28/06/2022 15:30 GMT+7

Chương trình tư vấn: Trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch

T.D.V
T.D.V

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trầm cảm ở người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… sẽ có thể khiến bệnh trở nặng và gây nhiều hậu quả đáng tiếc.

Chương trình tư vấn: Trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch - Ảnh 1.

Chương trình tư vấn: Trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch

Người bệnh đái tháo đường và tim mạch có nguy cơ cao bị trầm cảm

Trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% trường hợp tự tử. Tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm ngày một gia tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 850.000 tự tử vì trầm cảm. Số lượng người được chẩn đoán và điều trị trầm cảm kịp thời còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 25%.

Theo ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, trầm cảm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một nguyên nhân ít người quan tâm đó là từ các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường và tim mạch.

Một số nghiên cứu cho thấy, người mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch lên gấp 2 lần, khiến người bệnh thờ ơ với sức khỏe, không chủ động tuân thủ điều trị làm bệnh trở nặng.

Do đó, người bệnh cần được phát hiện sớm các bất thường về mặt tâm lý để được bác sĩ tư vấn điều trị sớm, tránh bệnh tiến triển nặng dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

Chương trình tư vấn: Trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch - Ảnh 2.

ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn tư vấn tâm lý cho người bệnh

Điều trị trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch

ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn cho biết, khác với người bệnh trầm cảm thông thường, để điều trị trầm cảm trên người bệnh đái tháo đường và tim mạch đòi hỏi người bệnh cần được đánh giá toàn diện về các vấn đề tâm lý, mối quan hệ giữa trầm cảm và các bệnh mạn tính đi kèm.

Bác sĩ tâm lý sẽ chỉ định phương pháp điều trị trầm cảm bằng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc (kiểm soát các căng thẳng, nguyên nhân gây ra trầm cảm). Trường hợp cần sử dụng thuốc chống trầm cảm, bác sĩ sẽ cân nhắc xem việc sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh đái tháo đường và tim mạch hay không, phối hợp với bác sĩ điều trị đái tháo đường, tim mạch trong việc xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh.

Riêng tại BV ĐHYD TP.HCM, thế mạnh trong phối hợp đa chuyên khoa giúp người bệnh được điều trị toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, Nội tiết luôn chú trọng phối hợp với các bác sĩ tâm lý trong tư vấn, hỗ trợ các vấn đề về tâm lý cho người bệnh, nhất là với những người bệnh vừa trải qua các bệnh nguy hiểm tính mạng như nhồi máu cơ tim.

Nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về tình trạng trầm cảm ở người mắc các bệnh lý mạn tính, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn "Hiểu đúng – Sống khỏe" với chủ đề: "Trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch", theo dõi tại: https://bit.ly/tramcamonguoidaithaoduongvatimmach 

Với sự tư vấn của ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn, chương trình cung cấp thông tin y khoa hữu ích về bệnh trầm cảm và các phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường và tim mạch.


T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên