23/02/2018 21:16 GMT+7

Chuyện như phim của 'liệt sĩ' Trương Văn Chóng

CHÍ QUỐC - THÁI LŨY
CHÍ QUỐC - THÁI LŨY

TTO - 27 năm kể từ ngày gia đình nhận được giấy báo tử và lập bàn thờ, giữa đêm mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018, “liệt sĩ” Trương Văn Chóng đã tìm về nhà ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ trong sự ngỡ ngàng của người thân.

Chuyện như phim của liệt sĩ Trương Văn Chóng - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Lượng - chị thứ ba của ông Chóng - chỉ viết sẹo trên mu bàn tay trái được xem như là điểm nhận dạng ông bên cạnh những đặc điểm về hình dáng mà chỉ có anh em trong gia đình của bà mới có - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 23-2 (mùng 8 Tết Mậu Tuất 2018), khi chúng tôi đặt chân đến xã Định Môn, hỏi tìm nhà "liệt sĩ trở về" Trương Văn Chóng hầu như ai cũng biết và chỉ đường vanh vách đường đến nhà bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, mẹ "liệt sĩ" Chóng) ở ấp Định Hòa B.

Tại nhà bà Nía có sẵn hai bàn tròn tiếp khách thăm hỏi và chúc mừng sự trở về của ông Chóng. 

Hay tin có khách, đang ở nhà hàng xóm chơi, ông Chóng về tiếp rồi kể lại câu chuyện chiến đấu và lưu lạc hàng chục năm trời của mình. 

Chiến đấu và "hi sinh"

Cuối năm 1982 đầu năm 1983, chàng thanh niên Trương Văn Chóng (lúc đó khoảng 17 - 18 tuổi) nhập ngũ và đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. 

Trong một trận đánh năm 1985, anh và đồng đội bị quân địch vây ráp tại một cánh rừng ở Campuchia. 

Trong lúc chiến đấu, anh bị thương ở tay, máu chảy nhiều nên chạy sâu vào rừng. Chạy mãi, đến lúc nghĩ đã thoát khỏi vòng vây của địch thì cũng… không biết mình đang ở đâu và không thấy bóng đồng đội nào nữa. 

Biết lạc đường, anh tiếp tục đi một cách vô định trong rừng sâu thì gặp một ông lão làm rừng. Thấy vết thương của chàng thanh niên, ông gọi vợ và con gái đưa về nhà băng bó, cứu chữa rồi cho ở nhà. 

"Ở đó được một thời gian tui thương con gái ổng luôn. Cổ băng bó vết thương cho tui nên lâu ngày tui cũng để ý, rồi thương", ông Chóng nhớ lại.

Chuyện như phim của liệt sĩ Trương Văn Chóng - Ảnh 2.

Bà Huỳnh Thị Nía vẫn còn giữ lại những bức thư mà con trai Trương Văn Chóng gửi về từ chiến trường hàng chục năm trước - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuy vậy, trong quá trình sống ở đây, người thanh niên Trương Văn Chóng vẫn nuôi ý định tìm về quê hương Việt Nam. Chưa đầy 2 năm sau anh rời đi. 

Từ nhà ân nhân, đi bộ khoảng 2 giờ thì ra được đường lớn. Tại đây, anh quá giang một chiếc xe ngựa đi về phía Biển Hồ rồi dừng lại vì đói, khát và tiếp tục xin cơm ăn qua ngày. 

May mắn, anh gặp một nhóm ghe đánh bắt cá và xin làm việc kiểu đổi công. Trong quá trình lang bạt, anh tiếp tục gặp "người thương" và sống với người này được ba người con. 

Sau này, cả gia đình đưa nhau về sống ở Tây Ninh cho tới nay.

Bặt vô âm tín con trai. Năm 1991, bà Nía nhận được giấy báo tử từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) cấp về trường hợp hi sinh của anh Chóng.

Thương con, bà Nía đi nhờ người "gọi hồn" và "được con cho biết 'con đã chết rồi má ơi', mà còn có nhiều người chết cùng, xương cốt đã bị mối ăn hết" nên bà Nía không còn hi vọng, về nhà lập bàn thờ con.

Hương khói mỗi ngày và ngày giỗ anh Chóng được "ghép" với ngày giỗ của người thân đã mất trong gia đình, không làm giỗ riêng.

Chuyện như phim của liệt sĩ Trương Văn Chóng - Ảnh 3.

Di ảnh của ông Chóng được gia đình thờ phụng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đây là trường hợp hi hữu, trước giờ địa phương chưa từng gặp. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Cục Người có công và UBND TP Cần Thơ để xem xét chế độ chính sách tiếp theo

Ông TRẦN THANH LAM, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ

"Thằng Chóng đây má ơi"

Khoảng 12h đêm mùng 5 tết, trong lúc mọi người vẫn còn thức trò chuyện, vui tết, một người đàn ông luống tuổi tìm đến cổng nhà bà Nía gọi cửa tìm "anh tư Cao" (ông Trương Văn Cao, người anh thứ 4, còn ông Chóng thứ 6). 

Nghe tiếng gọi suốt, ông Trương Văn Phơi (người em thứ 8 của ông Chóng) ra ngoài la: "Tết nhứt rồi, ông say xỉn thì về nhà, đừng làm phiền hàng xóm". 

Người đàn ông không chịu về, tiếp tục hỏi và tự xưng là em ông tư Cao nên xảy ra cự cãi với ông Phơi. 

Khi bà Nía chạy ra xem "có chuyện gì" thì người đàn ông kêu "con là thằng Chóng đây má ơi", nhưng bà Nía vẫn chưa tin. 

Lúc này, vợ ông Phơi mới gọi điện "cầu cứu" bà Trương Thị Lượng (người chị thứ 3 của ông Chóng) ở gần đó đến "xác nhận" xem sao. Lập tức tới xem, và bà Lượng đã không chút do dự khẳng định "thằng Chóng đây má ơi". 

Gặp mặt ngay sau đó, ông Cao cũng khẳng định đó chính là ông Chóng. 

Nghe các con nói xong bà Nía như chết đứng, rồi chỉ biết ôm chầm ông Chóng mà khóc. Cả gia đình ai cũng khóc khi biết ông Chóng vẫn còn sống.

Chuyện như phim của liệt sĩ Trương Văn Chóng - Ảnh 5.
Chuyện như phim của liệt sĩ Trương Văn Chóng - Ảnh 6.

Những bức thư ông Chóng cho biết đã nhờ người viết cho mình (vì ông không biết chữ) trong những ngày ở chiến trường gửi về hiện mẹ ông vẫn còn lưu giữ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nói về lý do không chút do dự khẳng định người em thứ 6 của mình sau hàng chục năm xa cách, bà Lượng nói ngay "cái miệng này là cái miệng của thằng Chóng chứ đâu". 

Theo bà Lượng, anh em bà có miệng giống nhau, không lẫn với ai được, vừa nói bà chỉ tay về phía người em. Nhưng điểm mấu chốt mà cả nhà khẳng định 100% ông Chóng chính là vết thương trên mu bàn tay trái mà ông bị máy tuốt lúa gây ra lúc còn thơ ấu.

Ngân ngấn nước mắt, bà Nía nhớ lại giây phút nhận ra nhau rồi bước vào nhà, ông Chóng hỏi "bàn thờ của con đây hả má", bà trả lời "thì mầy chết rồi nên tao lập bàn thờ chứ sao". 

Trước đây, ông Chóng có bàn thờ riêng, nhưng gần hai năm nay, khi chồng mất, bà Nía đã quyết định đưa di ảnh ông Chóng lên cùng bàn thờ với cha với ý nghĩ "để hai cha con ở bên nhau".

Ngay đêm mùng 5 tết, gia đình đã dỡ bỏ bàn thờ ông Chóng, nhưng "di ảnh" ông Chóng vốn được nhờ người phác họa để thờ, vẫn được gia đình giữ lại.  

"Mừng muốn chết. Mùng 6 tết tụi nó tập trung về đây hết rồi, có một đứa ở Sài Gòn cũng về. Chỉ còn ba đứa em của nó ở Lâm Đồng chưa về kịp nhưng tụi nó cũng trò chuyện và thấy nhau rồi (qua mạng xã hội-PV). Tháng 3 này đám giỗ bà nội tụi nó, tụi nó về thăm thằng Chóng luôn", bà Nía kể.

Bà Nía cho biết bà có 10 người con, ông Chóng "hi sinh" thì còn 9, nay ông trở về thì số 10 lại tròn đầy. 

Tạm dừng chế độ liệt sĩ của gia đình ông Chóng

Trong ngày 23-2, Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã có báo cáo về trường hợp trở về của "liệt sĩ" Trương Văn Chóng.

Theo báo cáo, ông Chóng nhập ngũ năm 1983, sau đó bị thương và bị thất lạc đơn vị.

Ông được người dân Campuchia nuôi dưỡng và có vợ tại đây.

Thời gian sau ông trở về Việt Nam và sống ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Sau đó, ông tìm về nhà qua thông tin từ một người dân cùng quê lên Tây Ninh làm thuê.

Ngày 20-2, ông Chóng bất ngờ trở về quê hương tại ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai và có sự xác nhận của người thân trong gia đình, chính quyền địa phương.


CHÍ QUỐC - THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên