Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Hoang Thèn (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, Lai Châu) vào năm học mới 2017-2018. Nhiều em chưa được cha mẹ mua sách vở nên chỉ đến lớp nghe cô giáo dạy chào hỏi - Ảnh: NGUYỄN THỊ QUỲNH |
Đó là ý kiến của một tiến sĩ giáo dục và một giáo viên về việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT đề xướng. Xin giới thiệu đến bạn đọc:
Bộ GD-ĐT dự định trong năm học 2017-2018 các trường tích cực chuẩn bị, để đến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới do bộ ban hành. Những người am hiểu khoa học giáo dục đều nhận thấy đó là một lộ trình nóng vội, không khả thi, vì những lý do sau:
1. Trong văn bản về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do bộ mới ban hành, vẫn tồn tại nhiều sai sót và bất cập. Thiếu triết lý giáo dục; các yếu tố cơ bản về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá của chương trình được trình bày không xác đáng; nhiều thuật ngữ khoa học bị hiểu sai, đến mức nhầm lẫn cả môn học chính khóa với hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ học sinh...
Dựa vào đó, việc biên soạn chương trình chi tiết của các môn học cho các cấp học cụ thể dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi những sai sót, bất cập và bất hợp lý.
Nếu vội vàng áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới của bộ (bao gồm chương trình tổng thể và chương trình chi tiết của các bộ môn), sứ mệnh đổi mới giáo dục phổ thông sẽ không đạt được, mà ngược lại sẽ gây thêm nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền giáo dục hiện hành.
Thêm nữa, trong khi mô hình VNEN cho bậc tiểu học bị áp dụng sai, làm phát sinh những hậu quả tai hại vẫn chưa được sửa chữa thỏa đáng, thì nay lại phải nhận thêm chương trình giáo dục phổ thông mới này của bộ, nhà trường tiểu học sẽ không có cách nào để thực hiện tốt sự chỉ đạo của bộ.
2. Chương trình giáo dục phổ thông mới của bộ là một bộ phận của công cuộc đổi mới giáo dục “căn bản và toàn diện” đang được triển khai.
Theo đó, việc đổi mới chương trình học phải được tiến hành đồng bộ với các lĩnh vực khác, như đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, tái cấu trúc hệ thống giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất mới cho nhà trường...
Trong khi các lĩnh vực khác chưa được đổi mới thì nhà trường chưa có đủ điều kiện để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới của bộ, cho dù đó là một chương trình tốt chăng nữa.
Việc đổi mới phải khởi đầu bằng việc chuyển giao các môn khoa học giáo dục hiện đại cho giáo viên đứng lớp và các cấp quản lý giáo dục ở cơ sở nhà trường. Từ đó, chương trình giáo dục mới sẽ hình thành theo chuẩn mực quốc tế để giáo viên thực hiện bằng các phương pháp dạy học và đánh giá tiên tiến.
Đó là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng sẽ mang lại kết quả vững chắc. Do vậy, ta không nên nóng vội áp dụng chương trình mới của bộ trong lúc này.
3. Từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, nước ta đã trải qua ít nhất ba cuộc cải cách, đổi mới giáo dục lớn: cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba, cuộc đổi mới giáo dục cuối thế kỷ XX, cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đầu thế kỷ XXI.
Tất cả các cuộc ấy đều chưa thực sự thành công, do cùng nguyên nhân: tiến hành đổi mới bằng cơ chế quản lý quan liêu - bao cấp, không theo đường lối của khoa học giáo dục.
Nay, nếu vội vã cho áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới của bộ, công cuộc đổi mới giáo dục lần này sẽ theo vết xe đổ của ba cuộc trước.
Thầy Trần Trung Hiếu (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An): Mọi sự nóng vội có thể trả giá Là người trực tiếp đứng lớp, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên lùi việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông để có thêm thời gian nghiên cứu, đón nhận các góp ý, phản biện thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng từ phía dư luận xã hội. Mọi sự nóng vội có thể trả giá. Tôi cho rằng học sinh, giáo viên không muốn Bộ GD-ĐT liên tiếp lấy họ để thí điểm cho các chương trình, dự án. Phát triển nhưng cần có sự ổn định, đừng tạo nên sự xáo trộn ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, tinh thần người dạy và người học; và hệ lụy chính là khủng hoảng niềm tin vào sự đổi mới giáo dục. (DOÃN HÒA ghi) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận