Ngày 15-1, ông Nguyễn Công Thành - phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) - cho biết đoàn chuyên gia của ASI đã bắt đầu quá trình khảo sát để lên kế hoạch bảo tồn, trùng tu Tháp Nhạn ở TP Tuy Hòa.
Theo ông Thành, việc trùng tu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn dựa trên những nội dung của bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ ký ngày 28-10-2014.
Mới đây, trong lần khảo sát vào ngày 14-1, đoàn chuyên gia của ASI đã tiến hành đo đạc, bay flycam, chụp scan 3D... và sử dụng một số phương tiện công nghệ hiện đại để thu thập thông tin, dữ liệu chính xác nhằm làm cơ sở ban đầu phục vụ công việc trùng tu Tháp Nhạn.
Bên cạnh đó, tại một số di tích khác trên địa bàn TP Tuy Hòa như đài tưởng niệm Núi Nhạn, bia Chợ Dinh và di tích Tháp Chăm Đông Tác cũng được đoàn chuyên gia sử dụng công nghệ chụp scan 3D để thu thập dữ liệu.
Theo UBND TP Tuy Hòa, hiện trên Tháp Nhạn đã ghi nhận tình trạng gạch bị mủn nát, xuất hiện các vết nứt trên thân tháp, sụt lún sân tháp… Vì vậy, UBND TP Tuy Hòa đề nghị các chuyên gia đưa ra các giải pháp tu bổ, chống xuống cấp phù hợp.
UBND TP Tuy Hòa cũng đề nghị trong quá trình đoàn chuyên gia ASI tiến hành tu bổ tôn tạo đối với di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn cần có giải pháp để đảm bảo việc khai thác, phục vụ khách tham quan di tích không bị gián đoạn, vì đây là một trong những biểu tượng về du lịch của TP Tuy Hòa nói riêng và Phú Yên nói chung.
Đoàn chuyên gia ASI đã đề xuất bảo tồn và tôn tạo phần kiến trúc Tháp Nhạn gồm các hạng mục như thay thế gạch xây tháp bị hư hại, mủn nát, xử lý các vết nứt trên thân tháp, gia cố, gia cường một số vị trí trên thân tháp, loại bỏ sinh vật gây hại di tích, vệ sinh mặt phía trong lòng tháp...
Tháp Nhạn - di tích quốc gia đặc biệt
Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ XI, đầu thế kỷ XII. Đến thời kỳ chiến tranh (1945-1954) tháp bị hư hại một số phần. Sau đó, tỉnh Phú Yên cho tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp.
Tháp Nhạn được xây dựng trên một khu đất tương đối bằng phẳng, nằm gần đỉnh núi Nhạn, tháp có hình tứ giác với 4 tầng, theo mô típ tầng trên là hình dáng thu nhỏ của tầng dưới. Tháp cao gần 24m, mỗi cạnh chân tháp dài 10m.
Năm 1988, Tháp Nhạn đã được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), trong đó có di tích kiến trúc - nghệ thuật Tháp Nhạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận