29/09/2013 09:57 GMT+7

Ba anh em nhường nhau suất vào đại học

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - Đó là câu chuyện cảm động về gia đình của tân sinh viên Huỳnh Hữu Tài, Huỳnh Ngọc Duyên và Huỳnh Tiến Sĩ ở P.10, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.

Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 40 tân sinh viên Tiền Giang

* Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang

* Tài trợ: CLB “Tiếp sức đến trường” Tiền Giang tại TP.HCM

eHXUQ4sR.jpgPhóng to
Hai anh em Huỳnh Hữu Tài (bìa phải) và Huỳnh Tiến Sĩ (giữa) giao lưu trong buổi lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 2013 tại tỉnh Tiền Giang - Ảnh: H.T.Vân

Người anh cả là Huỳnh Hữu Tài sinh năm 1991, em kế sinh năm 1993 tên Huỳnh Tiến Sĩ và em út sinh năm 1995 là Huỳnh Ngọc Duyên. Thế nhưng do nhà nghèo phải vất vả mưu sinh nên đến khi Duyên chào đời, ba anh em mới được làm giấy khai sinh một lượt. Rồi cả ba anh em cùng được đến trường. Suốt 12 năm học phổ thông, ba anh em động viên, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu học tập đến cùng với hi vọng thoát nghèo. Kết quả kỳ thi đại học năm 2013, anh cả Hữu Tài đậu vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Mới đây em kế Tiến Sĩ cũng nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Người em út được 15 điểm, không trúng tuyển nguyện vọng 1, nhưng đủ điểm đăng ký nguyện vọng 2.

Tuy nhiên, có chạy cách mấy nhà cũng không thể lo nổi cho cả ba cùng đến trường. Nhiều đêm, ba anh em trằn trọc nghĩ tới nghĩ lui, rồi bàn tính mọi cách để có người được đi học. Cuối cùng, Sĩ nêu ý tưởng sẽ tạm nghỉ học một năm để đi làm kiếm tiền giúp anh học đại học. Còn Duyên cũng không đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 mà đăng ký vào trường cao đẳng nghề. Sĩ chia sẻ: “Đôi lúc em cũng chạnh lòng, nhưng vì gia đình khó khăn, phải có người chấp nhận hi sinh. Em đã nộp đơn xin việc ở một số công ty nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào phản hồi”. Hiện tại Sĩ đi theo người dượng để làm phụ sơn, phụ hồ cho các công trình. Số tiền kiếm được Sĩ gom góp cho Tài đóng học phí và mua gạo ăn hằng ngày.

Còn Duyên dù đã đăng ký vào trường cao đẳng nghề để học nhưng vì không đủ tiền đóng học phí (mỗi học kỳ khoảng 3 triệu đồng) nên cũng ngậm ngùi ở nhà thay các anh chăm sóc cha. Ông Huỳnh Văn Bé - cha của anh em Tài - năm nay đã hơn 60 tuổi, sức khỏe rất yếu. Trước đây hằng ngày ông đi bán vé số còn vợ ông đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để có tiền cho ba con đến trường. Mấy năm nay căn bệnh tim trở nặng khiến ông không còn đủ sức đi bán vé số nữa. Những lúc nhìn các con túng thiếu không có tiền đi học, chịu không nổi, ông bảo vợ đẩy xe lăn cho ông đi bán. Thế nhưng càng ngày bệnh của ông càng nặng hơn nên giờ chỉ ngồi một chỗ, ăn uống phải có người lo.

Tài cho biết được tiếp tục đi học là niềm vui lớn, nhưng lại buồn và ray rứt vì phải nhìn hai em dừng giấc mơ. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên tụi em cũng đành phải chịu. Em chỉ lo lắng cha mẹ già ở nhà sức khỏe càng ngày càng yếu, gánh nặng đè lên vai hai em sẽ càng nặng hơn. Không biết chuyện học hành của hai em sẽ thế nào nữa” - Tài nói.

Tại buổi lễ trao học bổng vào sáng 28-9, gây xúc động nhất là phần giao lưu với hai anh em Huỳnh Tiến Sĩ và Huỳnh Hữu Tài. Trò chuyện với tân sinh viên và đại biểu dự lễ trao học bổng, Huỳnh Tiến Sĩ giải thích: “Trong gia đình, em là người khỏe mạnh nhất, có thể đi làm thêm được. Còn anh Hai (Tài), em út (Duyên) sức khỏe yếu hơn, không thể đi làm công việc nặng nhọc được. Vả lại, em còn nhỏ tuổi nên có chậm đi học một vài năm cũng không sao. Nếu anh Hai nghỉ học thì cơ hội học lại khó hơn, nên em quyết định nghỉ học...”. Câu trả lời của Sĩ làm tất cả mọi người lặng đi. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang sau đó vội vã ghi chép thật kỹ thông tin về ba anh em Tài và cho biết sẽ giúp đỡ gia đình này. Có điều hiện nay chỉ có mình Tài được học ĐH, Duyên đã chọn trường nghề để học vì muốn mau có việc làm. Còn Sĩ vẫn xin đi làm thuê với những việc không tên.

Cùng các bạn đeo đuổi ước mơ

OyjFDdqO.jpgPhóng to
Ông Lê Xuân Trung (trái), tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, trao quà và học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Sáng 28-9, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, 40 tân sinh viên học giỏi, vượt khó của tỉnh Tiền Giang đã nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”, mỗi suất 5 triệu đồng.

Tại buổi lễ trao học bổng, rất nhiều tân sinh viên đã rơm rớm nước mắt khi xem đoạn phóng sự về chàng “ốc” và chàng “quẹo” của vùng đất Tiền Giang. Chàng “ốc” Nguyễn Quốc Tuấn từ nhỏ đã quen cơ cực với mảnh vườn cằn cỗi, với những cái ao có nhiều ốc ở gần nhà (xã Phú Phong, huyện Châu Thành). Nhà nghèo, đất đai sản xuất không có bao nhiêu nên Tuấn phải phụ cha mẹ mò cua, bắt ốc kiếm tiền đi học. Cái tên Tuấn “ốc” xuất hiện, riết thành quen thuộc với người dân địa phương. Có điều Tuấn “ốc” học rất giỏi và thi đậu vào Trường ĐH Giao thông vận tải.

Năm Tuấn học lớp 11 thì cha đột ngột qua đời. Hai mẹ con đùm bọc nhau trong căn nhà lụp xụp. Số nợ mười mấy triệu đồng làm đám tang cho cha đến giờ chưa trả xong thì lại thêm khoản tiền chuẩn bị cho Tuấn vào đại học. Khó khăn quá nên bà Hồ Thị Tư (mẹ Tuấn) bấm bụng ép con nghỉ học, nhưng ép mấy lần thì Tuấn khóc đúng mấy lần, lắc đầu... “Con nó quyết tâm như thế nên tui không đành lòng, còn sức tới đâu thì lo tới đó” - bà Tư nói.

Còn chàng “quẹo” Đặng Tấn Lợi (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) mồ côi cha từ thuở nhỏ. Đôi chân tật nguyền, bước đi khó khăn hơn bạn bè nhưng không vì thế mà chàng trai này nản lòng. 12 năm học phổ thông Lợi luôn là học sinh xuất sắc của lớp. Kỳ thi đại học năm nay Lợi trúng tuyển cả hai trường Đại học Y dược TP.HCM và Đại học Bách khoa TP.HCM với số điểm rất cao. Lợi đã chọn Trường ĐH Y dược, học ngành dược. Ước mơ của bạn đã thành sự thật, song quãng đường phía trước còn quá xa vời. Lợi bảo khi đi học thì nỗi lo lớn nhất, thường trực hằng ngày của bạn chính là mẹ già hay ốm đau. “Em đi rồi mẹ ở nhà không biết nương tựa ai. Mỗi lần bệnh tái phát lấy ai chăm sóc?” - Lợi rưng rưng.

Phát biểu tại buổi lễ, anh Lê Xuân Trung (tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ) chia sẻ: “Nếu các bạn có nghị lực, ý chí thì không gì có thể ngăn cản được. Nếu các bạn gặp khó khăn hoặc trở ngại gì trong thời gian sắp tới thì các bạn cứ gọi cho chúng tôi. Báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm sẵn sàng trợ giúp, động viên các bạn theo đuổi tới cùng ước mơ của mình...”.

Ông Đỗ Văn Tám, đại diện CLB “Tiếp sức đến trường” Tiền Giang tại TP.HCM, cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tân sinh viên tỉnh Tiền Giang trong những năm tiếp theo. Ông Tám chia sẻ: “Dù mỗi suất học bổng chỉ 5 triệu đồng, có thể chưa đủ để các em đóng hết học phí đầu năm nhưng tôi tin đây là sự động viên lớn đối với các em. Chúng tôi sẽ cố gắng đồng hành với các thế hệ sinh viên tiếp theo của tỉnh nhà, không để các em phải rời ghế nhà trường chỉ vì nghèo khó”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tiếp sức 40 tân sinh viên Tiền Giang đến trườngTiếp sức nhà nông Bình Định cho con đến trường “Tiếp sức đến trường” 203 sinh viên ĐBSCL

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên