Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đăng Châu, H.Sơn Dương, Tuyên Quang - Ảnh: VĨNH HÀ
Phải có giải pháp để hỗ trợ học sinh yếu, kém, thiệt thòi trong việc triển khai chương trình mới lần này.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ
"Thay vì thực hiện một chương trình "bao cấp" được quy định cứng như trước, mỗi nhà trường có thể có một kế hoạch giáo dục nhà trường với các giải pháp khác nhau để đạt được yêu cầu mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ trong buổi làm việc với UBND và Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang ngày 10-3.
"Bài học lớp 1" cho... lớp 2
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại một số trường tiểu học ở Bắc Giang, Hà Nam, Tuyên Quang..., khi tham gia cùng các chuyến thị sát của Bộ GD-ĐT kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, là đa số học sinh lớp 1 đều đọc thành thạo. Tỉ lệ học sinh còn phản ứng chậm với yêu cầu của giáo viên, đọc chưa lưu loát, viết chậm, viết sai không nhiều.
Tuy nhiên, cán bộ quản lý và giáo viên ở những nơi này đều thừa nhận "đã khó khăn, đã hoang mang và đã phải cố gắng rất nhiều". "Khi tiếp cận sách giáo khoa, chúng tôi cũng nghĩ là nặng. Vì theo chương trình - sách giáo khoa cũ thì thời điểm này học sinh mới tập ghép vần, nhưng với chương trình - sách giáo khoa mới thì trẻ đã phải đọc trơn thành thạo. Nhưng nhờ được chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học nên chúng tôi vượt khó được và bây giờ lại thấy mình được nhiều thứ hơn" - một giáo viên Trường tiểu học Đăng Châu (Tuyên Quang) chia sẻ.
Theo ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, khi đi kiểm tra việc thực hiện ở một số địa phương thì thấy rõ một điều: những trường làm tốt việc chủ động xây dựng kế hoạch nhà trường là những trường thực hiện hiệu quả lớp 1 dù họ cũng vấp phải những khó khăn.
"Xây dựng kế hoạch nhà trường là việc phải được tập huấn kỹ và triển khai sâu rộng ở các địa phương khi triển khai chương trình lớp 2 và các lớp tiếp theo" - ông Thái Văn Tài nói.
Mỗi trường có thể có một kế hoạch giáo dục khác nhau phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh. Trong đó, các trường chủ động sắp xếp, bố trí lao động giáo viên hợp lý, chủ động về tiến độ dạy học, các phương pháp tổ chức dạy học để hoàn thành yêu cầu.
Nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường vẫn phải đảm bảo giao cho giáo viên được quyền chủ động, linh hoạt thực hiện với chính lớp mình phụ trách. Bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, mỗi nhà trường có thể cho phép giáo viên tự chủ động soạn bài dạy dựa theo các tài liệu dạy học, sách giáo khoa được phê duyệt chứ không chỉ quy định cứng dạy theo một bộ sách giáo khoa.
"Chống sốc" cho lớp 6
Nhiều học sinh từ lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6 thường bị sốc do chương trình thay đổi, cách thức dạy học, kiểm tra đánh giá thay đổi. Điều này một phần do việc thiết kế chương trình chưa có sự chuyển tiếp để "chống sốc" cho học sinh khi chuyển cấp.
Năm học 2021 - 2022, lớp 6 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi học sinh vẫn học lớp 5 theo chương trình cũ. Tại Tuyên Quang, khi chia sẻ về chuẩn bị thực hiện chương trình lớp 6 mới, một số hiệu trưởng và giáo viên băn khoăn, lo học sinh bị "hẫng".
Về điều này, Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn các trường tiểu học điều chỉnh kế hoạch giáo dục ở học kỳ 2 của lớp 5 theo hướng lồng ghép, tích hợp một số nội dung theo chủ đề dạy học; điều chỉnh yêu cầu đối với học sinh để chuyển dần theo hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất thông qua việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động học, cách giao nhiệm vụ học tập để học sinh chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện.
Trao đổi trong buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lưu ý trong chương trình mới ở lớp 6 sẽ có một môn học mới là khoa học tự nhiên với các phân môn vật lý, hóa học, sinh học. Để thực hiện không lúng túng, các nhà trường ngay từ bây giờ phải yêu cầu tổ tự nhiên nghiên cứu kỹ mạch kiến thức để đề xuất cách thực hiện, đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường.
"Lớp 6 sẽ phải khắc phục khó khăn, bố trí các giáo viên đơn môn đảm nhiệm môn học này. Nhưng ngay từ bây giờ các địa phương phải có lộ trình để cử giáo viên các môn lý, hóa, sinh đi đào tạo bổ sung để có thể đảm nhiệm được yêu cầu của môn học" - ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, bộ đã giao cho một số trường ĐH sư phạm xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đảm nhiệm môn học tích hợp này, bên cạnh hướng đào tạo giáo viên mới.
Cần gỡ vướng mắc thiếu giáo viên
Theo tinh thần chỉ đạo thì năm học này các địa phương tập trung bố trí giáo viên đủ về số lượng và chất lượng cho lớp 1. Năm học tới sẽ ưu tiên cho lớp 2 và lớp 6. Nhưng theo nhiều địa phương thì sau khi dồn lực để ưu tiên cho các lớp thực hiện trước, các năm sau sẽ rất khó khăn.
Áp dụng chính sách hợp đồng giáo viên trong thời hạn 1 năm để bù đắp việc thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới là giải pháp của nhiều tỉnh hiện nay. Nhưng trong các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các địa phương vẫn mong muốn bộ ở góc độ "tổng đạo diễn" chương trình giáo dục phổ thông mới thì quyết liệt hơn trong những đề xuất giúp các địa phương gỡ vướng mắc về giáo viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận