03/11/2017 09:13 GMT+7

Chương trình phổ thông mới: lùi một năm vẫn lo không kịp

VIỄN SỰ - H.HG.
VIỄN SỰ - H.HG.

TTO - Mặc dù Chính phủ trình Quốc hội xin lùi lại một năm để áp dụng chương trình phổ thông mới, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo không kịp.

Chương trình phổ thông mới: lùi một năm vẫn lo không kịp - Ảnh 1.

Giáo viên Trường tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) hướng dẫn học trò tập viết - Ảnh: N.KHÁNH

Chiều 2-11, trong tuần làm việc thứ hai của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ đọc tờ trình "Về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới" theo nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Dù Chính phủ trình Quốc hội xin lùi lại một năm để áp dụng chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn lo không kịp.

Cam kết không phát sinh chi phí

Theo ông Nhạ: "Nếu triển khai áp dụng chương trình mới từ năm học 2018 - 2019 như kế hoạch sẽ khó yên tâm về chất lượng". Ông Nhạ cũng cho biết theo kế hoạch ban đầu, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng từ năm học 2018 - 2019 với các lớp 1, 6, 10 và tiếp theo với các khối lớp cho đến năm học 2022 - 2023. 

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những bất cập như điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông còn gặp nhiều khó khăn...

Từ các lý do này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu như sau: đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020; THCS từ năm học 2020 - 2021; THPT từ năm học 2021 - 2022 và hoàn tất việc áp dụng cho tất cả các khối lớp vào năm học 2023 - 2025. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết việc lùi thời hạn sẽ không làm phát sinh kinh phí thực hiện.

Không đem học sinh làm phép thử

Phát biểu của các đại biểu Quốc hội không những đồng ý với Chính phủ lùi lại một năm áp dụng chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, mà còn đề nghị lùi thêm hai, thậm chí ba năm nếu chưa hoàn thiện. 

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng lùi một năm là chưa kịp vì các công việc hiện nay đều đang trong tình trạng chậm tiến độ: từ xây dựng, thẩm định chương trình mới; công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; chuẩn bị cơ sở vật chất...

Bà Hương cũng dẫn ra cốt lõi của thành công trong việc áp dụng chương trình phổ thông mới là đội ngũ giáo viên chất lượng hiện lại rất thiếu. Chỉ riêng bậc tiểu học đang thiếu hơn 14.000 giáo viên, cơ cấu lại nơi thiếu chỗ thừa... 

"Thực sự các địa phương vẫn đang lúng túng về nguồn lực để thực hiện. Nếu không tính toán kỹ lưỡng thì e lặp lại hạn chế, bất cập, triển khai thiếu đồng bộ" - đại biểu Hương lo lắng.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng thống kê còn tới 30 đầu việc trong kế hoạch chưa được triển khai, đặc biệt là đào tạo giáo viên các môn học mới chưa có trong chương trình phổ thông hiện hành. 

"Bộ GD-ĐT xin lùi một năm cũng cần giải trình rõ và có cam kết sẽ đảm bảo được các yêu cầu mà nghị quyết Quốc hội đề ra" - đại biểu Dung nói. 

Đề xuất cụ thể, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng Quốc hội không nên quy định "cứng" là một năm mà cho phép thời gian linh hoạt, khi nào hoàn thiện được sách giáo khoa mới sẽ cho áp dụng.

Băn khoăn về kinh phí dành cho đề án, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị giải trình rõ trong ba năm vừa qua đề án sách giáo khoa mới đã thực hiện được bao nhiêu sản phẩm, chi bao nhiêu tiền.

"Khi đã kéo dài thời gian, chắc chắn kéo theo chi phí, Bộ GD-ĐT phải làm rõ hơn" - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Ông NGUYỄN VĂN NGAI (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Bộ GD-ĐT đã tiếp thu góp ý của nhà giáo

Tôi đồng tình với việc lùi thời gian thực hiện chương trình phổ thông mới. Điều này cho thấy Bộ GD-ĐT có tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà giáo.

Trong thời gian này, chúng ta hãy chuẩn bị thật tốt những điều kiện cần và đủ để thực hiện chương trình mới tốt nhất có thể. Bộ GD-ĐT hãy chú trọng hơn đến công tác đào tạo giáo viên (bao gồm đào tạo lại và đào tạo mới), đừng thả lỏng khâu này như những lần cải cách trước.

Trước hết, giáo viên phải hiểu rõ tinh thần của cuộc đổi mới cũng như mục tiêu mà cuộc đổi mới nhắm tới. Công tác tư tưởng đặc biệt quan trọng vì khi giáo viên - những người trực tiếp chuyển tải chương trình mới đến với học sinh - hiểu và đồng tình với chủ trương đổi mới thì họ mới sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian của mình.

Sách giáo khoa mới tiếp cận theo hướng mở

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định điều này khi giải trình với đại biểu Quốc hội vào cuối buổi thảo luận. Ông Nhạ cho biết với sách giáo khoa mới, từ học sinh ở miền núi đến thành thị đều học được, dạy một buổi hay hai buổi đều được với hướng dẫn kèm theo.

"Đồng thời, sách giáo khoa mới tiếp cận theo hướng mở, giáo viên được quyền chủ động truyền đạt kiến thức, chứ không phải sách giáo khoa bất di bất dịch" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

VIỄN SỰ - H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên