
Hoạt cảnh tái hiện câu chuyện xúc động hang Tám Cô tại di tích Nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: T.ĐIỂU
Câu chuyện hang Tám Cô làm xúc động khách đến tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò những ngày này.
Đây là câu chuyện trong trưng bày chuyên đề Khúc ca hòa bình tại di tích Nhà tù Hỏa Lò dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
"Sự tích" hang Tám Cô lấy nước mắt người xem
Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 này nhờ những câu chuyện xúc động về lòng dũng cảm và ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Dịp này, đến di tích Nhà tù Hỏa Lò, khách còn được tìm hiểu câu chuyện xúc động về "sự tích" hang Tám Cô tại Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ và những câu chuyện khác trong trưng bày chuyên đề Khúc ca hòa bình.

Những cựu binh, nhân chứng lịch sử xúc động khi xem hoạt cảnh tái hiện chuyện hang Tám Cô - Ảnh: T.ĐIỂU
Ngày 14-11-1972, tám thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217 đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom trên đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thì máy bay Mỹ ập đến, trút bom dữ dội.
Họ vội chạy vào hang trú ẩn, nhưng một khối đá khổng lồ bất ngờ ập xuống bịt kín cửa hang. Dù các lực lượng bộ đội công binh và thanh niên xung phong đã tìm cách phá đá mở cửa hang nhưng không thành. Ngày qua ngày, đồng đội bất lực nghe những tiếng kêu cứu yếu dần.
Đến ngày thứ chín thì không ai còn nghe thấy tiếng kêu cứu nữa, tám thanh niên xung phong mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.
Đây chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện về sự hy sinh vô hạn và những mất mát to lớn của quân và dân ta trong hành trình thống nhất đất nước suốt 21 năm.
Tại trưng bày Khúc ca hòa bình, ban tổ chức còn tái hiện tổ hợp hang đá trên đường Trường Sơn.

Các bản trẻ check-in trước cửa vào di tích Nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: T.ĐIỂU
Chuyện những thanh niên "ba sẵn sàng"
Trưng bày cũng giới thiệu một số tư liệu, hình ảnh thể hiện nhiệt huyết của hàng triệu thanh niên tham gia phong trào "ba sẵn sàng", lên đường vào Nam chiến đấu, "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong đó có nhiều câu chuyện cảm động về những thanh niên này.
Như câu chuyện của Đặng Hồng Sơn, học sinh Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) nhập ngũ năm 1965. Năm 1968, anh bị địch bắt, giam tại Trại giam Hố Nai (Biên Hòa), sau đó đày đi Trại giam tù binh Phú Quốc.
Tại đây, anh được giao nhiệm vụ đào hầm để vượt ngục. Sự việc bại lộ, anh bị địch tra tấn bằng cách đóng đinh vào người và hy sinh ngày 20-2-1971.
Hay câu chuyện anh Trịnh Tố Tâm - một trong những thanh niên đầu tiên viết đơn xin nhập ngũ năm 1965.
Chuyện anh Lâm Văn Bảng, công nhân Sở Giao thông Hà Đông, đã trích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu năm 1965.
Anh bị địch bắt giam tại Trại giam Chí Hòa, Hố Nai (Biên Hòa), Phú Quốc và được trao trả ngày 18-2-1973. Để về già, ông đi cả nước sưu tầm hàng ngàn hiện vật để xây dựng Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại quê nhà huyện Phú Xuyên, Hà Nội…

Giày và áo khoác của Đại tướng Văn Tiến Dũng - tư lệnh của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.ĐIỂU
Người xem còn có thể tìm thấy nhiều câu chuyện cảm động khác để hiểu hơn về "khúc ca hòa bình" mà lớp cha anh đã đổ xương máu để đòi lại cho thế hệ sau.
Trưng bày kéo đài đến ngày 31-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận