Apphich chống dịch COVID-19 trên một đường phố ở Hà Nội - Ảnh: REUTERS
"Việt Nam, một quốc gia 96 triệu dân và giáp biên giới Trung Quốc, đang phát đi những tín hiệu thành công trong lúc các nước giàu có và phát triển hơn vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh", Hãng tin Reuters nhấn mạnh trong bài viết ngày 30-4.
Các chuyên gia nước ngoài về y tế cộng đồng chỉ ra sự thành công của Việt Nam nhờ vào bốn điểm chính. Thứ nhất, hạn chế nhập cảnh từ vùng dịch rất sớm; thứ hai, sẵn sàng cách ly hàng chục ngàn người; thứ ba, xét nghiệm trên diện rộng và cuối cùng, có hệ thống giám sát người phơi nhiễm hiệu quả.
Ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy có ca nhiễm bị Chính phủ Việt Nam bỏ sót hay không công bố.
Còn ông Matthew Moore, một quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đã liên lạc với Chính phủ Việt Nam từ tháng 1 và hiện đang ở Hà Nội, khẳng định "có niềm tin mạnh mẽ" vào các biện pháp chống dịch của Việt Nam.
"Nói ra thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Ấy vậy mà Việt Nam đã làm được một cách thành công hết lần này tới lần khác các biện pháp chống dịch", ông Moore khẳng định.
Trước đó, trong một cuộc họp báo qua điện thoại, ông John MacArthur - người đứng đầu văn phòng CDC tại Thái Lan - cho rằng một trong những bài học kinh nghiệm của Việt Nam là không lệ thuộc vào lời khuyên của bất kỳ tổ chức nào.
Ông MacArthur cho biết vẫn thường xuyên liên lạc với văn phòng CDC tại Hà Nội và biết rằng Việt Nam đón nhận tất cả góp ý nhưng biết cách chọn lọc và tự chủ. "Việt Nam lắng nghe các chuyên gia nước ngoài, tiếp nhận các ý kiến của WHO, CDC nhưng luôn dựa trên tình hình trong nước để đưa ra cách tiếp cận sát thực tế của mình".
Chẳng hạn, từ giữa tháng 3 Việt Nam đã bắt buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng bất chấp khuyến nghị của WHO lúc đó là chỉ những người bệnh mới cần đeo. Các nhà sản xuất may mặc của Việt Nam được huy động sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để cung cấp cho người dân và ưu tiên khẩu trang y tế cho nhân viên y tế.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một trung tâm xét nghiệm lưu động ở Hà Nội - Ảnh: REUTERS
Theo tính toán của Reuters, trong khi tăng số lượng xét nghiệm, số ca nhiễm tại Việt Nam đến giờ vẫn chỉ giậm chân ở con số 270.
Tính đến 6h sáng 30-4, theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã xét nghiệm được 261.004 trường hợp. Nghĩa là cứ 966 người được xét nghiệm thì mới phát hiện 1 ca nhiễm.
Reuters khẳng định đây là tỉ lệ ít nhiễm nhất thế giới, bỏ xa vị trí thứ hai là Đài Loan với 1 ca nhiễm trên 140 người được xét nghiệm.
Ông Guy Thwaites, trưởng phòng thí nghiệm lâm sàng thuộc Đại học Oxford (Anh), cũng đồng tình với nhận định này. Nhóm của ông Thwaites đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phân tích các mẫu xét nghiệm.
Số ca dương tính được phát hiện bởi phòng thí nghiệm của ông Thwaites hoàn toàn khớp với con số được Chính phủ công bố.
"Nếu có sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra nhưng không được phản ánh trong số liệu của Chính phủ, tôi chắc chắn đã thấy các bệnh nhân như vậy trong bệnh viện này. Nhưng chúng tôi không thấy có tình trạng đó", ông Thwaites nói.
Ông cho biết phòng thí nghiệm của ông đã tăng năng lực xét nghiệm từ 100 ca mỗi ngày lên 1.000 ca/ngày. Theo ông Todd Pollack - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang ở Hà Nội, chưa tới 10% bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam là người trên 60 tuổi. Tất cả các bệnh nhân đều được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc chu đáo tại các cơ sở y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận