15/12/2015 07:20 GMT+7

Chương trình Mekong 1.000: Đồng Tháp mát tay trong sử dụng nhân tài

 MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)
MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)

TT - Đồng Tháp được xem là địa phương khá thành công trong việc sử dụng nhân tài một cách hiệu quả.

Các du học sinh trong buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với lãnh đạo Đồng Tháp - Ảnh: M.Trường
Các du học sinh trong buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với lãnh đạo Đồng Tháp - Ảnh: M.Trường

Ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho biết xuất phát từ “Chương trình Mekong 1.000” nhằm đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ở nước ngoài theo chủ trương của Chính phủ, Đồng Tháp đã đưa 50 người được chọn đi đào tạo, và hiện phần lớn họ đã về nước.

Đáng chú ý, trong đó có 43 người đã vào làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đang phát huy rất tốt. Còn lại 7 người học chưa xong.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ: trước lúc đi học, một lãnh đạo tỉnh đã nói rằng chúng tôi đi nước ngoài bằng cách cưỡi trên 200 con trâu của người dân ĐBSCL. Do đó, khi ra nước ngoài chúng tôi luôn tâm niệm phải làm sao để xứng đáng với “số trâu” mình đã dùng!

Ông NGUYỄN THANH HÙNG (phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp)

Phát triển đúng chuyên môn

“Trước khi chọn người ra nước ngoài học, tỉnh tuyển chọn rất kỹ và có nhiều kênh thăm dò. Ngoài những tiêu chuẩn “cứng” như bằng cấp, sức khỏe, ngoại ngữ... tỉnh còn xét tới tố chất và sự khát khao cống hiến của anh em. Do đó khi đưa anh em ra nước ngoài học, tỉnh cũng có sự tin tưởng và yên tâm phần nào” - ông Hoan chia sẻ kinh nghiệm.

Ban đầu, khi một vài người đào tạo ở nước ngoài về, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng khá lo lắng trong việc bố trí công việc. Nguyên nhân, theo ông Lê Minh Hoan, là do những người được đào tạo ở nước ngoài thường có sự so sánh xứ ta - xứ người, nên có thể khi về không phát huy được kiến thức đã được tiếp thu ở nước ngoài và dễ chán nản. Từ đó sẽ dễ trở thành “ông viên chức” bình thường.

Do vậy theo ông Hoan, ngay từ đầu quan điểm của tỉnh Đồng Tháp là phải chuẩn bị môi trường làm việc tốt nhất trước khi mời những người du học về. “Nhờ vậy, khi anh em về, tỉnh đã bố trí đúng chuyên ngành, đồng thời phát huy được chất xám, kiến thức mà họ đã học hỏi ở nước ngoài” - ông Hoan nói.

Không chỉ chăm chăm đưa những người được đào tạo tại nước ngoài vào các sở ngành, tỉnh Đồng Tháp còn chia sẻ nguồn nhân lực này cho một số doanh nghiệp trong tỉnh khi hai bên cùng tìm được tiếng nói chung trong công việc. Thậm chí có những cán bộ đã làm việc trong cơ quan nhà nước sau khi đi học ở nước ngoài về, tỉnh cũng tạo điều kiện để mọi người liên kết, làm thêm với doanh nghiệp bên ngoài.

Theo ông Hoan, ngoài việc để anh em phát huy chuyên môn, tỉnh cũng đã tạo một không gian tự do, quy tụ những người học tập ở nước ngoài lại thông qua một câu lạc bộ để cùng bàn bạc mọi vấn đề của tỉnh. “Qua đó, tỉnh cũng có thêm kênh thông tin. Thậm chí đây là kênh thông tin tốt, vì mọi anh em có thể tự do phát biểu và phát huy được nhiều hơn năng lực của mình. Từ đó tạo tâm lý thoải mái cho anh em du học sinh trong môi trường làm việc” - ông Hoan nói.

Đừng “giam lỏng chất xám”

Hiện 43 người sau khi đào tạo ở nước ngoài đã được phân công, giữ chức vụ cao ở các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp dù tuổi còn rất trẻ. Trong số đó phải kể đến như ông Nguyễn Phước Thiện (du học Thái Lan) - hiện là phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, ông Trương Nhật Triết (du học Mỹ) - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, ông Đoàn Thanh Bình (du học Úc) - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông...

Mở đầu buổi nói chuyện với PV báo Tuổi Trẻ, ông Đoàn Thanh Bình - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Đồng Tháp kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ du học sinh Đồng Tháp - cho rằng: không nên gọi những anh em được đào tạo ở nước ngoài về là nhân tài. Họ thực chất là những người may mắn được chọn đi học, còn nhân tài hay không phải thể hiện qua việc cống hiến sau khi được đào tạo về.

“Nếu dùng tạm chữ “nhân tài” để chỉ những người được đào tạo ở nước ngoài thì về phía cơ quan quản lý nên tiếp cận họ theo một hướng mới là phối hợp, hợp tác và hỗ trợ nhân tài. Vì nếu anh sở hữu nhân tài, kéo nhân tài về cơ quan của mình nhưng sử dụng không được thì không có tác dụng gì cả, không khác nào giam lỏng chất xám” - ông Bình nói.

Ông Bình cho biết Câu lạc bộ du học sinh Đồng Tháp ra đời đã góp phần rất lớn trong việc liên kết anh em du học sinh lại với nhau. Từ đó, người đi trước chia sẻ với người đi sau về kinh nghiệm học tập, cũng như chuẩn bị tâm lý trước khi được nhận vào cơ quan nhà nước làm việc để không bị bỡ ngỡ.

Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Thanh Hùng (du học Anh) - phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp - cho biết lý do ông quay về tỉnh làm việc không phải vì lương.

"Cũng như nhiều anh em khác, dù biết chế độ đãi ngộ ở địa phương rất bình thường và thấp hơn rất nhiều so với ngoài, nhưng phần lớn anh em đều có khát khao cống hiến cho quê hương. Chúng tôi cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện phát triển đúng chuyên môn, nên hầu hết đều quay về địa phương làm việc” - ông Hùng chia sẻ.

Ông còn đúc kết thêm: có ba nguyên nhân chính khiến phần lớn những người ở Đồng Tháp được đưa đi đào tạo, và cả những người tự túc bỏ kinh phí đi học, đều chọn con đường quay về nước phục vụ đó là: sự liên kết với nhau ngay từ khi còn học ở nước ngoài; chính quyền địa phương sử dụng người đúng chuyên môn; được tạo mọi điều kiện để mọi người tự do phát huy hết khả năng, trí lực của mình đóng góp xây dựng quê hương.

Còn ông Nguyễn Phước Thiện, phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết cái vui nhất của anh em du học sinh khi quay về làm việc cho cơ quan nhà nước là được đóng góp ý kiến một cách thoải mái.

“Khi tỉnh hoặc anh em du học sinh nào có vấn đề gì khúc mắc cần bàn bạc, đưa lên diễn đàn thì tất cả mọi người vào đóng góp ý kiến, đưa ra hướng lựa chọn hay nhất. Cái được nhất và cảm thấy vui nhất ở đây là những kiến thức của từng cá nhân đã được góp vào cho một vấn đề chung, nên cảm thấy rất sướng” - ông Thiện chia sẻ.

Nhóm giúp việc cho UBND tỉnh

Nhóm này gồm 12 người được đào tạo từ nước ngoài, do ông Nguyễn Phước Thiện khởi xướng, đã đề xuất thay đổi chuỗi giá trị ngành xoài của tỉnh khi đề xuất chuyển chuỗi giá trị theo kiểu liên kết 4 nhà truyền thống sang chuỗi liên kết theo hướng dùng doanh nghiệp làm chủ đạo. Nhà nước (chính quyền) sẽ đóng vai trò tìm doanh nghiệp, tác động với người dân, tạo mối quan hệ trực tiếp giữa bên bán với bên mua để hai bên có cùng tiếng nói chung.

Theo ông Lê Minh Hoan, vấn đề đáng lưu ý nhất mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiếp thu và đang chỉ đạo ráo riết xuất phát từ ý tưởng phản biện của những người đã được gửi đi đào tạo từ nước ngoài về là “Đề án quy hoạch, phát triển TP Cao Lãnh và TP Sa Đéc”. Những phản biện của anh em không những nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà còn được phía đối tác đến từ Pháp đánh giá cao. Từ đó, UBND tỉnh đã mạnh dạn giao cho nhóm làm việc, góp ý, phản biện trực tiếp với nhóm tư vấn.

Lực lượng kế thừa

Đánh giá về hiệu quả làm việc của các du học sinh đang công tác tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngoài chuyên ngành giỏi ra họ còn giỏi ngoại ngữ nên việc trao đổi tin tức, thư từ với các đối tác nước ngoài rất thuận tiện. Hiện lực lượng này là cầu nối quan trọng của tỉnh với các đối tác nước ngoài.

UBND tỉnh tin tưởng đội ngũ cán bộ này sẽ là lực lượng kế thừa, là cánh tay nối dài đủ sức đảm đương các nhiệm vụ về chuyên môn, quản lý sau này cho tỉnh Đồng Tháp. Trong UBND tỉnh, hiện có cán bộ sau khi học nước ngoài về đang làm công tác chuyên môn. Những cán bộ này đã có rất nhiều ý kiến đóng góp phản biện có giá trị, cũng như tham mưu sát sườn với tỉnh về những đề án, dự án quan trọng của tỉnh để UBND tỉnh xem xét, lựa chọn và quyết định.

MẬU TRƯỜNG - THANH TÚ (mautruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên