Chứng khoán vừa có phiên giao dịch bùng nổ, tiền chảy vào ào ạt - Ảnh: BÔNG MAI
Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó công lớn thuộc về cổ phiếu BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB), VPBank (VBP)…
Chưa kể, các "ông lớn" ngành tiêu dùng cũng hút tiền mạnh, cổ phiếu Masan (MSN), Sabeco (SAB)… đều tăng giá mạnh.
Ngoài ra, thị trường cũng được hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn khác kéo lên như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), MWG (Thế giới di động), HPG (Tập đoàn Hòa Phát)…
Đáng chú ý, riêng cổ phiếu Sabeco đã được khối ngoại mua tới hơn 6.318 tỉ đồng, gần bằng thanh khoản bình quân toàn sàn HOSE.
Tận dụng phiên tăng, khối ngoại kích hoạt bán ròng hàng loạt cổ phiếu, top bán ròng rơi vào cổ phiếu của Masan (MSN) hơn 202 tỉ đồng, Techcombank (TCB) 133 tỉ đồng, Vietinbank (CTG) 79,3 tỉ đồng...
Đóng cửa, VN-Index tăng bứt phá 10,32 điểm (+1,11%) lên 940,18 điểm. Đây cũng là số điểm cao nhất kể từ ngày 7-2-2020 đến nay. Thanh khoản sàn HOSE đạt trên 14.399 tỉ đồng, cao gấp đôi phiên hôm qua. Toàn sàn có 216 mã tăng giá, bao gồm 10 mã đụng trần.
Rổ VN30 phấn khởi hơn khi tăng 13,8 điểm (+1,57%) lên 892,15 điểm. Dòng tiền giao dịch đạt hơn 10.695 tỉ đồng. Toàn rổ có 22/30 thành viên tăng giá.
Sàn HNX và rổ HNX30 cũng tăng lần lượt 1,34 điểm (+0,98%) lên 137,49 điểm và 1,69 điểm (+0,67%) lên 256,38 điểm. Thanh khoản xấp xỉ 903 tỉ đồng và 749 tỉ đồng.
Dù vậy, khối ngoại vẫn bán ròng 500 tỉ đồng.
Cổ phiếu tăng giá, tăng trần rực rỡ sắc xanh, tím trong phiên giao dịch 14-10 - Ảnh: Chụp màn hình
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Minh Tuấn - giám đốc môi giới hội sở, Mirae Asset - nhận định đây là phiên tăng điểm tốt của thị trường với đóng góp của nhóm trụ. Dù khối ngoại bán ròng nhưng dòng tiền nội đang dồi dào và cân bằng tương đối tốt.
Ngoài ra, nguyên nhân thị trường tăng điểm hôm nay cũng tới từ động lực kỳ vọng trong tháng 11 sắp tới, khi Kuwait được nâng hạng thị trường mới nổi thì chứng khoán Việt Nam cũng có tỉ trọng lớn trong rổ thị trường cận biên theo xếp hạng của MSCI (Công ty nghiên cứu đầu tư Morgan Stanley Capital International).
Lúc đó sẽ hút lượng phân bổ ròng của nhóm quỹ tracking (giao dịch) theo chuẩn MSCI vào thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới khoảng 200 - 250 triệu USD.
"Trong thời kỳ "tiền rẻ", thị trường chứng khoán sẽ là nơi hưởng lợi trực tiếp và đầu tiên, vì nhóm tài sản này thanh khoản rất cao", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, lúc này nhà đầu tư nên cân nhắc ưu tiên nhóm cổ phiếu lớn vì tiền hút vào nhiều.
Xét theo nhóm ngành, tăng trưởng mạnh thuộc về nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, ngân hàng, thực phẩm - đồ uống, nông - lâm - ngư, chứng khoán, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, vật liệu xây dựng, bất động sản, xây dựng, sản xuất hàng gia dụng, công nghệ thông tin...
Đối lập, nhóm rớt giá khá mạnh rơi vào dịch vụ tư vấn - hỗ trợ, dịch vụ lưu trú - ăn uống - giải trí, sản xuất nhựa - hóa chất, sản phẩm cao su, sản xuất thiết bị - máy móc, bán buôn, chế biến thủy sản…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận