08/06/2021 15:20 GMT+7

Chứng khoán giảm sốc, sàn 'tê liệt', nhà đầu tư chịu thiệt

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Giữa lúc thị trường chứng khoán giảm sốc, nhà đầu tư 'mù mịt' không biết chuyện gì đang xảy ra vì bảng giao dịch bị 'tê liệt', chỉ số VN-Index 'treo cứng'. Chốt phiên 8-6, VN-Index rớt 38,49 điểm, thanh khoản sàn HoSE đạt 30.296 tỉ đồng.

Chứng khoán giảm sốc, sàn tê liệt, nhà đầu tư chịu thiệt - Ảnh 1.

Hàng loạt cổ phiếu bị rớt giá mạnh, trong đó cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nhất - Ảnh: BÔNG MAI

Giới đầu tư chứng khoán đang phải "chơi cờ mù", liên tục trải qua tình huống không biết thị trường đang thực sự biến động tăng hay giảm ngay trong phiên giao dịch.

Cụ thể trong phiên sáng, VN-Index đứng yên hơn 2 tiếng tại mốc 1.364,48 điểm (+5,7 điểm). Sắp hết phiên sáng mà sàn HoSE chỉ báo thanh khoản xấp xỉ 3.915 tỉ đồng, thấp hơn khoảng 4-5 lần mức thực tế của sàn này trong những phiên gần đây.

Giữa lúc này, hàng loạt nhà đầu tư phải liên hệ các môi giới chứng khoán để hỏi thăm tình hình vì không biết nên đặt lệnh ra sao cho hợp lý.

Sau khoảng thời gian "đơ" toàn tập, đến gần cuối phiên sáng VN-Index mới chịu chạy lại và trả về kết quả giảm 11,15 điểm, rơi xuống mốc 1.347,64 điểm.

Bước sang phiên chiều, thị trường bắt đầu lao dốc mạnh hơn. Trong bối cảnh đó nhà đầu tư càng thêm chật vật khi không được phép hủy/sửa lệnh giao dịch.

"Chưa thấy thị trường nào hề như vậy, bán tháo mà còn bị che bảng điểm", nhà đầu tư T. cảm thán.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng bị bán ra dồn dập, trong đó có VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), BIDV (BID), MBBank (MBB), Vietcombank (VCB), Á Châu (ACB)...

Mới hôm qua cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) nhận được lực mua khá lớn, đứng trong top đầu giúp thị trường chống đỡ lực bán ra, thì hôm nay đã bị rớt giá mạnh.

Cổ phiếu của nhiều "ông lớn" thuộc nhóm thép, dầu khí cũng bị dòng tiền rút ra, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), PetroVietnam Gas (GAS), Petrolimex (PLX)...

Giữa lúc thị trường chao đảo, cổ phiếu của Vietjet (VJC), Vinamilk (VNM), Vietnam Airlines (HVN) Sabeco (SAB), Vinhomes (VHM), Đầu tư Cầu đường CII (LGC), Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN), Dược Hậu Giang (DHG)... vẫn nhận được dòng tiền mua vào khá tốt.

Xét theo lĩnh vực kinh doanh, nhóm bị giảm điểm mạnh rơi vào các cổ phiếu trong ngành tài chính, năng lượng, nguyên vật liệu, công nghệ thông tin, dịch vụ tiện ích, bất động sản, công nghiệp, hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe. Riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ được sắc xanh, tăng tưởng nhẹ.

Chốt phiên 8-6, VN-Index chính thức rớt 38,49 điểm (2,86%) xuống 1.319,88 điểm, thanh khoản hơn 30.296 tỉ đồng. Riêng rổ VN30 giảm -45,13 điểm (-3,04%) xuống 1.438,97 điểm.

Sắc đỏ cũng bao trùm sàn HNX và rổ HNX30 giảm lần lượt 12,25 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm và 25,75 điểm (-5,15%) xuống 474,09 điểm.

Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, bao gồm sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 38.000 tỉ đồng, tương đương 1,65 tỉ USD.

Hôm nay khối ngoại bán ròng hơn 290 tỉ đồng, trở thành phiên thứ 7 rút ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 5.590 tỉ đồng.

Thuế phí đóng đủ, HoSE lãi đậm, nhà đầu tư lại thiệt thòi

Theo báo cáo tài chính, năm 2020 Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đạt doanh thu thuần năm gần 993 tỉ đồng, tăng hơn 39% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, dịch vụ giao dịch chứng khoán đóng góp lớn nhất với hơn 873 tỉ đồng, tăng gần 45% và chiếm gần 88% tỉ trọng. Ngoài ra, đơn vị cũng ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ niêm yết, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối...

Với giá vốn thấp chỉ gần 69 tỉ đồng, lợi nhuận gộp của HoSE tăng hơn 44% lên 924 tỉ đồng. Đáng chú ý, biên lãi gộp của HoSE đạt mức 93%, đây là tỉ suất sinh lời đáng mơ ước và vượt trội so với hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Tổng kết năm 2020, HoSE ghi nhận lãi sau thuế xấp xỉ 553 tỉ đồng, tăng gần 46% so với năm trước.

Hiện nay, với mỗi giao dịch, nhà đầu tư phải trả cho HoSE khoản phí cố định ở mức 0,027%/tổng giá trị giao dịch. Dù tiền thu đều nhưng chất lượng hệ thống giao dịch sàn HoSE lại yếu kém so với nhu cầu thị trường.

Chứng khoán lao dốc sau chuỗi tăng nóng, nhà đầu tư bức xúc vì nghẽn lệnh Chứng khoán lao dốc sau chuỗi tăng nóng, nhà đầu tư bức xúc vì nghẽn lệnh

TTO - Sau chuỗi tăng nóng, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán bị chốt lời, bán tháo mạnh trong phiên 7-6. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 1,6 tỉ USD.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên