Ngô đồng rộ nở trong hoàng cung Huế giữa mùa dịch COVID-19 - Ảnh: NÔNG THANH TOÀN
Khi đã có giống ngô đồng đưa từ Trung Quốc về rồi, vậy mà Vua Minh Mạng nghĩ cách tìm cho được giống trong nước mình để trồng mới thôi. Điều này thể hiện tinh thần tự tôn quốc gia thật mãnh liệt của vị vua làm nên đất nước hùng cường.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn
Tôn thêm vẻ đẹp hoàng cung
Ngô đồng được cho là nơi loài chim phượng hoàng quý phái tìm đậu, người xưa xem cây như bậc quân tử. Vẻ đẹp lạ lùng, đặc biệt của loài "vương giả chi hoa" như gắn liền với những đền đài cổ kính trong chốn hoàng cung khiến ai ngắm nhìn cũng ngẩn ngơ lòng.
Giới săn ảnh và người yêu hoa ngô đồng ở Huế thuộc nằm lòng những cảnh sắc ngô đồng ngự trị. Tuyệt đẹp nhất vẫn là khu vực Đại Cung môn - cửa trước Tử Cấm thành trong hoàng cung. Ở đó có hai cây ngô đồng lớn ngay góc sau điện Thái Hòa, vẫn luôn nở hoa đúng dịp cuối xuân đầu hè.
Gần đó, hai cây nhỏ hơn ở sân thoáng rộng của điện Cần Chánh cũng thường ra hoa tuyệt đẹp đúng mùa. Cách không xa, ngay góc sau nhà Tả Vu dành cho các quan văn, cây ngô đồng to lớn nhất mọc vút lên cao, màu tím phớt hồng luôn nở tràn như đám mây lớn lãng đãng trên mái ngói cổ xưa. Nhiều người tin rằng cây ngô đồng này tồn tại hơn trăm năm trước, thậm chí lúc vương triều còn thịnh trị.
Mùa hoa cuối tháng 3 vừa rồi, hoàng cung Huế đóng cửa tránh dịch COVID-19, chúng tôi chạy xe ngang thành quách, đền đài vắng tanh và sắc hoa chỉ được "ngắm" trong mối hoài niệm. Nhưng lòng chúng tôi vẫn có niềm tin ngô đồng đang nở hoa trong hoàng cung. Đúng thôi, dịch ở người chứ đâu có dịch cây.
Thật may, nhà nhiếp ảnh trẻ Nông Thanh Toàn khoe trên mạng những hình ảnh flycam ngô đồng tuyệt đẹp trong khung cảnh hoàng cung cổ kính. Sự hòa sắc của hàng vạn bông hoa mỏng mảnh, li ti tạo thành đám mây tím phơn phớt hồng mềm mại càng tôn thêm vẻ đẹp những khối rồng uy nghiêm nổi trên mái ngói cung điện thẫm màu.
Kể cũng may mắn, mùa dịch giã này mà được ngắm loài hoa quý phái nhiều huyền thoại bằng góc nhìn của chim là mãn nguyện lắm rồi.
Ngô đồng ở Huế thường rộ nở vào dịp cuối xuân đầu hè. Báo hiệu vào mùa luôn là những "áng mây phớt hồng" nổi lên trên dải cây xanh đôi bờ sông Hương. Giới săn ảnh vốn không thể bỏ qua cây tại góc công viên Tứ Tượng ở bờ nam, cách cầu Trường Tiền vài chục bước chân.
Tiếc là năm nay hoa của cây này bị "vấy bẩn" bởi nhiều cây tầm gửi. Kế đến là cây phía bắc cầu Phú Xuân thành điểm nhấn nổi lên trên đám cây bàng và lim xẹt xanh um. Hàng ngô đồng trẻ vài năm tuổi ở bắc cầu Trường Tiền dù chưa cao lớn lắm năm nay cũng cho hoa.
Tình trạng tương tự đối với những cây ít tuổi bên sân Nghinh Lương đình, trong cửa Quảng Đức và công viên phía tây của hoàng cung Huế...
Tại Huế, từng nhiều ý kiến cho rằng đang trồng ngô đồng quá nhiều và địa điểm khá tùy tiện, làm giảm đi giá trị tự thân vốn có của loài cây quý phái. Theo luồng ý kiến này, từ tính chất thẩm mỹ cho đến giá trị lịch sử văn hóa, ngô đồng chỉ nên đặt đúng chỗ, đắc địa, một vài nơi trong không gian cung điện hoặc lăng tẩm hoàng gia mà thôi.
Ngoài không gian này, nằm ở vị trí nào phải hết sức cân nhắc. Trong khi ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng nên đầu tư trồng rộng để "khoe ra", thậm thí làm sao xứng danh "thành phố ngô đồng"...
Nhìn từ xa, hoa ngô đồng như đám mây màu tím hồng trên thành quách xưa - Ảnh: NÔNG THANH TOÀN
Mang thêm giống từ Trường Sơn
Ngô đồng là một trong 9 loài cây hoa được Thánh tổ Minh Mạng cho khắc vào Cửu đỉnh tượng trưng vương quyền. Vị vua cũng cho trồng cây này tại các cung điện của mình. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: "Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện".
Như vậy, sử liệu ghi rõ ngô đồng ở Huế từng có 2 xuất xứ: Quảng Đông - Trung Quốc và Trường Sơn của Việt Nam. Nhiều người tham quan Trung Quốc, thấy ngô đồng xứ người nhiều cây dáng thế oằn cong, cổ lão, lá cũng khác và mùa hoa cũng khác.
"Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu" (Một lá ngô đồng rụng/Mọi người biết thu sang) - câu cổ thi chứng tỏ ngô đồng Trung Quốc nở hoa vào mùa thu. Trong khi ở Huế, ngô đồng chỉ một loại, rụng lá và rộ nở dịp cuối xuân - đầu hè. Do vậy, nhiều người, kể cả nghiên cứu thực vật vẫn tin từng có hai loại ngô đồng.
Theo nhà nghiên cứu thực vật Đỗ Xuân Cẩm: "Về mặt phân loại, ngô đồng ở Huế không khác mấy so với ngô đồng Trung Quốc, chỉ khác về mùa ra hoa, tạo quả".
Vị chuyên gia cây xanh phân tích: ở Trung Quốc với khí hậu ôn đới, sang thu chuyển mùa mát mẻ thì cây rụng lá nở hoa. Trong khi ở Huế thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phải vào giữa xuân khi khí trời mát mẻ cây mới bắt đầu rụng lá, sau đó mới ra hoa.
Điều khó kết luận là những cây ngô đồng ở Huế có phải là con cháu của những cây do Vua Minh Mạng nhận giống từ Trung Quốc về hay là nguồn từ núi rừng miền Trung Việt Nam do binh biền thời ấy tìm được?
Nếu gốc gác từ Trung Quốc thì đã có hiện tượng thường biến ban đầu rồi dần dần đột biến gen từ sự thích ứng và thích nghi sinh thái. Do vậy, theo nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm, nếu nghiên cứu kỹ bộ gen thì mới có thể kết luận được ngô đồng ở Huế là một giống/thứ (variety) mới của ngô đồng Trung Quốc do biến đổi gen hay chỉ là loài ngô đồng Việt Nam thường thấy ở các khu rừng nguyên sinh và thứ sinh của miền Trung Việt Nam.
Có những thắc mắc về sự khác biệt dạng lá, chuyên gia này cho rằng, có thể do người quan sát không chú ý mấy hình dạng lá trong các giai đoạn sinh trưởng. Ngô đồng ở nhiều thời điểm có loại lá xẻ thùy và phân thùy; ngay lá phân thùy cũng tùy giai đoạn mà có độ nông/sâu khác nhau.
Và trên Cửu đỉnh, có lẽ thợ xưa cũng chỉ khắc tương đối, bởi sử sách ghi chép việc đúc bảo vật này không quá khắt khe. Đó là lý do làm cho nhiều người khi xem hình ảnh trên đó sẽ không nhận biết chắc cây gì, nếu không đọc chữ Hán kèm theo...
Cụ thể hơn về gốc gác, nhà nghiên cứu thực vật Đỗ Xuân Cẩm cho biết đã từng bắt gặp rất nhiều ngô đồng ở núi rừng Trường Sơn của miền Trung. Thực địa trong rừng cho thấy cây ngô đồng dễ được nhận diện vì thân thuông mọc vút lên, nổi bật giữa thảm rừng xanh, đặc biệt là vào mùa hoa rộ nở. Rõ nhất là trường hợp một cây ngô đồng cổ thụ cao lớn ngay cửa động Brai ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Trở lại hoàng cung, hai góc điện Cần Chánh không có cổ thụ ngô đồng nào, chỉ phía sân trước có hai cây được trồng sau này. Không dễ xác định chính xác lai lịch giống ngô đồng Huế. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Đình Sơn, hoàn toàn có thể tin tưởng xuất xứ trời Nam của loại cây vương giả ngô đồng.
"Khi đã có giống ngô đồng đưa từ Trung Quốc về rồi, vậy mà Vua Minh Mạng nghĩ cách tìm cho được giống trong nước mình để trồng mới thôi. Điều này thể hiện tinh thần tự tôn quốc gia thật mãnh liệt của vị vua làm nên đất nước hùng cường trong lịch sử. Vì vậy, trong hoàng cung của mình, vua sẽ cho trồng giống cây trong nước" - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhận định.
_____________________________________
Cùng những kiến trúc quý giá, cây xanh hay vườn ngự thuộc đế đô xưa đang dần phục hồi. Cảm động thay với việc trồng cây chuẩn bị nguồn gỗ trùng tu di tích trong bối cảnh rừng đang lùi xa...
Kỳ tới: Trồng lại cây đế đô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận