Ông Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Ảnh: REUTERS
Các chỉ số chứng khoán lớn tiếp tục lao dốc bất chấp những nỗ lực trấn an nhà đầu tư của chính quyền ông Trump và cả tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ liên bang (FED) có thể sẽ cắt giảm lãi suất nếu cần.
Mặc dù kết thúc phiên giao dịch ngày 28-2, chỉ số Dow Jones chỉ giảm 350 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức giảm hơn 1.000 điểm trong ngày, song chung cuộc, một tuần qua, chỉ số này vẫn đã giảm hơn 3.500 điểm (13%).
Trong khi đó chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,8%, tổng cộng sau một tuần chỉ số này mất 11%. Để so sánh, vào đầu tháng 10-2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 18%.
Tâm lý bán tháo cổ phiếu của nhà đầu tư chủ yếu là vì họ lo lắng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 sẽ gây tổn hại cho lợi nhuận công ty và tăng trưởng kinh tế.
Nhà đầu tư cũng lo sợ dịch bệnh sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn.
Theo báo New York Times, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh cũng đã giảm hơn 3% và chỉ số Dax ở Đức giảm hơn 4%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 3,7%, chỉ số KOSPI ở Hàn Quốc giảm 3,3% và Shanghai Composite ở Trung Quốc giảm 3,7%.
Theo Hãng tin AFP, ngày 28-2, sau khi Phố Wall chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, ông Trump bày tỏ hi vọng Cục Dự trữ liên bang (FED) sớm có những động thái để ứng phó với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19.
"Tôi hi vọng họ sẽ sớm tham gia - ông Trump nói với báo giới - Tôi không phải người hâm mộ FED. Tôi nghĩ họ mắc rất nhiều sai sót".
Nhiều giờ trước đó chủ tịch FED, ông Jerome Powell, cho biết đã chuẩn bị có những động thái hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh.
"Cục Dự trữ liên bang vẫn đang theo dõi sát những diễn biến (dịch bệnh - PV) và ảnh hưởng của nó với viễn cảnh kinh tế. Chúng tôi sẽ sử dụng những công cụ và động thái phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế", Đài Foxnews dẫn phát biểu của ông Jerome Powell.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận