17/12/2022 16:23 GMT+7

Chuyện nghề thời 4.0: Nhân rộng ý tưởng cải tiến cho đội ngũ nhân sự

Ông TRẦN ĐỨC HIẾU - PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN ACCURACY
Ông TRẦN ĐỨC HIẾU - PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN ACCURACY

Từ những kinh nghiệm cải tiến được chia sẻ từ các chuyên gia, các đơn vị hỗ trợ cải tiến, chúng tôi đã lan tỏa tinh thần này đến đội ngũ nhân sự với phương châm, đầu tư con người là đầu tư cho sự sống còn của doanh nghiệp trong tương lai.

Chuyện nghề thời 4.0: Nhân rộng ý tưởng cải tiến cho đội ngũ nhân sự - Ảnh 1.

Tư vấn cải tiến chất lượng được áp dụng và mở rộng trong đội ngũ nhân sự - Ảnh: N.KH.

Là nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm về cơ khí chính xác, chủ yếu là sản xuất các sản phẩm cho ngành ô tô, xe máy, máy cày… nên yêu cầu nâng cao chất lượng, kỹ thuật sản phẩm luôn là vấn đề đặt ra với chúng tôi.

Trải qua nhiều năm hội nhập và phát triển, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều về công nghệ cao nhằm đáp ứng được các tiêu chí ngày càng cao từ các khách hàng. Luôn đòi hỏi về năng suất, chất lượng, nhưng cũng phải cạnh tranh với rất nhiều bạn hàng hoặc đối thủ cùng ngành về tiến độ và giá thành.

Bởi vậy, chúng tôi đã được học hỏi thêm rất nhiều về 5S, 3Đ, Kaizen từ các bạn hàng, khách hàng. Công nhân, kỹ sư của doanh nghiệp cũng được học các khóa đào tạo từ Cục Công nghiệp, Hiệp hội Hỗ trợ công nghiệp VASI, NC Network, VITASK. 

Tại đây, các chuyên gia đến hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi từ cuối năm 2021, các khâu cải tiến từng bước được áp dụng.

Thật tình cờ và may mắn khi chúng tôi được gặp Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK). Họ đến hỗ trợ chúng tôi cải tiến về khuôn dập nguôi, hướng dẫn thêm về phương án sửa chữa, từ đó chúng tôi đã nhân rộng thêm để tự sửa chữa thêm được rất nhiều bộ khuôn khác trong nhà máy.

Từ việc học hỏi kinh nghiệm từ các nhà máy lớn, từ các chuyên gia đến truyền đạt cho chúng tôi về cải tiến, chúng tôi mở các khóa đào tạo để hướng dẫn, phân tích và cùng các cán bộ công nhân viên đưa ra các bài toán cải tiến tại bộ phận và cùng nhau đưa ra phương án cải tiến. 

Có rất nhiều ý tưởng cải tiến từ chính người lao động làm việc trực tiếp, họ là thành phần mắt xích rất quan trọng trong công việc cải tiến tại chính vị trí làm việc của họ.

Sau những lần giao lưu và học hỏi, về mặt kỹ thuật, nhân sự chúng tôi được nâng cấp về tay nghề lên đáng kể. 

Bộ khuôn sau khi được sửa chữa theo phương án mới, chúng tôi đã tăng được năng suất, chất lượng, đặc biệt là tỉ lệ hàng lỗi phải hủy bỏ đã về con số 0% so với mức ban đầu là 6%. Chúng tôi còn thực hiện thêm được các dạng khuôn khác theo phương pháp các chuyên gia về khuôn mẫu đến từ Hàn Quốc hướng dẫn.

Trên những nền tảng đó, chúng tôi cũng đầu tư thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Tam Dương, dự kiến quý 3-2023 sẽ hoàn thành và chuyển về nhà máy số 2. Nhà máy hiện tại dự kiến sẽ làm kho để được gần với khách hàng.

Kaizen là tăng năng suất và chất lượng trong nhà máy, đóng vai trò rất quan trọng, khi đã cải tiến chỉ cần một công đoạn cũng đã giảm được rất nhiều giá thành sản phẩm cho khách hàng, đồng nghĩa với việc nhận được thêm nhiều mặt hàng khác từ khách hàng. 

Tăng năng suất cũng là tăng thêm về lợi nhuận cho công ty và chúng tôi hiểu, đầu tư đào tạo về nhân sự là đầu tư cho sự sống còn của doanh nghiệp trong tương lai.

Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.

Chương trình nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước. Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Yêu cầu bài dự thi:

- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.

- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng.

- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).

Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.

Quy định chung:

- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền

bài viết.

- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.

- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.

- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.

- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.

Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 10-12-2022.

BAN TỔ CHỨC

Chuyện nghề thời 4.0: Nhân rộng ý tưởng cải tiến cho đội ngũ nhân sự - Ảnh 3.
Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề Chuyện nghề 4.0: Tôi hài lòng khi chọn học nghề

Nhìn không ít người quen tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường vất vả tìm việc, tôi có chút hoài nghi về bản thân mình. Dù học lực không phải tệ nhưng tôi quyết định đi học nghề cho "chắc ăn".

Ông TRẦN ĐỨC HIẾU - PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN ACCURACY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên