06/03/2021 08:06 GMT+7

Chứng khoán nghẽn, phải có nơi chịu trách nhiệm

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Hàng trăm ngàn người đã mua những lô đất 100m2, nay nhà quản lý nói chỉ những lô từ 1.000m2 mới được mua bán, thế là những lô đất ấy trở thành đầu thừa đuôi thẹo, chịu mất giá.

Chuyện này không xảy ra với đất đai mà là mượn hình ảnh để nói về vấn nạn nghẽn lệnh và gợi ý nâng lô giao dịch gấp 10 lần hiện nay trên thị trường chứng khoán của lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Khỏi nói, đề xuất này đã bị phản ứng gay gắt bởi tài sản của hàng trăm ngàn nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Thực chất của tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán là làm nghẽn kênh đầu tư của quốc gia, mà nhiều năm qua Chính phủ kỳ vọng phải trở thành kênh huy động vốn chính của nền kinh tế để ngân hàng tập trung vào cung ứng dịch vụ thanh toán. 

Ấy vậy mà cho đến nay, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán lại rất kiệm lời. Ngược lại, có những đề xuất thiếu cân nhắc kiểu "nhiều tiền mới được mua chứng khoán", cổ phiếu chẵn thành cổ phiếu lẻ... gây bức xúc cho nhà đầu tư.

Có thể nhà quản lý thị trường chứng khoán đang rối nên khó giải thích với dư luận. Nhưng khó thế nào vẫn phải có trách nhiệm giải trình. 

Nếu tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát, các biện pháp khắc phục không hiệu quả, phải sống chung với nghẽn lệnh đến khi có hệ thống giao dịch mới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải trình thấu đáo với nhà đầu tư, trước xã hội vì sao nên nỗi.

Thị trường chứng khoán đòi hỏi tính minh bạch, nhất cử nhất động phải công bố thông tin. Minh bạch luôn đi kèm trách nhiệm giải trình. Có giải trình mới biết đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm về tình trạng nghẽn lệnh. 

Có giải trình mới biết vì sao sàn TP.HCM - nơi tập trung các cổ phiếu tốt - chỉ có năng lực xử lý tối đa 900.000 lệnh/phiên, trong khi sàn Hà Nội - nơi niêm yết cổ phiếu của những công ty nhỏ - lại có khả năng xử lý 20-30 triệu lệnh/phiên? 

Liệu có đầu tư lệch dẫn đến lãng phí? Có giải trình mới trấn an nhà đầu tư trước các đề xuất dạng bất ngờ biến "cổ phiếu chẵn" thành "cổ phiếu lẻ", hạn chế những giải pháp kiểu "đẽo cày giữa đường" - tăng lô mua bán từ 100 lên 1.000 chứng khoán rồi sau này trở lại 100 - làm mất lòng tin vào thị trường.

Cần nhắc lại, một trong những yêu cầu của Chính phủ với các bộ ngành là phải xây dựng chính phủ kiến tạo. 

Kiến tạo, trong đó có mục tiêu: chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. 

Nếu căn cứ vào mục tiêu này, những đơn vị có trách nhiệm quản lý thị trường chứng khoán đã chưa làm tốt vai trò kiến tạo của mình, để rơi vào tình trạng bị động hiện chưa tìm được lối ra. 

Hệ quả là kênh huy động vốn của nền kinh tế bị tắc, ảnh hưởng đến tài sản và lòng tin của nhà đầu tư, Nhà nước mất thuế do nhà đầu tư không thể mua bán chứng khoán đúng với năng lực của thị trường... Những hệ lụy này phải có người chịu trách nhiệm.

Người cũ thăng chức mới, hệ thống giao dịch chứng khoán có sớm hết Người cũ thăng chức mới, hệ thống giao dịch chứng khoán có sớm hết 'tắc đường'?

TTO - Đầu tháng 3, cả Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đều công bố bổ nhiệm, thăng chức mới cho nhiều nhân sự cũ. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh nhà đầu tư chật vật vì hệ thống giao dịch 'tắc đường'.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên