Lực bán mạnh xuất hiện đột ngột ngay từ đầu phiên giao dịch chứng khoán sáng nay (4-9). Các chỉ số chính liên tiếp bị điều chỉnh.
Kết phiên sáng, VN-Index mất gần 13 điểm, lùi về mốc 1.270 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía tiêu cực khi có tới 342 mã giảm giá, 60 mã tăng giá trên sàn HoSE.
Tính chung cả 3 sàn, có gần 500 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, hơn 900 mã đứng giá và chỉ hơn 160 mã duy trì được sắc xanh. Riêng nhóm VN30, có tới 25 cổ phiếu giảm giá, kéo lùi chỉ số xuống sâu hơn.
Trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index sáng nay, nhóm ngân hàng chiếm quá nửa với 6 cổ phiếu: VCB của Vietcombank (-1,2%), TCB của Techcombank (-1,7%), MBB của MBBank (-1,6%), HDB của HDBank (-2,5%), VPB của VPBank (-1,3%), ACB (-1,01%).
Ngoài ra, cổ phiếu "quốc dân": HPG của Hòa Phát (-1,1%), VIC của Vingroup (-1,3%), FPT (-2%) hay GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (-2,9%)… cũng đóng góp rất "đáng kể" vào việc kéo lùi chỉ số chung của thị trường.
Ngược lại, ở nhóm tăng giá tích cực có VHM của Vinhomes (+1,3%), GAS (+0,6%), BID của BIDV (+0,3%), VNM của Vinamilk (+0,41%), DGC của Hóa chất Đức Giang (+1,3%)…
Nhìn chung, nhóm tài chính ngân hàng bị bán mạnh với mức điều chỉnh lần lượt -1,5% và -1,2%. Nhóm bất động sản cũng "bốc hơi" hơn 0,5% sáng nay cùng với lĩnh vực tiêu dùng (-2,3%).
Ngược lại, một số nhóm như phần cứng, bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm, dược phẩm... vẫn giữ được "phong độ" với mức tăng lần lượt là +2,2%; +1,6% và +0,9%. Song những nhóm này chiếm tỉ trọng vốn hóa nhỏ, mức nâng đỡ thị trường có song không đáng kể.
Về xu hướng dòng tiền, phiên sáng nay ghi nhận mức bán ròng rất mạnh từ khối ngoại với giá trị ròng gần 600 tỉ đồng.
Nhiều kỳ vọng việc tỉ giá hạ nhiệt, Fed đưa thông điệp rõ ràng về việc hạ lãi suất đồng USD sẽ là yếu tố thúc đẩy khối ngoại mua ròng trở lại.
Tuy nhiên tính chung 8 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng gần 66.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù xu hướng "xả" cổ phiếu đã giảm bớt trong tháng 7 và 8, nhưng lực bán ra đến nay vẫn còn gây e ngại cho thị trường.
Chứng khoán giảm điểm, nhà đầu tư tìm lý do
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đi tìm lý do cho sự đi xuống của thị trường sáng nay.
Tuy nhiên nếu nhìn vào các vấn đề nội tại, không có những yếu tố đáng lo ngại. Chưa kể PMI của Việt Nam tháng 8-2024 đã được công bố, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể.
Một số chuyên gia cho rằng biến động của VN-Index đồng pha với thị trường quốc tế.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3-9, khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo và một vài số liệu kinh tế ảm đạm.
Đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 626,15 điểm, tương đương giảm 1,51%, còn 40.936,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,12%, còn 5.528,93 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,26%, còn 17.136,3 điểm.
Sáng nay, chỉ số chứng khoán tại các thị trường châu Á cũng giảm điểm tương tự diễn biến tại Wall Street. Như chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) có lúc mất 3,4%, Topix mất 2,9%, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) cũng "bốc hơi" 2,2%...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận