Nhiều người đã chọn nhiếp ảnh làm thú vui khi về hưu - Ảnh: CHÂU ANH
Dưới đây là các ý kiến tiêu biểu sau bài viết "Về hưu rồi làm gì?"
* Ông Châu Minh Tỷ (chủ tịch Hội Người cao tuổi TP.HCM):
Về hưu vẫn phải mưu sinh
Ở nước ta, số người lựa chọn hoạt động cộng đồng sau khi về hưu không chiếm đa số. Khi lương hưu thấp, cuộc sống còn bấp bênh thì ít ai nghĩ tới những việc như đi làm thiện nguyện.
Thực tế có nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn phải tất bật kiếm việc làm thêm, tiếp tục mưu sinh hay phụ giúp con cháu, nên họ không có thời gian để tham gia các hoạt động cộng đồng. Hầu hết người tham gia các chương trình hay hoạt động theo sở thích thường là họ không phải lo nghĩ về vấn đề tiền bạc.
Môi trường cho người về hưu kết nối hoạt động với nhau không phải là không có. Tại các xã, phường, khu phố đều có những trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, thường xuyên tổ chức các lớp học cho người già như dưỡng sinh, ngoại ngữ, tin học...
Tuy nhiên, số người về hưu đăng ký tham gia cũng không nhiều. Chỉ có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... là được người sau khi về hưu tham gia sôi nổi hơn.
Bên cạnh đó, chính tâm lý của người về hưu là được "chăm sóc con cháu" cũng níu giữ họ sống khép kín, ít tham gia các hoạt động cộng đồng. Đồng thời, chính tâm lý e ngại tuổi cao không còn minh mẫn để học tập cũng là một rào cản, khiến họ không dám tham gia các lớp học về ngoại ngữ, tin học...
Giải pháp căn cơ nhất với người về hưu là cần có những chính sách chăm lo thiết thực, đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định sau khi về hưu. Trong gia đình, con cái cần phải tạo điều kiện, tiếp thêm động lực cũng như thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng để giúp cha mẹ mình đi ra xã hội nhiều hơn, từ đó có được cuộc sống ý nghĩa, vui vẻ hơn.
* ThS xã hội học Lê Văn Thành:
Phải có sự chuẩn bị
Người nghỉ hưu rất đa dạng, từ quản lý, lãnh đạo đến người làm công tác chuyên môn, từ lao động chân tay đến lao động trí óc, nên việc chuẩn bị khi nghỉ hưu cũng tùy từng người. Nhưng quan trọng nhất là chuẩn bị vấn đề sức khỏe vì ở Việt Nam hiện nay, nhìn mặt bằng chung thì đến độ tuổi 50-60 nhiều người đã bắt đầu mắc các bệnh mãn tính.
Xã hội cũng phải có sự chuẩn bị những điều kiện, môi trường thuận lợi để cuộc sống người về hưu không trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán. Ở các nước phát triển, thường có những buổi nói chuyện, tư vấn tâm lý, cung cấp thông tin về các hội nhóm xã hội từ thiện, hoặc công việc phù hợp giúp người sắp nghỉ hưu nhìn nhận vấn đề rõ hơn. Cái này ở Việt Nam chưa có.
Bản thân tôi xác định sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc. Trước khi nghỉ hưu một vài năm, tôi đã phải nghĩ xem mình sẽ làm gì. Đó là các công trình nghiên cứu còn dở dang, các mối quen nhờ đi giảng dạy...
Hiện nay, tôi cũng là thành viên ở nhiều hội đồng khoa học. Công việc có khi bận rộn hơn xưa, nhưng mang lại nhiều niềm vui. Nhưng để làm được việc, tôi cũng bắt đầu phải học làm một số thứ mà trước đây mình không phải làm. Đơn giản như chuyện thiết kế các slide bài giảng sao cho hấp dẫn trước đây có thể nhờ anh em trong phòng làm giúp, giờ phải tự học thêm, cập nhật thêm nhiều kiến thức để tự làm.
Hiện nay, trong xã hội không nhiều nhưng cũng không quá thiếu những công việc phù hợp. Quan trọng là người về hưu phải có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe, tâm lý, tinh thần học hỏi không ngừng để đáp ứng được công việc, từ đó tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Nghỉ ngơi, hướng về gia đình hay hoạt động xã hội cũng là lựa chọn, cái chính nằm ở sự chủ động lựa chọn của người nghỉ hưu.
Ông T.T. (nguyên phó giám đốc một sở TP.HCM):
Nghỉ hưu, tôi chọn gia đình
Tôi biết một vài người, trong đó có cả bạn bè của tôi, dù biết mình đến lúc về hưu rồi nhưng vẫn không tránh khỏi bị sốc. Họ thậm chí bị suy sụp sức khỏe, tinh thần và phải mất rất lâu để quay về trạng thái bình thường.
Còn tôi, đến tuổi 60, tôi bình thản nhận quyết định nghỉ hưu. Tôi hiểu rằng mình vừa bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời và nên chấp nhận. Tôi phụ vợ việc nhà, dạy cháu học bài, thi thoảng cùng vợ đi du lịch, về quê thăm họ hàng...
Những công việc tưởng chừng bình thường nhưng làm vợ tôi rất cảm động. Sau mấy năm nghỉ hưu, cảm thấy sức khỏe vẫn còn tốt, cháu cũng đã lớn không cần người phụ trông, tôi nhận lời đi thỉnh giảng cho một số trường học. Thi thoảng được mời đi giảng dưới tỉnh, tôi lái xe đưa cả vợ đi cùng. Ngày còn công tác, tôi chưa bao giờ làm được như vậy.
Tôi nghĩ 60 tuổi chưa phải quá già. Nhưng đó không phải là tuổi để vắt sức ra làm việc mưu sinh như thời trẻ. Có người vì hoàn cảnh vẫn phải làm việc sau tuổi hưu, có người vì tham công tiếc việc, có người vì đam mê muốn cống hiến tiếp tục...
Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng, điều quan trọng nhất là trong tâm cảm thấy thực sự được thanh thản. Như tôi, nhìn con cháu nên người, gia phong vẫn giữ được nề nếp là điều hạnh phúc lớn nhất, không còn có đòi hỏi gì thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận