17/05/2021 09:14 GMT+7

Chuẩn bị đón sự kiện thiên văn 2 trong 1: ‘Siêu trăng máu’

LÊ CHUNG
LÊ CHUNG

TTO - Tối 26-5, những người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát cùng lúc hai sự kiện thiên văn đáng chú ý trong năm 2021, đó là 'siêu trăng' kết hợp với nguyệt thực toàn phần.

Chuẩn bị đón sự kiện thiên văn 2 trong 1: ‘Siêu trăng máu’ - Ảnh 1.

Người yêu thiên văn tại Việt Nam sắp có cơ hội quan sát "siêu trăng máu" vào tối 26-5 - Ảnh: REUTERS

Theo trang EarthSky, những nơi có thể quan sát nguyệt thực toàn phần là châu Mỹ, Đại Tây Dương, châu Đại Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Tại nước ta, nguyệt thực sẽ diễn ra sau khi mặt trời lặn ngày 26-5, đây là thời điểm thuận lợi cho những người yêu thiên văn trong trường hợp thời tiết tốt.

Sau hoàng hôn, người dân ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau có thể quan sát nguyệt thực toàn phần, nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối cho đến lúc kết thúc nguyệt thực. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc chỉ có thể quan sát nguyệt thực một phần và nguyệt thực nửa tối. 

Nguyệt thực sẽ diễn ra rất gần đường chân trời, vì vậy nên chọn điểm nhìn ở trên cao thấy rõ đường chân trời để tránh bị che bởi công trình xây dựng, đồi núi.

Chuẩn bị đón sự kiện thiên văn 2 trong 1: ‘Siêu trăng máu’ - Ảnh 2.

Thời điểm diễn ra các pha nguyệt thực ngày 26-5 và khả năng quan sát tại TP.HCM và Hà Nội

Đặc biệt, vào tháng 5 này, Mặt trăng tiến gần Trái đất nhất, do đó trông sẽ to hơn và sáng hơn. Hiện tượng trăng tròn vào ngày 26-5 được gọi là "siêu trăng", diễn ra cùng lúc với nguyệt thực toàn phần.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng thẳng hàng sao cho phần bóng tối của Trái đất che phủ hoàn toàn bề mặt Mặt trăng. Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra khi Mặt trăng di chuyển đến vùng "bóng nửa tối" của Trái đất.

Trong khi diễn ra pha toàn phần, ánh sáng Mặt trời chiếu qua khí quyển của Trái đất sẽ bị bẻ cong (khúc xạ) và để lại ánh sáng màu đỏ lên bề mặt Mặt trăng. Vì vậy vào lúc này, "chị Hằng" sẽ chuyển từ màu xám sẫm sang màu cam đỏ, dân gian thường gọi là "trăng máu". Màn kết hợp hiếm hoi của 2 hiện tượng này có thể gọi bằng cái tên "siêu trăng máu".

Tuy nhiên, pha toàn phần sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khá ngắn là gần 15 phút. Toàn bộ thời gian nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 3 tiếng. Lần "siêu trăng máu" gần đây nhất xảy ra vào tháng 9-2015.

3 ‘siêu trăng’, 1 ‘trăng máu’ và 1 ‘trăng xanh’ trong năm 2021 3 ‘siêu trăng’, 1 ‘trăng máu’ và 1 ‘trăng xanh’ trong năm 2021

TTO - Năm 2021 hứa hẹn mang đến nhiều hứng khởi cho những người yêu thiên văn khi có đến 3 ‘siêu trăng’, 1 ‘trăng máu’ và 1 ‘trăng xanh’.

LÊ CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên