Thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Iran về trao trả công dân của nhau đang bị giam giữ đang vấp phải phản đối từ Israel. Báo The Times of Israel đưa tin ngày 12-8 Văn phòng Thủ tướng Israel khẳng định các thỏa thuận không yêu cầu hủy bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân Iran nên chỉ mang đến cho Iran tiền bạc tài trợ cho các phần tử khủng bố do Iran bảo trợ.
Cuộc đàm phán bí mật
Sau nhiều tháng đàm phán kín đáo, thỏa thuận sơ bộ về trao đổi tù nhân giữa Iran với Mỹ đã được công bố vào ngày 10-8. Hãng thông tấn IRNA (Iran) đưa tin theo thỏa thuận, năm công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran (đều là người Mỹ gốc Iran) sẽ được trao đổi với năm công dân Iran bị giam giữ ở Mỹ.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson và phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc đã xác nhận thông tin này.
Trong năm công dân Mỹ, ba người đã công khai danh tính gồm Siamak Namazi, Emad Sharghi, Morad Tahbaz và hai người được giấu danh tính là một nhà khoa học và một doanh nhân. Bốn người đã được chuyển từ nhà tù ra nơi chịu quản thúc từ hôm 10-8, còn một người là phụ nữ đã rời nhà tù để chịu quản thúc từ vài tuần trước.
Theo báo New York Times, năm công dân Iran sẽ được trả tự do đang thụ án tù ở Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.
Vào trung tuần tháng 6-2023, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran xác nhận Iran đang đàm phán gián tiếp với Mỹ về trao đổi tù nhân thông qua vai trò trung gian của Oman. Địa điểm đàm phán diễn ra tại Muscat (thủ đô Oman) và "không có gì bí mật".
Theo thỏa thuận sơ bộ, Iran sẽ được quyền tiếp cận 6 tỉ USD doanh thu từ dầu mỏ đã bị đóng băng ở Hàn Quốc. Đây là tiền mua dầu Iran mà chính quyền Seoul chưa kịp thanh toán trước khi chính quyền của tổng thống Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với các giao dịch với Iran vào năm 2019.
Dự kiến khoản tiền này sẽ được chuyển đến các tài khoản ở Qatar. Do kế hoạch khá phức tạp nên sẽ mất nhiều tuần để thiết lập cơ chế chuyển tiền với Qatar. Hiện thời Qatar đang trao đổi với Oman và Thụy Sĩ về vấn đề này.
Trong khi đó, thông tin chi tiết về chuyển giao tài sản cho Iran và trả tự do cho các công dân Mỹ cũng chưa có gì nhiều. Các quan chức Mỹ và Iran đánh giá thỏa thuận này có thể chính thức được ký kết từ giữa đến cuối tháng 9-2023.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trấn an dư luận rằng khoản tiền nêu trên sẽ được chuyển vào các tài khoản bị hạn chế và Iran chỉ có thể tiếp cận tiền để mua hàng hóa nhân đạo như thực phẩm và thuốc men.
Song phía Iran lại nói ngược lại. Hôm 11-8, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: "Iran sẽ xác định cách sử dụng tài sản này và sẽ sử dụng tiền để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của Iran...".
Nội bộ Mỹ phản đối
Sau nhiều năm bị trừng phạt sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA, hay thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015) vào tháng 5-2018, kinh tế Iran đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Nếu thu hồi được tiền dầu từ Hàn Quốc dù chỉ được sử dụng trong điều kiện nghiêm ngặt, Iran vẫn có thể tận dụng để thúc đẩy kinh tế.
Vì lẽ đó, đã có nhiều ý kiến phản đối trong Quốc hội Mỹ. Họ đánh giá chuyển tiền cho Iran chẳng khác gì trả tiền chuộc cắt cổ và như vậy càng khuyến khích Iran tiếp tục bắt giữ công dân Mỹ.
Trong chuyên mục truyền hình Fox News Sunday sáng 13-8, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mike McCaul đã chế giễu thỏa thuận này là "ngây thơ".
Ông khẳng định rất muốn đưa các công dân Mỹ về nhà hơn bất kỳ ai, nhưng ông giải thích: "Chúng ta phải mở to mắt nhìn. 6 tỉ USD sẽ được chuyển đến Iran và hỗ trợ các hoạt động khủng bố trong chiến tranh ủy nhiệm cũng như tham vọng chế tạo bom hạt nhân của họ...".
Sau đó trong cùng một chương trình, nghị sĩ Adam Smith thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện lại bênh vực thỏa thuận trao đổi tù nhân Mỹ - Iran và lập luận khoản tiền dầu hàng tỉ USD đó sẽ do Qatar kiểm soát.
Bà Barbara Slavin thuộc nhóm chuyên gia cố vấn tại Trung tâm Stimson (Mỹ) nhận định thỏa thuận sơ bộ "đổi tù nhân lấy tiền dầu" cho thấy ít ra Iran đã phần nào sẵn sàng giảm căng thẳng với Mỹ. Song bà nhận xét thỏa thuận "về cơ bản không làm thay đổi bản chất mối quan hệ của Iran với Mỹ hoặc cộng đồng quốc tế".
Ngoại trưởng Blinken cũng phủ nhận thỏa thuận này đồng nghĩa với giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với Iran. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi mọi biện pháp trừng phạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết đẩy lùi các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực và hơn thế nữa...".
Doanh nhân ngành dầu mỏ Siamak Namazi (51 tuổi) bị bắt năm 2015 khi về thăm gia đình ở Tehran. Năm sau, ông Baquer Namazi - cha Siamak, từng là quan chức UNICEF - đến Iran thăm con và bị bắt luôn. Hai cha con bị kết án 10 năm tù vì tội làm gián điệp cho Mỹ. Ông Baquer bị quản thúc tại gia năm 2018, sau đó đến năm 2022 mới có thể rời Iran đi điều trị.
Doanh nhân Emad Sharghi (58 tuổi) bị bắt ở Iran năm 2018 trong lúc làm việc cho Công ty đầu tư công nghệ Saravan Holding. Ông được tại ngoại sau 8 tháng tù và bị cấm xuất cảnh. Đến năm 2020, ông bị kết án 10 năm tù vì tội làm gián điệp. Morad Tahbaz (67 tuổi) là nhà bảo vệ môi trường bị bắt năm 2018. Ông bị kết án 10 năm tù vì tội làm gián điệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận