Phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp của VN Index, khiến thị trường mất tổng cộng 54 điểm - ẢNH: TRẤN KIÊN
Mở đầu phiên giao dịch sáng nay, không còn vài sắc xanh le lói như phiên hôm trước, VN Index lao dốc không phanh. Đáng nói là giữa phiên chiều, chỉ số này có lúc mất đến 45 điểm.
Về cuối phiên, nhờ lực mua bắt đáy nên VN Index hãm phanh được đà giảm, song vẫn mất 25,18 điểm toàn phiên. Như vậy, so với ngày hôm qua, vố hóa sàn HoSE bị bốc hơi gần 3,4 tỉ USD.
Phiên giao dịch ngày hôm qua, VN Index bốc hơi gần 5 tỉ USD khi suy giảm đến 29 điểm.
Như vậy, chỉ trong hai ngày, hôm qua và hôm nay, VN Index mất tổng cộng 54,35 điểm và toàn thị trường "cháy rụi" hơn 9,6 tỉ USD.
Kể từ quý I năm 2018, sau hai ngày 'đen tối' 5-2 và 6-2 làm bốc hơi hơn 14 tỉ USD của thị trường chứng khoán Việt Nam thì trong quý II, hai phiên giao dịch ngày 18-6 và 19-6 đã chứng kiến ngày đỏ sàn bốc hơi tỉ đô quay trở lại.
Phiên giao dịch hôm nay cũng chứng kiến hàng loạt cổ phiếu trụ cột như DowJones, FTSE MIB, HSI và Nikkei thuộc thị trường châu Âu, Mỹ và châu Á có phiên rớt điểm mạnh thứ ba liên tiếp kể từ sau đợt tăng lãi suất lần thứ hai của Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED (14-6).
Các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 lại có một phiên "đỏ bảng" đồng loạt, tính tới giữa phiên chiều, có đến 7 mã VN30 giảm sàn.
Mã VNM của Vinamilk giảm mạnh 6.400 đồng, còn 166.300 đồng/cổ phiếu, tương tự mã VJC của Hàng không VietJet mất 5.000 đồng, còn 160.000 đồng/cổ phiếu.
Mã VIC của Tập đoàn Vingroup đứng đầu nhóm các cổ phiếu có giá trị khối ngoại bán khớp lệnh cao nhất, lên đến gần 726 tỉ đồng, giá cổ phiếu VIC cũng giảm 400 đồng, còn 123.000 đồng/cổ phiếu.
Mã VHM của Vinhomes cũng giảm mạnh 1.500 đồng, còn 115.000 đồng/cổ phiếu sau nhiều phiên nỗ lực bức phá và giữ giá tham chiếu vào phút chót.
Cuối phiên khớp lệnh ATC, mã VCB của Ngân hàng Vietcombank bất ngờ bứt phá, trở thành mã duy nhất đứng giá ở mức 56.500 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, các mã cổ phiếu khác của ngành ngân hàng đồng loạt giảm sâu, kéo chỉ số ngành này suy giảm 1,15%.
Riêng mã mới "chào sàn" hồi đầu tháng 6 là TCB của Techcombank đã chứng kiến đợt giảm mạnh 5.000 đồng, kéo giá cổ phiếu TCB về dưới 100.000 đồng, đạt 95.000 đồng/cổ phiếu. Trước đợt khớp lệnh ATC, mã TCB giảm sàn suốt phiên chiều.
Theo số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), giá trị khớp lệnh của thị trường tháng 6 tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang ở mức thấp nhất so với diễn biến thị trường một năm trở lại đây, đạt khoảng 42.000 tỉ đồng.
Con số này tính tới thời điểm thông kê chỉ bằng khoảng 57% so với tổng giá trị khớp lệnh trong tháng 2, tháng có hai ngày "đen tối" làm thị trường "bay" mất trên 14 tỉ USD.
Hôm nay thanh khoản toàn thị trường đạt trên 8.000 tỉ đồng nhưng áp lức bán ra trong nước khá lớn, khối ngoại tăng cường giao dịch song chỉ bán ròng trên 120 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận