13/01/2025 18:18 GMT+7

Chuyên gia: Trung tâm tài chính tại TP.HCM nên cân nhắc chấp nhận tiền mã hóa để tạo... khác biệt

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM nên cân nhắc chấp nhận cả tiền mã hóa như là Altcoins, Bitcoin... để tạo sự khác biệt với các nước trên thế giới.

Chuyên gia: Trung tâm tài chính tại TP.HCM nên cân nhắc chấp nhận tiền ảo - Ảnh 1.

TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - chủ trì hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Chiều 13-1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Tổng công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia chính sách thu hút đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính thuộc khoa ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH (Đại học Kinh tế TP.HCM) - cho biết các trung tâm tài chính trên thế giới đều sử dụng những đồng tiền mạnh.

Nếu trung tâm tài chính ở Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư đều phải chuyển sang Việt Nam đồng để giao dịch thì cái tên "trung tâm tài chính quốc tế" chỉ mang danh nghĩa, không thực sự là trung tâm tài chính quốc tế.

Do đó, ông Huân đề xuất cần xây dựng khu tài chính tự do và tất cả giao dịch trong khu này được sử dụng đồng tiền mạnh như đô la Mỹ, euro, nhân dân tệ...

"Để tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính quốc tế khác trên thế giới, chúng ta nên cân nhắc chấp nhận cả tiền ảo (hay còn gọi là tiền mã hóa - NV) như là Altcoins, Bitcoin... Như vậy độ mở của trung tâm tài chính chúng ta sẽ lớn hơn so với các trung tâm tài chính quốc tế khác trong khu vực, chẳng hạn như Singapore", ông Huân nêu ý kiến.

Dù vậy, theo ông Huân, khu tài chính tự do này cần tách biệt với phần còn lại của Việt Nam để tránh chúng ta có thể bị tấn công bởi các cuộc tấn công tiền tệ.

Chuyên gia: Trung tâm tài chính tại TP.HCM nên cân nhắc chấp nhận tiền ảo để tạo... khác biệt - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Ảnh: TIẾN LONG

Nói về chính sách thu hút nhà đầu tư, ông Huân cho hay ở Dubai, Singapore có những chính sách ưu đãi thuế rất hấp dẫn, cho nên nếu trung tâm tài chính ở Việt Nam cũng đưa ra các chính sách thấp hơn sẽ giống như cạnh tranh về giá và không tạo ra quá nhiều sự khác biệt.

Vì thế Việt Nam phải nghiên cứu các thế mạnh và tạo các sản phẩm riêng có của trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó thế mạnh ở Việt Nam là chi phí thành lập doanh nghiệp và chi phí giao dịch ở Việt Nam so với các trung tâm tài chính hiện hữu rất thấp.

"Nếu đón đại bàng, họ ít để ý đến chi phí rẻ, nhưng đón những con ong chắc chắn họ sẽ quan tâm lớn đến chi phí. Chúng ta có thể thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ tài chính (Fintech)... Đó cũng sẽ là lợi thế và hướng đi của Việt Nam trong giai đoạn mới", ông Huân gợi ý.

Góp ý tại hội thảo, ông Rich McClellan - giám đốc quốc gia của TBI tại Việt Nam - cho rằng việc quan trọng nhất là Việt Nam cần có chiến lược xây dựng niềm tin và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào trung tâm tài chính quốc tế.

Trong đó thiết kế những thể chế hiệu quả, minh bạch; tạo môi trường cạnh tranh toàn cầu, ưu đãi đầu tư, tiếp cận tài năng và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, kết nối mạnh mẽ để tạo cảm hứng, niềm tin cho nhà đầu tư.

TP.HCM nên tập trung vào đơn giản hóa các thủ tục thành lập công ty, tinh gọn các yêu cầu giấy tờ, cũng như có quy trình giải quyết hồ sơ tập trung, tránh trì hoãn do thủ tục hành chính quan liêu và cho nộp đơn qua điện tử để giảm gánh nặng giấy tờ hành chính…

"Chúng tôi đề xuất xây dựng cơ chế một cửa để phê duyệt hồ sơ thuận lợi, tinh giản và tăng cường hiệu quả cơ chế hoạt động. Ngoài ra cung cấp nền móng, quản trị một cách minh bạch, cơ chế hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ cho thấy trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam hoạt động hiệu quả", ông Rich McClellan nhấn mạnh.

Thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới

Tháng 11-2024, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương đối với đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Thành lập các cơ quan để quản lý trung tâm tài chính gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.

Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương từ nay đến năm 2030: ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay.

Đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Từ năm 2030 đến năm 2035: tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Lộ trình khung này mang tính chất tương đối, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể, nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi thì có thể làm ngay các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.

Chuyên gia: Trung tâm tài chính tại TP.HCM nên cân nhắc chấp nhận tiền ảo - Ảnh 3.Thủ tướng: 'Trung tâm tài chính là việc chung của đất nước, toàn hệ thống cùng làm'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương không coi trung tâm tài chính là công việc của riêng TP.HCM và Đà Nẵng mà là việc chung của đất nước, toàn hệ thống phải cùng làm, cùng phát triển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên