04/10/2013 07:10 GMT+7

Chuyện đến trường của hai bác sĩ tương lai

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Đến giảng đường bằng nghị lực vượt khó của bản thân, bằng sự bảo bọc giúp đỡ của thầy cô, bạn bè...

Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 358 của báo Tuổi Trẻ

* Học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, tỉnh đoàn, sở giáo dục - đào tạo 7 tỉnh, thành Đông Nam bộ.

* Tài trợ: Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Đài truyền hình VN, báoTuổi Trẻtổ chức), Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Saigon Co-op, Công ty du lịch Vietravel, Công ty Duy Lợi, bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

ieRG1e12.jpgPhóng to
Hằng ngày Quỳnh phụ mẹ công việc nhà - Ảnh: Quang Phương

Đó là câu chuyện đến trường của hai tân sinh viên Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chàng bí thư Đoàn trường bận rộn

Cuộc sống khó khăn lại thiếu tình thương của cha từ nhỏ nhưng Phạm Gia Quỳnh luôn không ngừng phấn đấu trong học tập và hoạt động Đoàn, Hội. Giờ đây trúng tuyển ĐH rồi, Quỳnh và mẹ chưa kịp mừng vui thì nỗi lo lại chồng chất khi không biết tìm đâu ra tiền để nhập học.

Nhà Quỳnh ở đường Nguyễn Văn Tỷ, thị trấn Củ Chi (TP.HCM). Đó là một căn nhà nhỏ được xây dựng theo kiểu chắp vá nhiều lần. Mẹ Quỳnh tận dụng khoảnh đất nhỏ trước nhà để làm nơi bán cà phê. Quán cà phê cóc đó chính là nguồn sống của bốn mẹ con Quỳnh.

Khi Quỳnh vào lớp 1, cha đã bỏ mẹ con bạn ra đi biệt tăm. Mẹ Quỳnh, chị Điêu Thị Thúy Hương, phải vừa làm cha vừa làm mẹ tảo tần chăm lo cho Quỳnh và hai đứa con gái song sinh. Cả gia đình chỉ trông chờ thu nhập từ quán cà phê cóc trước sân nhà nên thiếu trước hụt sau thường xuyên. Chứng kiến cảnh mẹ vất vả kiếm từng bữa ăn hằng ngày đã không ít lần khiến Quỳnh có ý định nghỉ học để mẹ bớt gánh nặng. Nhưng Quỳnh nói: “Mẹ không cho em nghĩ đến chuyện từ bỏ việc học. Mẹ nói dù khó khăn thế nào, mẹ cũng lo cho ba đứa đến trường.”

Mẹ Quỳnh kể nhà không có tiền nên từ nhỏ đến lớn Quỳnh chưa một lần được đi học thêm. Vậy mà nhiều năm liền Quỳnh đều đạt học lực khá, giỏi. Cấp III, Quỳnh vừa học vừa tích cực tham gia công tác Đoàn, bạn được bầu là bí thư Đoàn Trường THPT Củ Chi. Về nhà Quỳnh lại phụ mẹ bán cà phê. Bận rộn là vậy nhưng Quỳnh luôn phấn đấu giữ vững thành tích học tập và hoàn thành công tác Đoàn. Quỳnh đã được Sở GD-ĐT cấp bằng khen “học sinh ba tích cực”...

Sáng nào Quỳnh cũng dậy từ 5 giờ để phụ mẹ bưng bàn ghế ra ngoài. Những ngày nghỉ học, Quỳnh tranh thủ ra chợ Củ Chi phụ bán hàng tại một tiệm tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Mẹ Quỳnh kể: “Thấy con mình thiếu thốn đủ thứ, phải đi làm thuê làm mướn tội quá nhưng khổ quá thì đành chịu...”.

Để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên, mấy hôm nay Quỳnh đã liên lạc một vài nơi ở trung tâm thành phố để tìm việc làm thêm. Quỳnh cho biết bạn muốn làm giáo viên, lúc đầu tính thi vào ngành sư phạm sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để khỏi tốn học phí. Nhưng sau đó được mọi người động viên và tư vấn nên Quỳnh chọn thi vào ngành xét nghiệm Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch. “Em nuôi ước mơ được làm thầy giáo từ năm cấp II rồi. Nên vào ĐH em sẽ cố gắng học thật giỏi để được trường giữ lại làm giảng viên, lúc đó em được đứng lớp theo đúng sở thích của mình”, Quỳnh tự tin cho biết.

LUQuUr9Q.jpgPhóng to
Thanh Phương (thứ hai từ phải sang) dạy kèm học sinh tại thư viện Trường THPT Gia Định - Ảnh: Q.Phương

Nâng bước học trò mồ côi

Từ lúc sinh ra, Nguyễn Trần Thanh Phương đã không biết mặt cha. Tai nạn giao thông đã cướp đi người trụ cột của gia đình bạn. Mẹ Phương là bà Trần Thị Định, tần tảo đẩy chiếc xe bánh mì đi bán ở lề đường để nuôi con khôn lớn.

Khi bắt đầu đi học, Phương luôn phấn đấu học giỏi để sau này có cơ hội báo đáp công ơn mẹ. Nhưng đến đầu năm 2010, khi Phương vào học lớp 10, sức khỏe mẹ Phương ngày một yếu đi, đi khám mới biết bà bị ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi chẳng bao lâu sau mẹ Phương qua đời. Phương thành cậu học trò mồ côi, bạn về sống với người dì tại một phòng trọ ở Q.Bình Thạnh.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - nhớ lại khi biết mẹ Phương bị bệnh nặng đang cần tiền chữa trị, nhà trường đã phát động đợt quyên góp trong toàn trường để thầy cô và học sinh góp sức giúp đỡ gia đình Phương. Nhưng đợt quyên góp chưa kết thúc thì mẹ Phương qua đời. Nhà trường đã dành toàn bộ số tiền quyên góp được để lo cho việc học tập của Phương, nên trong suốt ba năm học phổ thông Phương không phải đóng một món tiền nào. Hằng tháng nhà trường còn trích một ít từ số tiền quyên góp trên để hỗ trợ dì Phương lo tiền ăn uống hằng ngày cho Phương. Cô Cúc cho biết thêm mới đây, khi Phương nhập học đại học, trường đã đóng học phí đầu năm cho bạn và nhà trường sẽ lo cho Phương cho đến khi ra trường.

Nói về cậu học trò mồ côi, cô Cúc nói: “Phương là tấm gương vượt khó, học tốt của trường. Trong trường ai cũng biết Phương nên ai cũng chia sẻ cùng em”. Chính sự nỗ lực, vươn lên trong học tập đã giúp Phương giành nhiều thành tích cao như: năm lớp 10 đoạt huy chương đồng Olympic 30-4 môn địa lý, năm lớp 12 giải ba cấp thành phố môn địa lý. Là một học sinh giỏi địa nhưng Phương lại chọn y khoa để thi đại học.

Nói về ước mơ trở thành bác sĩ, Phương cho biết lúc mẹ bị bệnh nặng, Phương đi nuôi mẹ ở bệnh viện và chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân nghèo giống mẹ con Phương không có tiền chữa bệnh... “Em muốn trở thành bác sĩ để sau này khi ra trường có thể chữa bệnh cho những người nghèo giống mẹ em”, Phương ước mơ.

Ước mơ vậy nhưng trước mắt Phương là sáu năm học ĐH, một quãng đường dài đầy gian khó đối với một chàng tân sinh viên mồ côi. Để có tiền trang trải việc học tập, Phương tranh thủ thời gian rảnh đi dạy kèm. Dù đã tốt nghiệp nhưng hằng tuần Phương vẫn đến thư viện Trường THPT Gia Định để dạy kèm. Ngoài ra, vào các tối thứ ba, năm, bảy Phương đạp xe đến dạy kèm tại nhà một học sinh lớp 5 ở Q.Bình Thạnh. Cô Cúc cho biết nhà trường tạo điều kiện cho Phương mượn thư viện hoặc bất cứ phòng học nào trống để dạy kèm kiếm thêm thu nhập lo cho việc học đại học.

Tiếp sức cho 205 tân sinh viên 7 tỉnh thành Đông Nam bộ

Lúc 19g ngày 5-10-2013, tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” (thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 358 của báo Tuổi Trẻ) sẽ được tổ chức cho 205 tân sinh viên học giỏi, vượt khó của bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ (gồm TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa trúng tuyển CĐ - ĐH năm 2013. Tổng kinh phí học bổng là 1,025 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) từ nguồn ủng hộ của Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ tổ chức), Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Saigon Co-op, Công ty du lịch Vietravel, Công ty Duy Lợi và bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Đồng hành cùng chương trình khu vực Đông Nam bộ, Công ty TNHH Asama Yuh Jiun Int’l VN tặng 30 xe đạp, Nokia VN và FPT Shop tặng 20 điện thoại di động Nokia Asha 501 cho tân sinh viên.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tiếp sức 40 tân sinh viên Tiền Giang đến trườngTiếp sức nhà nông Bình Định cho con đến trường “Tiếp sức đến trường” 203 sinh viên ĐBSCL Ba anh em nhường nhau suất vào đại học

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên