Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sách của những người lính trí thức nên những thông tin, tư liệu cũng như xúc cảm mà cuốn sách mang lại thật sự vượt qua chuẩn mực của những cuốn tư liệu - hồi ức thông thường đã được xuất bản. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với cựu phi công Nguyễn Sỹ Hưng - người chủ biên cuốn sách.
* Thưa ông, Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965-1975 - nhìn từ hai phía không giống cách viết sử thông thường, cũng không giống một cuốn hồi ký. Vì sao ông và đồng đội lại chọn hình thức này?
- Chúng tôi chọn cách làm này vì muốn kể lại và nhìn nhận lại cuộc chiến đấu trên bầu trời VN thời chiến tranh (1965-1975) thật sự khách quan và thuyết phục. Muốn khách quan thì không thể chỉ thông tin từ một phía, không thể thuần túy ca ngợi một phía. Muốn thuyết phục thì phải chân thực, chính xác, phải cho người đọc thấy không quân VN không chiến đấu với những kẻ kém cỏi, khờ khạo, mà với một lực lượng không quân hùng mạnh vào loại nhất thế giới. Chúng tôi có đủ thông tin từ phương án tác chiến của Bộ tư lệnh Phòng không - không quân đến nhật ký trực ban của từng đại đội, nhật ký của từng phi công. Về phía đối phương, chúng tôi có tài liệu tình báo, có lời khai tù binh, có báo chí Mỹ, có hồi ký của các tướng tá, phi công Mỹ sau chiến tranh... Tất cả đều được so sánh và đối chiếu để thấy sự tương đồng và khác biệt trong từng trận không chiến, cho đến thắng lợi toàn cục của không quân Việt Nam. Có thể nói về cơ bản, tính khách quan của một cuốn sách mang tính lịch sử đã được đảm bảo tối đa.
* Ngoài hình thức và những đánh giá từ phía bên kia, còn có gì thuộc về “bí mật quân sự” hay “bí mật chiến tranh” lần đầu tiên được công bố, thưa ông?
- Nhiều chứ. Đây là lần đầu tiên tất cả các cuộc chiến đấu của không quân VN với không quân Mỹ được công bố chính thức, từ thời gian, không phận, phương thức tác chiến, tên tuổi phi công, hoa tiêu, chỉ huy, chiến công, tổn thất, tên tuổi đối phương... đều được đưa chính xác tuyệt đối đến từng phút, từng phát tên lửa bắn ra. Đây là một hình thức khác để tri ân các anh hùng liệt sĩ phi công đã chiến đấu và hi sinh. Phi công có nhiều người nổi tiếng nhưng cũng có những liệt sĩ như Nguyễn Văn Lai - bắn rơi máy bay Mỹ và hi sinh trong trận không chiến ngày 20-6-1965, suốt gần 40 năm gia đình không được biết anh đã chiến đấu và hi sinh như thế nào. Khi cuốn sách ra đời, em gái của liệt sĩ Lai đã từ Đức gọi về khóc với chúng tôi: “Gia đình rất tự hào về anh Lai”. Có rất nhiều tên tuổi như vậy trong cuốn sách.
* Còn thông điệp gì nữa mà ông và các đồng đội của mình muốn gửi đến bạn đọc khi kiên trì bỏ ra hàng mấy năm trời để tìm kiếm tư liệu, tự bỏ tiền in ấn cuốn sách đồ sộ này?
- Như tôi đã nói, mục tiêu trên hết là để tưởng nhớ các đồng đội của chúng tôi. Chúng tôi đã, đang và sẽ mang sách đến tặng thân nhân tất cả liệt sĩ có tên trong cuốn sách, tặng các đồng đội đã nghỉ hưu. Và một điều nữa tôi muốn gửi đến bạn đọc, nhất là các bạn trẻ: có một thời cha ông họ đã sống như thế. Chúng tôi - những thanh niên trẻ, khỏe mạnh - ôm hoài bão lớn lao là được cống hiến cái gì đó cho Tổ quốc, có những người là con phó thủ tướng như Hoàng Tam Hùng ra trận lần đầu, bắn rơi hai máy bay và hi sinh ngay trên bầu trời quê hương; có những người như Vũ Xuân Thiều quyết tâm lao máy bay mình vào B52... Chúng tôi đã sống một tuổi xuân xứng đáng với Tổ quốc mình.
Phóng to |
Sách do NXB Quân Ðội Nhân Dân ấn hành - Ảnh: Võ Văn Thành |
Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965-1975 - nhìn từ hai phía do nhóm tác giả Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên - Nguyễn Văn Quang - Lữ Thông - Hà Quang Hưng - Từ Ðễ - Nguyễn Công Huy thực hiện. Tất cả họ - trừ Nguyễn Nam Liên - đều là phi công chiến đấu. Các tác giả thông thạo hai ngoại ngữ Anh - Nga nên chủ động trong tìm kiếm và xử lý tư liệu.
Chủ biên Nguyễn Sỹ Hưng vốn là phi công tiêm kích, sau này là tiến sĩ tâm lý học hàng không đầu tiên của VN, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines. Ông là con trai cả của tướng Ðồng Sỹ Nguyên - tư lệnh binh đoàn Trường Sơn lừng danh thời chống Mỹ. Ông cũng là dịch giả của các cuốn sách: Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Ðại nguyên soái Stalin, Condi - Chuyện Về Condoleezza Rice, Buôn bom, Aleksandr Ivanovich Kuprin - tập truyện ngắn... và là tác giả của cuốn Tâm lý học hàng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận