Chứng khoán liên tục giảm sâu - Ảnh: B.MAI
Sắc đỏ giảm điểm tiếp tục bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay 15-11. Chỉ sau vài tiếng giao dịch, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 33 điểm, lùi về mốc 908 điểm - thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ tháng 10-2020, sau đó tiếp tục dùng dằng.
Nhờ lượng tiền của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào mua ròng cổ phiếu đã góp phần giúp thị trường giảm bớt phần nào áp lực. Chỉ trong phiên sáng, khối ngoại đã mua ròng hơn 460 tỉ đồng.
Trong phiên, cổ phiếu ngành ngân hàng bị bán ra mạnh, trở thành một trong những nguyên nhân chính đẩy thị trường chứng khoán lao dốc, điển hình như các mã VCB (Vietcombank), BID (BIDV), VPB (VPBank), CTG (VietinBank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)...
Song song đó, sức ép rớt giá cũng đè lên các cổ phiếu có vốn hóa lớn khác như GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), NVL (Novaland)…
Dù không chiếm ưu thế, nhưng việc các mã VIC (Vingroup), LGC (Đầu tư cầu đường CII), VFG (Khử trùng Việt Nam)… vẫn được nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào mua cũng góp phần kìm hãm đà giảm của thị trường.
Chỉ số của toàn bộ ngành đều giảm điểm, trong đó giảm thấp nhất rơi vào ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (-1,7%). Riêng ba ngành giảm sâu nhất (từ -6% đến -7%) lần lượt gọi tên ngành hàng tiêu dùng, năng lượng và công nghệ thông tin. Các ngành còn lại giảm từ 2% đến dưới 6%.
Đa số cổ phiếu ngành bất động sản đều bị rớt giá trong phiên 15-11
"Sự tiêu cực của thị trường vẫn đang ở mức cao và tâm lý bi quan của nhà đầu tư chưa thể được cải thiện", Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định về thị trường chứng khoán.
Theo phía công ty chứng khoán này, với bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn.
"Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho thấy áp lực giảm giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn", đội ngũ phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, đồng thời cho biết "nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn rất bi quan".
Vì nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm, do đó Yuanta cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng của thị trường. Tỉ trọng cổ phiếu chỉ nên giữ ở mức thấp từ 20-25% toàn danh mục.
Chỉ số Dow Jones giảm sau khi FED đánh giá về tình hình tăng lãi suất
Phố Wall điều chỉnh trên ba chỉ số chính và tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn sau nhận định của các thành viên Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) về lãi suất có thể tăng chậm lại nhưng vẫn kéo dài, phụ thuộc vào lạm phát.
Đồng thời, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng Mỹ trong năm 2023 đã tăng lên 5,9% trong tháng 10, sau ba tháng giảm liên tiếp. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ kéo dài đà tăng phiên thứ ba liên tiếp sau khi ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình gặp nhau. Riêng chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của Mỹ đóng cửa phiên 14-11 với mức giảm 0,6%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận