03/03/2022 10:19 GMT+7

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 2: Bến tỉ phú

HÙNG ANH
HÙNG ANH

TTO - Theo địa phương và tính toán của ông Ngô Quang Hà, tức Tám Tèo, một trong những nghiệp chủ có máu mặt đầu tiên ở chợ gạo nổi tiếng Bà Đắc, nơi này hiện đang có khoảng 40 ông bà chủ kinh doanh gạo quy mô lớn.

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 2: Bến tỉ phú - Ảnh 1.

Đại gia Nguyễn Văn Long (Long Nếp) từ bốc xếp làm nên sự nghiệp trước cơ ngơi của mình - Ảnh: HÙNG ANH

Mấy ông chủ vựa còn tham gia mua bán gạo, tấm, cám, chứ không đơn thuần chỉ cho gửi gạo để ăn tiền đầu tấn như ngày xưa.

Ông Tám Tèo - Ngô Quang Hà

Từ đếm tiền mỏi tay đến nóng máy

Trong khi đó, theo anh Đặng Văn Tí, người nhiều năm làm việc trong các nhà máy tại chợ gạo Bà Đắc lớn nhất miền Tây Nam Bộ, sở dĩ nơi này có nhà máy, vựa gạo rất nhiều là do mỗi nghiệp chủ đều có trong tay vài cơ sở kinh doanh. Có thể kể những nghiệp chủ lừng danh như Đồng Tâm 1, 2, 3; Tấn Tài 1, 2, 3, rồi Cửu Long, Tám Tèo, Long Nếp, Tấn Vinh, Thanh Hồng...

Ngoài các nghiệp chủ địa phương, chợ gạo Bà Đắc còn có những đại gia ở Đồng Tháp đến thuê đất mở vựa, nhà máy lau bóng, tách màu. 

"Khu vực này, tính từ lề quốc lộ 1 vào đến bờ sông An Cư nơi rộng nhất khoảng 70m, nơi hẹp khoảng 40m, nhưng mỗi mét vuông trị giá tiền tỉ. Trên đất là cơ ngơi hoành tráng của mấy ông bà chủ doanh nghiệp cũng phải tính bằng tiền nhiều tỉ, nên người ta nói nơi này là vùng đất của các tỉ phú cũng không ngoa", anh Hai Tí giải thích.

Đề cập đến chuyện kinh doanh mua bán ở chợ gạo Bà Đắc, anh Hai Tí cười cho biết từ khi có điện thoại di động thì các nghiệp chủ gần như ít rời khỏi cơ ngơi của mình. Bây giờ muốn mua lúa ở tỉnh nào, thậm chí lúa bên Campuchia xa xôi, họ chỉ cần gọi điện thoại cho "cò lúa", thông báo cần mua loại lúa nào, số lượng bao nhiêu, giá cả ra sao... Sau đó đội quân thu mua sẽ điều động đội ghe tải, xe tải vận chuyển lúa về tận nơi.

Có lúa tươi rồi, các nghiệp chủ lại alô cho các chủ lò sấy, chủ nhà máy xay xát quanh vùng, thông báo ngày giờ đoàn ghe (xe) chở lúa sẽ về đến, để được đưa ngay vào sấy khô, xay xát tách vỏ. Còn lúc bán ra, thương lái từ các tỉnh chỉ cần gọi điện cho họ để đặt hàng loại gạo nào, số lượng bao nhiêu, quy cách đóng bao ra sao, ngày giờ giao nhận... là hàng giao đúng hẹn. Thậm chí, những năm gần đây chuyện giao dịch bằng tiền mặt rất ít, hầu hết người mua kẻ bán đều chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng với tốc độ tính bằng giây.

Anh Hai Tí kể chuyện nay rồi nhắc lại chuyện xưa từ khi chợ gạo hình thành đến khoảng năm 2005 - 2006, việc mua bán ở chợ gạo chủ yếu là giao dịch trực tiếp. Hồi đó khách hàng từ nhiều tỉnh vác cả bao tiền đi mua gạo, thương lái miền Trung thì xách mấy chiếc thùng thiếc bên trong đựng đầy nhóc tiền. Họ đi xe đò đến chợ gạo, tìm chỗ thân tín gửi bao tiền, lo chỗ ăn ngủ, rồi xách cái cây xom gạo đi tà tà đến các vựa để lựa gạo.

Người bán là các tiểu thương đang gửi gạo trong vựa, lúc nào cũng ngồi ngay trên đống gạo của mình, thấy người mua đến là tay ngoắt lia lịa, miệng gọi í ới chào hàng. Sau khi mua bán xong, người mua mới gọi điện thoại kêu xe xuống chở, vì lắm lúc người mua phải mất 3 - 4 ngày mới chọn được lô gạo vừa ý.

"Chọn gạo, ngã giá thì đã khó, đến lúc hai bên thanh toán mới mệt thêm. Người mua vác bao tiền đổ ra một đống đủ loại chẵn, lẻ. Người bán phải cắn răng đếm tiền lại, đếm không kịp thì phải nhờ công nhân bốc xếp, nhờ người quen xúm lại đếm giùm và trả thù lao cho người đếm. Riết rồi đếm không xuể, nhiều người phải đầu tư mua máy đếm tiền nhưng cũng không phải dễ với đủ loại tiền cũ mới, mệnh giá khác nhau", anh Hai Tí nhớ lại.

Trong khi đó, nghiệp chủ Tám Tèo cho biết hồi xưa dù kho vựa đơn giản, mua bán bất tiện nhưng làm ăn luôn thắng lớn nên ai cũng ham. Còn bây giờ kho vựa phải xây dựng chắc chắn, nền phải lát gạch men, lắp băng tải và nhiều thiết bị hiện đại, nhưng đồng tiền kiếm được lại cạnh tranh hơn xưa.

"Tui nhớ hồi đó mỗi tấn gạo cho tiểu thương gửi vựa tui thu 11.000 đồng. Trả tiền công bốc vác, trừ mọi chi phí liên quan như hoa chi xe tải trên bờ, ghe tàu dưới sông, tui còn lại 3.000 đồng. Chỉ cần mỗi ngày xuất đi 100 tấn gạo thì tui bỏ túi 300.000 đồng, bằng 1 chỉ vàng bấy giờ. Còn giờ thu mỗi tấn gạo 50.000 đồng, trừ hết chi phí tui còn 20.000 đồng, xuất 100 tấn/ngày chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi vàng 4 - 5 triệu đồng/chỉ. Nhưng khu này nhiều người cũng thành tỉ phú nhờ làm lâu năm rồi, mua bán số lượng lớn, tích lũy nhiều. Riêng mấy ông chủ vựa còn tham gia mua bán gạo, tấm, cám... chứ không đơn thuần chỉ cho gửi gạo để ăn tiền đầu tấn như ngày xưa", ông Tám Tèo giải thích.

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 2: Bến tỉ phú - Ảnh 3.

Cảnh trên bến dưới ghe sầm uất ở chợ gạo Bà Đắc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Những tỉ phú gạo từng sửa xe, bốc vác

Ở chợ gạo Bà Đắc, mỗi nghiệp chủ tỉ phú gạo đều có một câu chuyện làm giàu riêng. Ông Tám Tèo từ thợ sửa xe gắn máy nhờ chí thú làm ăn từ vựa gạo thuê lại của cha vợ mà thành nghiệp chủ giàu có. Nghiệp chủ Thanh Hồng lúc đầu chỉ là anh tài xế xe tải làm "tăng bo" hàng cho vựa gạo của ông anh vợ. Lâu năm trong nghề, ông Hồng biết rõ phương thức mua bán, mối mang, sau đó tiếp quản cơ ngơi của ông anh vợ làm ăn ngày càng phát đạt, nay trở thành đại gia. Nghiệp chủ Năm Sương lúc hàn vi từng làm công nhân bốc xếp ở chợ gạo. Giữa năm 1993, ông Năm Sương được thần tài gõ cửa trúng số độc đắc, mua 1.000m2 đất rồi đầu năm 1994 hùn hạp xây nhà máy lau bóng gạo đầu tiên ở đây, nay là một tỉ phú...

Nhưng người được thiên hạ bàn tán, thán phục nhiều ở khu chợ gạo Bà Đắc chính là chủ doanh nghiệp Long Nếp. Đại gia Long Nếp tên thật là Nguyễn Văn Long (SN 1975), là người đi lên từ hai bàn tay trắng. Kể chuyện đời mình, ông Long cho biết là người quê gốc xã An Cư. Năm 1993, ông đi nghĩa vụ quân sự ở đơn vị công binh thuộc Quân khu 9.

Đến năm 1995, ông Long xuất ngũ về quê. Hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, ông xin vào làm công nhân bốc xếp ở chợ gạo Bà Đắc. Khoảng 7 năm đem sức lực vác gạo, ông để ý học hỏi phương thức kinh doanh, kỹ thuật đánh giá chất lượng gạo, làm quen nhiều mối lái. Lúc đó, vợ ông Long cũng là tiểu thương mua bán ở chợ gạo Bà Đắc. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, chắt chiu tiết kiệm, đến năm 2002 ông Long và vợ quyết định thuê miếng đất rộng 10m, dài 40m ở gần đầu cầu An Cư, với giá 40 triệu đồng/tháng để mở vựa.

Ban đầu, ông Long chỉ kinh doanh mặt hàng nếp, từ đó mới có biệt danh Long Nếp và trở thành thương hiệu của doanh nghiệp cho đến nay. Nhờ chí thú làm ăn, chỉ sau một thời gian vựa ông ngày càng phất. Có tiền, ông mua thêm đất đai, xây thêm kho vựa, nhà máy sấy lúa, xay xát, lau bóng, tách màu, mở rộng quy mô làm ăn.

"Hiện nay tui có 3 điểm sản xuất kinh doanh khá quy mô. Mỗi ngày tui xuất bán trung bình từ 70 tấn đến 100 tấn sản phẩm các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu miền Đông Nam Bộ, miền Trung, ra đến miền Bắc. Cho đến nay tui vẫn kinh doanh gạo nếp làm nên thương hiệu của tui, thị trường là các tỉnh miền Trung. Vùng nguyên liệu của mặt hàng này chủ yếu là Phú Tân (tỉnh An Giang), nơi nhà nông trồng nếp chuyên canh", ông Long cho biết. Tuy ông không tiết lộ giá trị cơ ngơi mình, nhưng những người ở chợ gạo Bà Đắc nhẩm tính: tiền đất, tài sản trên đất của đại gia Long Nếp phải tính bằng trăm tỉ đồng...

*************

Trước khi quyết định mua, tư thương nấu thử gạo xem cơm ngon không. Và thế là người nấu cơm mẫu xuất hiện...

>> Kỳ tới: Nghề độc lạ "ăn theo" chợ gạo

Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 1: Từ mái lá che mưa bao gạo Chuyện chưa kể ở chợ gạo lớn nhất miền Tây - Kỳ 1: Từ mái lá che mưa bao gạo

TTO - Ngược xuôi quốc lộ 1 đoạn qua huyện Cái Bè, Tiền Giang, ai cũng thích thú, ngắm nhìn chợ gạo bán buôn sầm uất bên đường, nhưng ít người biết chợ gạo Bà Đắc lớn nhất miền Tây Nam Bộ này đã hình thành như thế nào?

HÙNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên