05/07/2012 05:07 GMT+7

Chung một ước mơ

LƯU TRANG - MINH TÀI
LƯU TRANG - MINH TÀI

TT - Chị Khanh, một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Hóc Môn, TP.HCM, dẫn chúng tôi đi tìm nhà của Lê Thị Thanh Thủy, người mà con trai chị từng thẫn thờ khi nhắc đến: “Nhà bạn nghèo lắm mẹ ơi, con không tưởng tượng được bạn lại lớn lên trong ngôi nhà như thế”.

1

ti7HbjWx.jpgPhóng to
Thủy tranh thủ giúp mẹ dọn hàng về nhà chiều 2-7 - Ảnh: L.Trang

“Ngôi nhà như thế” nằm phía ngoài bờ đê sông dọc cầu Bà Hồng, thuộc ấp 3, xã Nhị Bình, Hóc Môn. Đường vào nhà phải qua bờ đê đầy sình lầy. Căn nhà tạm bợ lợp mái tôn thủng lỗ chỗ, mảng tường gạch loang lổ. Chúng tôi đến đúng bữa cơm chiều nhưng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, mẹ Thủy, cười trừ: “Lâu nay nhà này không ăn chiều. Chỉ ăn bữa trưa lúc 1g, coi như vừa là bữa trưa vừa là bữa chiều. Khuya học bài đói bụng thì Thủy lục cơm nguội ăn thêm. Hai mẹ con ăn một bữa riết cũng thành quen”.

Một ngày của hai mẹ con Thủy bắt đầu từ 2g sáng. Chị Hồng đi lấy rau củ ở chợ đầu mối rồi hai mẹ con dọn hàng ra chợ Nhị Bình ở gần nhà. Sự học của Thủy chỉ trông vào mấy ký dưa leo, khoai tây, rau, giá... mà mẹ mua chịu của người ta, bán được bao nhiêu thì trả lại tiền vốn, dư mấy chục ngàn thì dành dụm lo cho Thủy và anh trai đang học cao đẳng. Chị Hồng kể: “Từ ngày cha Thủy mất, nhà không còn đồng nào, cứ bán được ngày nào lo ăn ngày đó. Lên đến lớp 12, bạn bè đều đi học thêm nhưng nhà mình không có tiền. May có các thầy cô giáo ở trường thương cháu nên kêu qua nhà dạy thêm miễn phí”. Ngày ngày đến trường và về nhà phụ mẹ bán rau, cô bé này hầu như không biết đến những thú vui của bạn bè cùng trang lứa.

2

Trưa 2-7, ngôi nhà thí sinh Ngô Quốc Nhân, ấp 1, xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM nóng như đổ lửa. Căn nhà cấp bốn rộng chừng 17m2 ngăn thành hai gian bằng tấm gỗ cũ, nền ximăng xám xịt cùng các vật dụng trong nhà đơn sơ, không có dù chỉ một chiếc quạt máy. Bà Trương Thị Hường, 61 tuổi, mẹ Nhân, vừa đi bán vé số về nhà nghỉ trưa, cười nói: “Nhà không có quạt nên nóng vậy. Tới đây con đi thi nên gia đình không dám sắm sửa gì”.

Clip Nuôi ước mơ từ những nhọc nhằn do Phòng Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Ba Nhân bị mất sức, thỉnh thoảng chạy xe ôm cho người quen và bà con hàng xóm, kiếm được dăm ba chục nghìn đồng cũng vừa đủ đổ xăng. “Chạy xe mà mắt mờ, lâu lâu tay chân bị rút cơ co quắp lại, cũng chẳng dám chở xa vì lỡ xảy ra chuyện gì thì biết lấy gì đền. Bao nhiêu gánh nặng đều đặt lên vai mẹ nó nắng mưa đi bán vé số... Cũng buồn lắm nhưng không biết làm gì hơn” - ông Ngô Văn Ngâu, ba Nhân, tâm sự. Hằng ngày bà Hường đi bán vé số lo cho cả gia đình và hai con trai đều đang đi học. Bà nói: “Ngày nào tôi cũng van vái cầu xin để cháu nó đi thi được tốt, cả nhà chỉ trông mong vào con”. Dẫu vậy, bà tự hào kể: “Bạn bè, thầy cô giáo ở Trường THPT Đa Phước biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng giúp đỡ nhiều”.

3

Thật trùng hợp khi cả Nhân và Thủy đều đăng ký dự thi vào ngành bác sĩ thú y (khối A) ĐH Nông lâm TP.HCM và ngành bác sĩ đa khoa (khối B) Trường ĐH y Phạm Ngọc Thạch, dù Nhân vẫn chưa biết sẽ lấy đâu ra tiền để đóng học phí nếu đậu ĐH, dù mẹ con Thủy vẫn còn loay hoay với gánh rau và chỉ dám ăn mỗi ngày một bữa chính... Ước mơ trở thành bác sĩ, ăn học thành tài và giúp gia đình thoát cảnh nghèo khó là động lực lớn nhất để hai thí sinh nghèo này bước vào kỳ thi lớn trong đời. Và còn nhiều lắm những thí sinh đi từ nhọc nhằn nghèo khó nhưng luôn nung nấu ý chí vươn lên, nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi sự học. Họ như những cây xương rồng luôn vươn cao giữa nắng gió cuộc đời.

LƯU TRANG - MINH TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên