cao 3,8m, được xem là một trong những tàu cá công suất máy lớn nhất Đà Nẵng thời bấy giờ. Nhưng đây chưa phải là "cánh chim đầu đàn" của anh.

Nếu Thọ Quang không phải là vị trí “đất lành chim đậu” cho ngư nghiệp thì tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình có trong tay sáu con tàu

NGUYỄN SƯƠNG

Chiếc tàu ĐNa 90603 được hạ thủy mới đây chuyên phục vụ hậu cần nghề cá cũng có công suất tương tự nhưng dài tới dài 25m, rộng 6m, giá thành ngót nghét 10 tỉ đồng.

Một lần xuất bến, chiếc tàu chợ này đủ khả năng làm "hậu phương" cho 20 tàu cá không phải vào bờ tiếp nước và nhiên liệu. Anh Sương cho trang bị luôn máy móc làm sơ chế. Cá từ các tàu chuyển qua đây được tám lao động thực hiện hút chân không, đóng gói rồi cho vào tủ cấp đông bảo quản.

Do vậy hải sản trên tàu hậu cần về bờ là chuyển tới luôn các cửa hàng mà không cần qua thêm khâu nào. Mô hình "mua gốc bán ngọn", bớt đi các khâu trung gian khiến anh trở thành một trong những người đi biển thành công nhất Đà Nẵng.

"Nếu Thọ Quang không phải là vị trí "đất lành chim đậu" cho ngư nghiệp, chính sách hỗ trợ đóng tàu không ra đời kịp thời thì tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình có trong tay sáu con tàu" - ngư dân kiêm giám đốc nói.

Dưới trướng vợ chồng anh Sương bây giờ là năm nhân viên có bằng đại học lo việc công ty trên bờ và gần 70 ngư dân dày kinh nghiệm trận mạc trên đại dương.

Thế hệ tàu ngàn mã lực ở Thọ Quang - Ảnh 3.

Nghề bắt lươn biển để làm giàu của Thái Vinh Nhơn - Ảnh: TR.TRUNG

Ra khơi không mang... lưới

Không mang theo lưới thì lấy ngư cụ gì để đánh bắt? Câu trả lời nằm ở ba con tàu bằng gỗ và sắt của gia đình ngư dân Thái Vinh Nhơn (33 tuổi). Những con tàu công suất từ 800-1.400 CV của anh Nhơn chỉ khác các tàu trên bến là không có lưới mà chứa hơn 2.000 chiếc bẫy lươn.

Vốn là một nhân viên ngành điện, nói tiếng Anh như "gió" nhưng một ngày cách đây ba năm anh bỏ ngang để... đi biển.

Anh giải thích: "Nhà tôi làm nghề buôn hải sản. Một thời gian dài bạn hàng liên tục hỏi về lươn biển, có bao nhiêu họ cũng gom. Ba tôi thu mua lươn của ngư dân nhưng ngư dân trong nước không ai làm nghề chuyên bắt lươn.

Có gom được cũng chỉ là những con lươn vô tình mắc vào tàu lưới cào nên chất lượng không ngon. Vì vậy, anh em tôi đánh liều đi học nghề này".

Anh Nhơn cùng anh trai phải "cơm đùm gạo gói" sang Hàn Quốc học hỏi những tàu bẫy lươn ở đây. Kỹ thuật đánh bắt tương đối đơn giản, nhưng quan trọng là ngư cụ bẫy lươn trong nước chưa có.

Những chiếc lồng bẫy lươn anh Nhơn mang về có hình trụ gần 70cm với đường kính 25cm, có khoét lỗ phía đáy. Mồi là cá nục, loại thức ăn ưa thích để dụ lươn biển chui vào.

Tàu ra tới ngư trường, hàng ngàn chiếc lồng bẫy thả theo dây xuống nước với độ sâu từ 800-1.000m trong 1-2 ngày rồi kéo lên thuyền.

Khi kiến thức bắt lươn chín muồi cũng là lúc chiếc tàu đầu tiên của gia đình được đóng xong. Anh Nhơn háo hức cho tàu thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa.

Chuyến đi ấy anh kiếm được 1 tấn lươn to, đều màu. Những ngư dân xưa nay quen tay lưới giữa trùng khơi cũng phải trố mắt vì lần đầu chứng kiến cảnh hốt lươn của anh em Nhơn.

"Điểm mấu chốt của nghề này là phải đưa được lươn sống vào bờ. Lươn lôi lên khỏi biển phải lập tức thả vào bể nuôi trên tàu cho ngủ đông rồi mang vào bờ" - Nhơn nói.

Sau mỗi chuyến đi biển khoảng 15-20 ngày, trung bình mỗi tàu của Nhơn mang vào bờ 1-2 tấn lươn còn sống. Dù sản lượng khiêm tốn so với đánh bắt cá nhưng giá trị thương phẩm cao hơn gấp nhiều lần. Lươn được xuất tươi bằng máy bay sang Hàn, Nhật, Đài Loan.

Những đơn hàng tận thu của thị trường nước ngoài là lý do để anh Nhơn quyết định tiếp tục "chơi lớn" đóng mới con tàu thứ tư. Ngư dân câu lươn của anh được trả hơn 12 triệu đồng/tháng.

Các chính sách hỗ trợ ngư dân

Theo ông Trịnh Quang Vinh - phó trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, ngoài những chính sách hỗ trợ ngư dân, thành phố cũng bỏ tiền ra đào tạo miễn phí các lớp nâng cấp bằng lái để ngư dân có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn hàng hải trên biển.

Nhờ vậy mà các tàu cá miền Trung vào Đà Nẵng ngày một đông. Đăng kiểm hằng năm cho thấy số lượng tàu ngoài tỉnh đến Đà Nẵng chiếm hơn 20%.

__________

Kỳ tới: Không đơn độc

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên