06/10/2013 07:30 GMT+7

Chuyện đăng đàn ở Liên Hiệp Quốc

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 68 vừa kết thúc sau những ngày dài các lãnh đạo đăng đàn từ sáng đến tối. Ở đó họ nói những gì và ai sẽ lắng nghe?

Doanh nghiệp Mỹ đề cao bài phát biểu của Thủ tướng

mZZm67xA.jpgPhóng to
Một trong những thành công của Hội đồng Bảo an LHQ lần này là ra được nghị quyết về Syria và nhanh chóng đưa các thanh sát viên quay lại Damascus để tiến hành tiêu hủy vũ khí hóa học - Ảnh: Reuters

Trong một thế giới đầy mâu thuẫn và đối kháng, ít nhất Đại hội đồng LHQ cũng là “diễn đàn duy nhất cho việc thảo luận đa phương toàn bộ các vấn đề mà Hiến chương LHQ bao gồm”. Trong số các vấn đề đó có thể nêu: “Giải quyết hòa bình các tranh chấp” (chương VI), “Hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược” (chương VII), “Dàn xếp khu vực” (chương VII)...

Chính vì thế mà thường thì các nhà lãnh đạo quốc gia hay chính phủ đích thân đến dự để cất lên tiếng nói của đất nước mình khi cảm thấy hữu sự, cho cả thế giới và cả đối phương cùng nghe. Còn như chưa cảm thấy cần thiết cho lắm thì cử bộ trưởng ngoại giao đến phát biểu. Thành ra sự xuất hiện hay không xuất hiện của một lãnh đạo quốc gia hay chính phủ ít nhất cũng biểu thị thái độ của nước đó trước một vấn đề nào đó, vừa phản ánh sự trông cậy nơi cộng đồng quốc tế vừa chứng tỏ sự tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề đó.

Brazil tố Mỹ

Khóa họp năm nay đã bắt đầu bằng sự tố khổ Mỹ của nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, người đăng đàn đầu tiên sáng 24-9. Bà Rousseff dành hơn 1/4 bài diễn văn của mình để “vạch tội” Mỹ: “Tôi muốn các phái đoàn xem xét một vấn đề quan trọng và nghiêm trọng vô cùng. Những tiết lộ gần đây liên quan đến các hoạt động của một mạng lưới dọ thám điện tử đã khiến công luận khắp thế giới phẫn nộ và bài xích. Ở Brazil, tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều... Một quốc gia có chủ quyền không bao giờ tiến thủ bằng gây phương hại một quốc gia có chủ quyền khác...”. \

Sẵn ông Obama đang ngồi đợi lên đăng đàn ngay sau bà, bà “lên lớp” luôn: “Không thể cứ giở lý do bảo vệ chống khủng bố để thu thập thông tin một cách phi pháp. Ngài tổng thống à, Brazil biết tự bảo vệ đất nước mình!”.

Ông Obama, cho dù sáng hôm ấy đang vô cùng bận bịu chuyện Syria và Iran, cũng đã phải gián tiếp vuốt tự ái bà Rousseff: “Chúng tôi đã bắt đầu xem xét lại cách thức thu thập thông tin tình báo sao cho cân bằng với các mối quan ngại về tính bảo mật riêng tư”!

Gruzia tố Nga

Cũng thế, Gruzia “tố” Nga kịch liệt. Tổng thống Mikhail Saakashvili vẫn chưa nguôi mối thù Gruzia bị Nga chinh phạt cách đây năm năm một tháng: “Gruzia bị chiếm đóng... Tại sao? Bởi vì một đế quốc cũ nay đang tìm cách đòi lại các biên giới ngày xửa ngày xưa của mình.

Gọi là “biên giới” thì không đúng, do lẽ đế quốc đó chẳng bao giờ có biên giới đâu, mà chỉ có những phên giậu. Hôm nay tôi đến đây để phát biểu nhân danh các phên giậu đó. Không giống như đa số các quốc gia khác, Liên bang Nga chẳng có lợi lộc gì khi các nước xung quanh, Gruzia, Ukraine, hay Moldova... có được ổn định!”. Âu cũng là một tiếng nói, ai hiểu được thì hiểu.

“Bị cáo” Syria phản cung

Syria cũng có dịp cất tiếng nói của mình. Do là đối tượng của một nghị quyết Hội đồng Bảo an ngay giữa khóa họp này, sáng thứ hai 30-9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Syria Walid Al-Moualem đứng ra biện hộ cho chế độ mình: “Một số nước không chịu thừa nhận rằng Al-Qaeda, tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trên thế giới, cùng vô số phe nhóm như Jabhat al-Nusrah, Biệt đội Hồi giáo cùng các tổ chức khác đang lâm chiến ở Syria. Những cảnh giết người, moi tim không đâu có được chiếu trên truyền hình làm lương tâm phải rùng mình. Thưa quý vị, ở Syria, những kẻ sát nhân ấy phanh thây các công dân (Syria) chỉ vì những người này cố bảo vệ một đất nước Syria thống nhất và thế tục”. Tin hay không tin, tùy hỉ. Ít nhất “bị cáo” cũng có quyền giãi bày.

Ấn Độ, Pakistan hòa giải

Giữa những cuộc đấu khẩu như thế, cũng có những cặp đối kháng truyền kiếp song nay lại tìm cách xích lại gần nhau: trước toàn thể Đại hội đồng LHQ, tân Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngỏ lời mời Thủ tướng Ấn Độ Manhoman Singh “bắt đầu một khởi đầu mới”. Đến lượt Thủ tướng Singh đăng đàn, ông hẹn gặp nhau ngay ngày hôm sau... Và hai ông đã gặp nhau thật!

Nghe qua có vẻ như Đại hội đồng LHQ là nơi các diễn giả có quyền nói theo lợi ích của mình. Song tích cực nhìn nhận sẽ thấy việc 193 quốc gia còn tề tựu mỗi năm mấy ngày đó là do nhân loại còn xem đó là một chút gì “thiêng liêng” còn sót, trừ phi bất cần LHQ, bất cần luật pháp quốc tế, bất cần công luận thế giới. Nói ra cho hết, ai thông hiểu thì đồng cảm, biết trước rằng chẳng đi đến đâu, dẫu sao cũng là một cách xử thế không qua binh đao.

Báo Hàn Quốc đánh giá cao phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul (Hàn Quốc), báo chí sở tại những ngày gần đây liên tục có những bài viết, bình luận, đánh giá cao nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa 68.

Tờ Kinh Tế Xanh ngày 5-10 có bài phân tích với tựa đề “Việt Nam - quốc gia đang gây được sự chú ý với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ”. Bài báo nêu rõ bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đại hội đồng đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược, góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ.

Trong khi đó, giáo sư Son Gi Woong thuộc Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc (KINU) có bài viết trên nhật báo Môi Trường với nhận định: “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã nhấn mạnh đến các vấn đề như ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, phá rừng và coi đó là nguyên nhân của hiện tượng khí hậu nóng lên trên toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra rằng đó chính là yếu tố khiến các quốc gia rơi vào tình trạng nghèo và đói nghèo. Đây cũng là điểm thể hiện rõ ý chí của Việt Nam đối với chiến lược tăng trưởng xanh với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Theo TTXVN

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên