30/06/2018 13:49 GMT+7

Bí mật ở cảng cá 'thủ phủ của Biển Đông'

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Là cảng cá lớn nhất miền Trung, Thọ Quang (Đà Nẵng) được các ngư dân phong cho “tước hiệu” thủ phủ của Biển Đông. Lâu nay, cảng cá này trở thành hậu phương vững chãi cho các con tàu vươn khắp các ngư trường.

Bí mật ở cảng cá thủ phủ của Biển Đông - Ảnh 1.

Những mẻ cá đánh được từ Biển Đông đưa về bán tại cảng Thọ Quang - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nếu hỏi ở đâu trong thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp sớm nhất trong ngày thì câu trả lời chính là khu âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà). 

Kim đồng hồ vừa trôi về ngày mới, những con thuyền mang biển số các tỉnh miền Trung lần lượt thay nhau cập cảng. 

Ánh điện rực sáng, tiếng máy xình xịch, tiếng người hô hét biến đêm thành ngày trên vùng mặt nước sôi động này.

Tàu mang cá về

Hơn 1h sáng, đôi tàu lưới cào của ngư dân Quảng Ngãi đã rẽ sóng dưới chân cầu Mân Quang vào khu âu thuyền. 

Dưới ánh đèn, mặt nước dập dìu vẽ nên những đường chữ V bắt mắt làm "rung rinh" những tàu đậu xung quanh. 

Tàu tiến vào sâu hơn trong khu âu thuyền, các ngư dân bắt đầu ra boong tàu nhìn ngắm đất liền sau nhiều ngày xa cách.

Đưa tay ra hiệu dừng tàu sau khi tìm được đường quăng dây lên trụ neo ở ô cầu cảng số 1, ngư dân Trần Minh Trí quay đầu chào người trên bờ. "Có bia giỗ Tổ để dành cho tụi em không đó chị Ba?" - giọng Trí oang oang hỏi. 

"Chị Ba" là bà Huỳnh Thị Nga, đàn chị thu mua cá có tiếng ở cảng. Trí vừa dứt lời, chị Ba vặn lại ngay: "Mấy thằng bây thèm bia hay thèm con nhỏ mang bia?".

Đèn cao áp được bật, một đội hình hàng dọc đã sẵn sàng đưa cá lên bờ. Từ trong hầm, những đôi tay lực lưỡng chuyền từng mẻ cá hố tươi rói da còn lấp lánh ánh bạc. Vừa xong lại tiếp hàng trăm con cá thu bóng mướt non già chục ký. 

Cá lên đến đâu, chị Ba đọc số cân bấm máy tính đến đó, miệng không quên bồi động viên: "Tàu bây vô trúng mánh, cá hố, cá thu nay lên lại hơn 300 ngàn một ký rồi. Tụi bây tha hồ mà uống bia".

Gắn bó với cảng cá Thọ Quang, thuyền trưởng tàu QNg 94328 Huỳnh Tâm Đức cho biết dù con tàu của anh mang "hộ khẩu" Quảng Ngãi nhưng gần 5 năm nay chưa bao giờ... về nhà. 

Nhớ lại lý do chọn "đóng quân" ở đây, anh Đức cho biết: "Hồi còn đi câu mực mấy tháng mới vào bờ một lần nên ghé về cảng Mỹ Á (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) bán xong về nhà cho gần. 

Nhưng sau này làm tàu cá thỉnh thoảng hỏng máy phải ra Đà Nẵng vì ở đây có đội hậu cần tốt, thay thế máy móc chi cũng có, thêm nữa là giá cá ở đây được hơn các nơi cho nên anh em quyết bỏ neo ở cảng này luôn".

Theo các ngư dân, "kỳ hoa dị vật" gì thu được trong quá trình đánh bắt mang về cảng Thọ Quang đều được thương lái thu mua. 

Các loại tàu đánh bắt "đa tầng" như tàu lưới cào của anh Đức có thể bán từ những con cá lớn cho các nhà hàng, cá vừa cho thương lái, cá vụn cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc...

Buôn có bạn bán có phường, cơ hội nâng cao giá trị hàng thủy sản được truyền tai nhau qua những mẻ cá. 

Tiếng tốt lan xa, ngư dân cùng tụ hội về cảng Thọ Quang theo đà phát triển của thành phố. 

Theo anh Đức, có thể đúc kết được lợi thế "3 tốt" của cảng cá này so với xung quanh dù mới chỉ hơn chục năm hình thành. Đó là "thị trường tốt - hậu cần tốt - vị trí tốt". 

Thị trường tốt cho phép ngư dân nâng cao thu nhập, hậu cần tốt giúp họ nâng cao năng suất, vị trí tốt khiến họ vững niềm tin khi đi trên biển.

“Lợi thế “3 tốt” của cảng cá này so với các vùng miền xung quanh là thị trường tốt - hậu cần tốt - vị trí tốt

Bí mật ở cảng cá thủ phủ của Biển Đông - Ảnh 3.

Khu âu thuyền Thọ Quang với nhiều tàu cá neo đậu - Ảnh: TR.TRUNG

Ngư phủ thập phương

Quẳng chiếc balô lên tàu, ngư dân Nguyễn Trung (quê Thanh Hóa) bắt tay ngay vào việc vá lưới trên tàu QNg 92749. 

Con tàu này đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho hành trình lênh đênh trên biển kéo dài hơn một tháng. 

Anh Trung là một trong hai thuyền viên người ngoại tỉnh trên con tàu Quảng Ngãi đang đậu tại cảng.

"Đợt rồi tàu cập cảng bán cá xong là tôi tranh thủ bắt xe về quê. Đi sáu chuyến mất năm tháng mới về nhà, đi tàu cũng có 'ăn' nên vợ con phấn chấn" - anh Trung nói. 

Đi biển ở quê nhưng không đủ nuôi sống vợ và ba con nên anh mới dạt vào đây làm thuyền viên đánh bắt cá. 

Anh Trung cho biết: "Cảng này tứ xứ, đánh bắt đủ ngành nghề nên nhảy tàu xin về tới cảng là có tàu lưới rê nhận ngay. Tàu tôi của Quảng Ngãi nhưng đường ra vào Đà Nẵng, và về quê cũng tiện lợi".

Sau bốn năm vật lộn mưu sinh ở đây, cảng cá Thọ Quang là nơi khiến anh an tâm nhất trên suốt hành trình đánh bắt, bởi đó không chỉ là chỗ neo tàu, điểm đẩy hàng đi gom tiền về, mà còn là nơi anh gặp được nhiều đồng hương, được nghe giọng người Thanh Hóa quê mình.

Anh Huỳnh Văn Mân (20 tuổi, người Quảng Bình), thuyền viên tàu QNg 92743, thì cho biết những ai muốn theo nghiệp biển hãy đến Thọ Quang. 

Chỉ cần chịu sóng gió tốt, phần còn lại các chủ tàu dạn dày nghề biển ở Thọ Quang sẽ dạy bảo trong quá trình đi biển đánh bắt. 

Đặc điểm của các tàu ra vào cảng cá này đều là tàu có công suất lớn, thuộc lòng từng luồng cá Biển Đông. Hai năm gắn bó với biển, chàng ngư phủ trẻ này đã ba lần chuyển tàu. 

Anh đã lênh đênh từ vùng biển bắc Trường Sa theo tàu câu mực, tàu lặn hải sâm ở Hoàng Sa rồi theo tàu lưới rút ở vịnh Bắc Bộ. 

Mân chỉ có một ước mơ, đó là trời cho tàu anh trúng lớn năm, bảy tỉ để các thuyền viên như anh có cơ hội đổi đời.

Bí mật ở cảng cá thủ phủ của Biển Đông - Ảnh 4.

Tàu cá về cảng Thọ Quang trong đêm...

Âu thuyền chứa gần 1.500 tàu cá

Năm 2008, cảng cá Thuận Phước và Xí nghiệp chế biến Thuận Phước được dời đến Thọ Quang hình thành nên khu phức hợp âu thuyền và cảng cá tại đây. Hiện khu vực này có diện tích mặt nước là 58ha, 4ha trên bờ.

Vùng nước có 32 phao neo, xung quanh âu thuyền có 60 trụ neo cho hơn 500 tàu thuyền vào neo đậu cùng lúc.

Những ngày thường, trung bình có từ 50-100 tàu cập cảng. Thời điểm gió bão, âu thuyền nêm chặt tàu cá đến độ không nhìn thấy mặt nước với gần 1.500 con tàu các loại.

>> Kỳ tới: Những bóng hồng trên bến cảng

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên