28/12/2018 09:43 GMT+7

Chương trình giáo dục mới: Vừa thực hiện vừa khắc phục khó khăn

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Trong buổi họp báo công bố chương trình môn học mới chiều 27-12, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ đảm bảo đủ điều kiện cho năm đầu tiên thực hiện với lớp 1.

Chương trình giáo dục mới: Vừa thực hiện vừa khắc phục khó khăn - Ảnh 1.

Giáo viên vẫn là một trong những khó khăn của chương trình phổ thông mới. Trong ảnh: một giáo viên hợp đồng ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk trong giờ dạy học - Ảnh: TRUNG TÂN

Tuy nhiên, bộ cũng chia sẻ về những khó khăn sẽ tiếp tục khắc phục.

Giáo viên: lo nhất về chất lượng

Sự chuẩn bị cho lực lượng giáo viên thực hiện chương trình mới đang khiến bộ lo nhất ở khâu nào? Số lượng hay chất lượng giáo viên và giáo viên các môn học truyền thống hay các môn học tích hợp mới? 

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD-ĐT - cho rằng nếu so sánh mối lo về chất lượng hay số lượng giáo viên thì "cả hai đều phải băn khoăn" nhưng "lo nhất về chất lượng".

"Đội ngũ giáo viên rất lớn lại có thói quen từ trước nên việc thay đổi là cả một vấn đề. Lo về chất lượng đội ngũ nên bộ cũng đã có những chuẩn bị cho việc này" - ông Minh chia sẻ. 

Theo đó, để thực hiện chương trình mới, ngoài bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình, bộ đã chủ động rà soát, xây dựng lại chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, gắn với chương trình phổ thông mới. 

Cùng với đó, xây dựng lại chương trình bồi dưỡng thường xuyên gắn với chuẩn để nâng cao năng lực từng cá nhân trong đội ngũ.

Tuy nhiên, bộ cũng đã có phương án tính toán căn cơ chế độ làm việc của giáo viên. Cách đây một năm, Bộ GD-ĐT đã giao cho Trường ĐH Kinh tế quốc dân rà soát, tính toán lại định mức của giáo viên để có những điều chỉnh cho phù hợp với công việc các thầy cô khi thực hiện chương trình mới.

Bộ GD-ĐT cũng tính đến việc chú ý hơn bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên cốt cán trong các đợt tập huấn giáo viên trực tiếp.

Nơi khó khăn: sẽ có hướng dẫn cụ thể!

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) thì Bộ  sẽ ban hành các hướng dẫn triển khai chương trình mới. Trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng chương trình đối với các lớp học có sĩ số đông, những nơi khó khăn, đặc thù, hướng dẫn dạy học tích hợp, hướng dẫn tổ chức dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp…

Tuy nhiên, trả lời chung cho những băn khoăn tại cuộc họp báo về việc tổ chức dạy học như thế nào trong các điều kiện khác nhau, ông Chuẩn nhấn mạnh đến việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục trong mỗi nhà trường mà theo đó "vai trò hiệu trưởng rất quan trọng".

"Chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế mở nên việc tổ chức dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục như thế nào do các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch để phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của mỗi địa phương" - ông Vũ Đình Chuẩn cho biết.

 Ông Chuẩn cũng cho rằng có nhiều điểm mới của chương trình đang khiến nhiều người lo lắng nhưng thực chất đều đã được thực hiện ở một số nhà trường thu nhận thành quả tốt. Ví dụ như việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Trong đó các nhà trường, các tổ bộ môn đã thiết kế các môđun dự án dạy học có sự liên kết của nhiều môn học.

Đi cùng với đó là việc áp dụng các phương pháp dạy học đa dạng, cách tổ chức dạy học đa dạng (học gắn với di sản, gắn với sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn qua các dự án học tập…) và cách đổi mới kiểm tra, đánh giá không chỉ bằng những bài kiểm tra mà qua hoạt động từ dự án nghiên cứu, dự án học tập… 

Những thành quả này, Bộ GD-ĐT đang tìm cách tạo nên sự lan tỏa rộng hơn để tạo niềm tin, truyền kinh nghiệm cho các thầy cô giáo trên cả nước.

Chương trình giáo dục mới: Vừa thực hiện vừa khắc phục khó khăn - Ảnh 3.

Bậc tiểu học được đánh giá là khó khăn hơn các bậc khác khi thực hiện chương trình phổ thông mới. Trong ảnh: một lớp học của học sinh tiểu học ở Kiên Giang - Ảnh: THÙY TRANG

"Tiểu học khó khăn hơn một chút"

Ông Phạm Hùng Anh - cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT - cho biết nhìn vào cấp THCS và THPT tương đối yên tâm, riêng ở bậc tiểu học có khó khăn hơn một chút. "Bộ đã xác định từ năm 2014 tập trung nâng cao điều kiện cơ sở vật chất của trường, trong đó hỗ trợ nâng cao chương trình kiên cố hóa trường, lớp học.

Ví dụ, tại đợt đánh giá thực trạng 2014, tỉ lệ kiên cố hóa cả nước hơn 70% thì nay hơn 80%; chính Tây Bắc có tỉ lệ phòng học đạt tỉ lệ cao nhất cả nước, còn khó khăn lại là ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ". Nhưng ông Hùng Anh cũng khẳng định năm 2020-2021 thực hiện chương trình mới thì ở lớp 1 phòng học để học 2 buổi/ngày. Chỉ thiếu ở các lớp trên nhưng sẽ bổ sung, chuẩn bị dần vào các năm tiếp theo.

Chính thức công bố lộ trình bắt đầu thực hiện chương trình mới từ năm học 2020-2021 cho thấy Bộ GD-ĐT rất thận trọng. Tuy nhiên đây cũng là hạn cuối cùng theo nghị quyết của Quốc hội. Việc thực hiện chương trình mới có thể chưa bộc lộ những hay - dở ngay, mà phải chờ khi đi vào triển khai, thậm chí một vài năm sau đó. Trách nhiệm của ban phát triển chương trình phổ thông mới ra sao đối với thực hiện chương trình trong tương lai?

* GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình phổ thông mới):

Ban soạn thảo đã làm hết trách nhiệm của mình, đã hết sức cố gắng. Chương trình đã được quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của nghị quyết, của bộ, kế thừa chương trình hiện hành, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thế giới, tính toán những điều kiện phù hợp với Việt Nam.

Chúng tôi đầy tự tin khẳng định đây là chương trình áp dụng được lâu dài. Trên thực tế, khi chương trình đã vận hành, để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, phù hợp với sự phát triển của khoa học, cũng có thể có những chi tiết cần thay đổi, nhưng đó chỉ là thay đổi chi tiết.

* Ông Nguyễn Xuân Thành (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học):

Các lớp tập huấn trên mạng sẽ mở với tất cả giáo viên cả nước. Và đồng thời có công cụ kiểm tra có bao nhiêu giáo viên ở các trường tham gia. Giáo viên sau tập huấn sẽ hoàn thành các bài kiểm tra trắc nghiệm và được chấm điểm công khai. Ngoài ra giáo viên có thể trao đổi với chuyên gia.

* Thạc sĩ Phạm Phương Bình (phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức, TP.HCM):

Phù hợp với xu hướng giáo dục

Xét về tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông mới khá phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay của các nước, đáp ứng yêu cầu giảm tải cho học sinh, tăng được tính thực tế và giảm lý thuyết.

Cấu trúc chương trình cũng khá phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu phát triển kỹ năng của học sinh. Tuy nhiên, tôi vẫn còn một số vấn đề băn khoăn: Thứ nhất, Bộ GD-ĐT chưa công bố được chi tiết chương trình khung và nội dung kiến thức cơ bản các môn học (cái này quan trọng vì hiện nay hầu hết các đơn vị đợi Bộ GD-ĐT công bố để bắt tay vào viết sách giáo khoa); hướng dẫn chi tiết chương trình khung gồm tính liên thông giữa các cấp học và việc chọn môn học ở cấp THPT (vì phần lớn HS chọn môn học phù hợp với thi cử, nhất là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH).

Do đó, việc chọn môn học sẽ phải giải quyết 3 vấn đề phát sinh: học sinh có được tự do chọn môn học và giáo viên dạy môn đó không, việc giải quyết số giáo viên không được chọn hoặc môn học không được chọn như thế nào; liệu có tình trạng nhà trường ép học sinh chọn theo hướng nhà trường muốn hay không. Vấn đề cuối cùng là tính tự chủ của nhà trường như thế nào trong việc thực hiện chương trình mới...

HOÀNG HƯƠNG ghi

Toàn cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới Toàn cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Chiều 27-12, Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên