Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Hùng - chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF) - chỉ thẳng những nơi hiệu quả còn kém, cần cải thiện.
Tạo một hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh
* Việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện được đánh giá là khó. Theo ông, điểm quan trọng nhất khi xây dựng mô hình này là gì?
- Nhiệm vụ của trung tâm tài chính là làm trung gian, liên kết và tạo điều kiện để các tác nhân tích lũy tiền tiết kiệm như hộ gia đình và doanh nghiệp (DN) có thể đầu tư, một cách trực tiếp hay gián tiếp qua các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ hưu bổng, quỹ bảo hiểm... vào các công cụ tài chính như vay nợ, chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu mà DN và các tác nhân kinh tế khác dùng để huy động vốn đầu tư và thanh khoản để thực hiện các hoạt động kinh tế, qua đó phát triển đất nước.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trung gian, trung tâm tài chính phải trở thành một hệ sinh thái giao dịch tài chính tương đối hoàn chỉnh, có đầy đủ các bộ phận kể cả thị trường vốn/chứng khoán sơ cấp và thứ cấp, với các công cụ tài chính phong phú, có các tổ chức tài chính và dịch vụ phụ trợ như ngân hàng và tất cả các loại quỹ đầu tư, kế toán và kiểm toán, công ty đánh giá chỉ số tín dụng DN, tư vấn đầu tư và thuế...
Ngoài ra còn phải kể đến dịch vụ thông tin qua mạng và kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh viện, hoạt động văn hóa và giải trí… để thu hút nhân tài.
Nhưng bao trùm lên hết là hệ thống pháp lý và luật lệ thương mại, tài chính hữu hiệu. TP.HCM hiện đã có phần lớn các tổ chức và hoạt động nói trên, nhưng chưa phát triển đồng bộ, hiệu quả còn kém. Do vậy cần cải thiện mang tính đột phá hơn nữa.
* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điểm tiên quyết cần sớm tháo gỡ, thúc đẩy?
- Hiện tỉ lệ vốn hóa trên GDP của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) là 70%, thấp hơn Thái Lan (104,2%) và Malaysia (93,7%). Tỉ lệ trên GDP của tổng giá trị thị trường trái phiếu DN còn thấp hơn nữa: chỉ có 22% ở Việt Nam so với 59% ở Thái Lan và 75% ở Malaysia…
Nếu được xây dựng để nâng cao chất lượng của cả hệ sinh thái ở trung tâm tài chính TP.HCM theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, nhất là có cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài một cách minh bạch và công bằng thì sẽ tăng cường hiệu năng trung gian tài chính, tạo điều kiện tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là điểm quan trọng vì Việt Nam cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư vào công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh và kinh tế số - các lĩnh vực quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Nếu thực hiện được những điều này, trung tâm tài chính TP.HCM có thể thu hút các DN nước ngoài tìm đến Việt Nam để huy động vốn cho họ. Ví dụ như xin niêm yết trên HoSE - lúc đó thành phố sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế hoàn toàn đúng nghĩa như trung tâm tài chính Hong Kong hay Singapore.
Khi trung tâm tài chính TP.HCM đạt chuẩn quốc tế, lượng giao dịch tài chính tăng lên nhiều, sẽ góp phần lớn hơn vào GDP khu vực của TP.HCM hiện nay khoảng 9%.
Học hỏi mô hình Malaysia
* Việc xây dựng trung tâm tài chính toàn diện TP.HCM sẽ là cú hích, động lực mới cho sự phát triển của thành phố thời gian tới?
- Không chỉ với TP.HCM, Việt Nam cũng cần phát triển trung tâm tài chính, nhất là thị trường vốn/chứng khoán, để hình thành hệ thống trung gian tài chính cân đối hơn, không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng như hiện nay.
Tỉ lệ tài sản ngân hàng trên GDP ở Việt Nam là khoảng 200%, rất cao so với các nước láng giềng như Thái Lan (152%), Malaysia (66,3%) và Indonesia (43,3%).
Tăng cường vai trò của thị trường vốn/chứng khoán có thể nâng cao kỷ luật của thị trường vốn giúp tăng hiệu quả của việc sử dụng vốn; góp phần làm giảm bớt rủi ro hoạt động trung gian tài chính, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư danh mục (portfolio investment) nước ngoài để bổ túc cho vốn FDI.
* Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi mô hình nào?
- Kinh nghiệm cụ thể mà Việt Nam có thể tham khảo là Malaysia. Nước này đã tập trung xây dựng thị trường vốn/chứng khoán trong hai thập niên qua và đã có hệ thống trung gian tài chính tương đối cân đối - tài sản ngân hàng 66,3% trên GDP, giá trị cổ phiếu 93,7% và trái phiếu DN 75%.
Cần nhấn mạnh là thị trường trái phiếu DN ở Malaysia lớn nhất Đông Nam Á và thị trường chứng khoán Kuala Lumpur thu hút 995 DN niêm yết với khoảng 10 DN nước ngoài - so với 402 DN niêm yết trên HoSE (chưa cho phép DN nước ngoài niêm yết).
DN ở Malaysia như thế đã có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và bổ túc cho nhau. Hệ thống trung gian tài chính này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng một cách ổn định, giúp Malaysia đạt mức GDP/đầu người 11.947 USD trong năm 2024, so với Việt Nam ở mức 4.659 USD.
Theo tiêu chuẩn quốc tế
Thị trường vốn/chứng khoán đòi hỏi sự phát triển đồng bộ và liên kết chặt chẽ giữa nhiều đơn vị khác nhau cùng với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ quan trọng khác. Vì thế xây dựng thị trường vốn là một quá trình lâu dài, đi đôi với phản ánh sự chuyển dịch trong cơ cấu nền kinh tế.
Trong nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện ở TP.HCM, Nhà nước cần phát triển và xây dựng các mặt của thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế, chú ý bảo đảm sự đồng bộ và nhất quán của chúng.
Việt Nam với bộ máy mới đã đưa ra thông điệp về "kỷ nguyên vươn mình", với chủ trương thay đổi toàn diện, cắt giảm bộ máy hành chính cồng kềnh. Tôi cho rằng chủ trương thay đổi bộ máy hành chính cồng kềnh thành tinh, gọn, hữu hiệu và hiệu quả có thể giúp ích cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế toàn diện ở TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận