20/11/2014 08:25 GMT+7

Chuyện Bộ trưởng Thăng: Nuôi dưỡng tinh thần lăn lộn thực tế

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TT - Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của ông Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - bàn luận câu chuyện Bộ trưởng Thăng nên ở nhà hay “chạy ra đường".

Bộ trưởng Đinh La Thăng (bìa phải) trao đổi với đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong buổi thị sát, giải quyết tình hình ùn ứ tại cảng Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: Lê Sơn

Một trong những câu chuyện kinh điển về các chính sách bàn giấy là chuyện một cán bộ của Ủy ban Kế hoạch nhà nước trong thời bao cấp đi cơ sở.

Người này đã đứng dưới cây điều thao thao bất tuyệt chỉ đạo việc phát triển trồng loại cây này, nhưng cuối buổi lại chỉ vào hỏi: “Đây là cây gì?”!

Do sự xơ cứng của bộ máy, những chuyện như vậy đang có xu hướng trở lại nhiều hơn với những đề xuất trên trời như: ngực lép không được đi xe máy, quan tài không được lắp kính, thịt heo không được bán quá tám tiếng sau khi giết mổ, nhiệt độ nơi bán bia không được quá 30oC...

Thật ra máy móc, quan liêu và vô trách nhiệm là căn bệnh kinh niên của khu vực công, xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới từ các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, những nước phát triển như Hoa Kỳ, EU và đặc biệt trầm kha ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân chính là sự mù mờ trong việc xác định trách nhiệm cá nhân ở khu vực công, trong khi hầu hết ai đi làm cũng vì hai chữ lợi danh của riêng mình.

Việc sáng tạo, đương đầu với cái mới thường thêm việc và nhiều rủi ro. Do vậy hầu hết công chức thường né tránh và chỉ làm đúng quy trình hiện hữu.

Danh và lợi của mỗi người trong khu vực công, nhất là những người có vị trí quản lý, được đo bằng hai tiêu chí: quy mô ngân sách và số lượng nhân sự dưới quyền.

Điều này giải thích tại sao bộ máy của khu vực công càng ngày càng phình to và ngân sách trong kế hoạch thường được chi tiêu bằng hết.

Khi tình trạng này tràn lan thì trục trặc xảy ra và khu vực công là đối tượng bị chỉ trích chính.

Một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề này là tinh thần doanh nhân công - tố chất doanh nhân của những người làm trong khu vực công rất hiểu hệ thống, dám chấp nhận rủi ro, sẵn sàng lăn lộn với thực tế và có khả năng gắn kết hay cuốn hút nhiều người cùng chung tay.

Một trong những người có tinh thần doanh nhân công tiêu biểu nhất ở VN là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Điều này được thể hiện cả trong thời chiến và sau này khi cùng với những người ủng hộ cải cách đã tạo ra Đổi mới ở VN.

Những gì mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đang thể hiện mang nhiều dáng dấp của tinh thần doanh nhân công với những chuyến đi và hành động thực tiễn.

Ở bối cảnh hiện nay, không thể ngồi nhà để nghĩ những chính sách hay chỉ đạo chiến lược như nhiều nước phát triển khác. Đơn giản vì không có đủ thông tin và không tạo ra áp lực cho cấp dưới.

Việc đu dây xuống chỗ xe khách bị lật hay việc giải quyết ngay những vấn đề cụ thể có thể tạo ra những cái nhìn trái chiều, nhưng rất quan trọng ở hai khía cạnh.

Thứ nhất, tạo áp lực cho cấp dưới về cảm giác có thể bị cấp trên “thăm viếng” bất cứ lúc nào nên họ phải nghĩ cách xoay xở để cải thiện tình hình.

Thứ hai, những chuyến đi thực tế giúp những người hoạch định chính sách biết được thực tiễn, tạo nguyên liệu và thông tin để làm cho các ý tưởng trở nên thực tế và khả thi hơn.

Đã có sự chuyển mình rất rõ nét trong ngành giao thông vận tải thời gian qua. Những nhân tố mới đang xuất hiện, bộ máy dường như bắt đầu lăn bánh theo hướng tích cực.

Còn quá sớm để nói về hệ thống giao thông vận tải của VN trong vài ba thập kỷ nữa, nhưng định hướng hay cách giải quyết bài toán giao thông đang có những dấu hiệu rất tích cực.

Ví dụ như ưu tiên xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia đang được thể hiện rất rõ, ý tưởng chuyển giao các công trình đã xây dựng xong cho tư nhân vận hành để có vốn thực hiện những dự án mới là phù hợp với thực tiễn của VN và mang tính thị trường rất cao.

Vậy nên những chuyển động ở ngành giao thông VN là nhân tố cần được khuyến khích. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà thực tế cho thấy đã lặp đi lặp lại rất nhiều ở VN khi nhân rộng hay chọn điển hình.

Đừng khuyến khích “cán bộ 6 chân”

Luồng ý kiến với nội dung ủng hộ các bộ trưởng cần “ra đường” khi bộ máy còn vận hành trì trệ vẫn tiếp tục áp đảo trong các ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Bạn đọc Phạm Thanh Hòa viết: “Bộ trưởng Thăng đi hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chết hàng chục người, xuống hiện trường giải quyết đường cho dân đi lại chỉ trong bốn ngày... phải chăng là “những việc vụn vặt”?

Bây giờ mà cứ ngồi nhà rồi nghe cấp phó báo cáo thì cũng chỉ như “ếch ngồi đáy giếng” thôi. Tôi ủng hộ cách làm hiện nay của Bộ trưởng Thăng. Người lãnh đạo ngoài việc có tầm nhìn thì cũng phải là những người sát sao thực tế”. 

Dẫn câu chuyện đã có nhiều dự luật, văn bản luật ra đời nhưng không đi vào cuộc sống, mà nguyên nhân chính là từ việc thiếu thực tế, chỉ ngồi “bàn giấy ra văn bản”, bạn đọc Trần Đại cho rằng: “Các quan bây giờ cần vi hành nhiều thì tham mưu cho Chính phủ mới sát thực tế được, chứ cứ ngồi ở trung ương mà phán thì khổ dân”.

Bạn đọc Nguyễn Minh Long cũng viết: “Người cán bộ lãnh đạo muốn thực hiện tốt công việc và trọng trách của mình cần phải hiểu đặc điểm công việc, khó khăn, thuận lợi và tâm tư nguyện vọng của cấp dưới, đồng thời xử lý trực tiếp những việc cần thiết.

Trước đây chúng tôi thường hay nói đùa nên giải quyết triệt để, không để tồn tại loại “cán bộ 6 chân” - hai chân người và bốn chân ghế - chỉ cán bộ thường ngồi ở văn phòng mà không chịu đi xuống đơn vị.

Bác Hồ ngày xưa bận trăm công nghìn việc vẫn thu xếp thời gian đi thăm bà con nông dân, xuống tận công trường, trận địa thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tại sao bây giờ chúng ta lại khuyến khích tình trạng “cán bộ 6 chân”?”.

N.N. tổng hợp

 

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên