Mỹ: Trung Quốc "khiêu khích" khi đưa HD-981 đến biển Đông "Kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế"Trung Quốc ngang ngược đòi Việt Nam rút tàu mới đàm phán
Việc Trung Quốc đặt giàn khai thác dầu khổng lồ Hải Dương 981 ở lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở biển Đông là hành động bất ngờ, mang tính gây hấn và phi pháp.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt giàn khoan vào khu EEZ của nước khác mà không xin phép. Đây là bước đi bất ngờ vì quan hệ Việt - Trung đang trên đà ấm lên kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10-2013. Khi đó, hai bên đều nói đã đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục đàm phán về vấn đề trên biển. Hành động của Trung Quốc bất ngờ vì Việt Nam chưa hề tiến hành bất cứ hành động gây hấn nào để Trung Quốc đáp trả kiểu như thế.
Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan là gây hấn vì nó được khoảng 80 tàu, trong đó có bảy tàu hải quân, hộ tống. Khi Việt Nam đưa lực lượng cảnh sát biển ra để bảo vệ lãnh hải và quyền tài phán của mình thì Trung Quốc đáp trả bằng cách phun vòi rồng và cố tình đâm tàu của Việt Nam. Những hành động này không những cực kỳ nguy hiểm mà còn khiến kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương.
Hành vi của Trung Quốc là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lập luận hành động của Bắc Kinh là hợp lý vì giàn khoan nằm trong vùng “lãnh hải” của Trung Quốc và không liên quan gì tới Việt Nam.
Trung Quốc hành động theo kiểu không thừa nhận rằng có sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ đưa ra một tuyên bố chung chung chứ không có căn cứ cơ sở pháp lý chi tiết.
Tuyên bố của bà rằng giàn khoan nằm trong “vùng lãnh hải” của Trung Quốc không hề có cơ sở vì không có đảo, đá, hay bãi ngầm nào trong phạm vi 12 hải lý để làm căn cứ cho tuyên bố này.
Việc Trung Quốc thiếu rõ ràng khiến các chuyên gia phải suy đoán về cơ sở pháp lý mà Trung Quốc muốn dựa vào. Hồi năm 1996, Trung Quốc từng công bố đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn. Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng đường cơ sở 1996 không phù hợp với điều 8 của UNCLOS về luật biển và không thể dùng làm cơ sở để đòi chủ quyền ở lô 143 này được. Kể cả trong trường hợp đường cơ sở này có được chấp nhận, vùng đặc quyền “giả thuyết” này của Trung Quốc cũng sẽ chồng lấn với vùng EEZ của Việt Nam.
Điều này sẽ dẫn tới một tranh chấp về luật pháp và luật quốc tế đòi hỏi hai bên phải cùng tham gia dàn xếp, tránh sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động gây xáo trộn hiện trạng. Rõ ràng việc Trung Quốc đặt giàn khoan cùng 80 tàu hộ tống tại lô 143 là vi phạm luật quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận