Cử tri Iran lăn tay bỏ phiếu ở thủ đô Tehran ngày 19-5 - Ảnh: Reuters |
Vài ngày cuối trước ngày bỏ phiếu chính thức 19-5, cả hai ứng viên tranh chấp chủ yếu là đương kim tổng thống Hassan Rouhani và đại giáo chủ Ebrahim Raisi đều tìm mọi cách thu hút cử tri về phía mình, đặc biệt nhắm vào giới trẻ và văn nghệ sĩ.
Bớt điều cấm để vui như hội
Chính quyền, dường như cũng lờ đi nhiều điều cấm kị vốn hà khắc trong hệ thống luật pháp của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, để tạo tâm lý thoải mái trong dân chúng, nhằm biến cuộc tổng tuyển cử lần này thành một ngày hội thu hút cử tri đến các thùng phiếu.
Nhiều ngày qua, các khu vực bầu cử hầu như biến thành các trung tâm hoạt động văn hóa quần chúng; với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố rực rỡ sắc màu và âm thanh huyên náo. Đây là hiện tượng mà ngày thường bị coi là cấm kị tuyệt đối.
Nhiều thanh niên nhân dịp này thỏa sức thể hiện tài năng biểu diễn công khai những môn nghệ thuật vốn bị cấm như nhảy hip hop, hát rab cùng DJ và nhảy tập thể những vũ điệu phổ biến của người Kurd và người Arab.
Các trang mạng xã hội được thể tung lên nhiều video clip ghi lại các hoạt động nghệ thuật đường phố tại các khu vục bầu cử, một việc mà thường ngày bị coi là “phạm luật thuần phong mỹ tục”!
Những hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng này cho thấy một thực tế là mặc dù bị cấm đoán nghiêm ngặt, nhưng giới văn nghệ sĩ và thanh niên Iran vẫn không ngừng hành nghề “chui”, miễn là khuất “tầm nhìn” của cảnh sát thuần phong mỹ tục.
Giới nghệ sĩ ủng hộ Rouhani
Hồi năm ngoái đã xảy ra một vụ lùm xùm giữa bộ Văn hóa với đại diện của Lãnh tụ tối cao Khamenei tại bộ này là giáo sĩ Ahmed Ilm al-Mahdi. Vị giáo sĩ này, là bố vợ của ứng viên Ebrahim Raisi, nhất quyết bác bỏ yêu cầu của bộ trưởng Văn hóa về việc cấp phép cho các hoạt động âm nhạc. Vì bất bình với việc đó, bộ trưởng Văn hóa thông tin Ali Jenti đã bị mất chức vào tháng 10!
Vậy mà, khi diễn thuyết tại thành phố Mash’ad ngày 17-5, ứng viên Rouhani định mang theo ngôi sao ca nhạc Iran Hajad Ashraf Zada. Chính quyền ra lệnh cấm ca sĩ này đến Mash’ad, bởi trước đó, Ashraf Zada đã thu âm một đĩa nhạc có nội dung là các khẩu hiệu tranh cử của Rouhani, nhan đề “Iran một lần nữa”.
Mặc dù vậy, Rouhani vẫn gây bất ngờ tại Mash’ad khi trong cuộc diễn thuyết của ông có sự hiện diện và biểu diễn của ca sĩ cổ điển Salar Aqeli.
Ca sĩ Salar Aqeli (trái) trong cuộc diễn thuyết của ứng viên Rouhani tại Mash’ad - Ảnh: aawsat |
Ngày 16-5, hơn 200 ca nhạc sĩ Iran, trong đó có nhiều người thuộc diện nổi tiếng hàng đầu đã ra một tuyên bố ủng hộ ứng viên Rouhani. Hơn 35 diễn viên điện ảnh tuyên bố tham gia chiến dịch vận động tranh cử của vị tổng thống sắp mãn nhiệm.
Trong số này có cả ê-kip của phim “Người bán rong” đoạt giải Oscar năm 2016 gồm đạo diễn Asgar Farhadi cùng hai diễn viên chính Shahab Huseini và Tranah Ali Dosti.
Đại giáo chủ và ca sĩ nhạc rap
Đáng ngạc nhiên hơn là việc ứng viên của phe giáo quyền nguyên gốc - đại giáo chủ Ebrahim Raisi đã gây bất ngờ lớn khi chỉ một ngày trước thời hạn chấm dứt hoạt động tranh cử. Ông chủ động cho tung lên mạng cuộc trò chuyện thân mật với ca sĩ nhạc rap Titlo - một nghệ sĩ rất nổi tiếng nhưng đầy tai tiếng ở Iran.
Titlo có lượng fan rất lớn trong giới thanh niên độ tuổi 15-25; lượng người theo dõi Titlo trên mạng xã hội lên đến hơn 5 triệu lượt.
Người Iran mang tấm poster có hình cuộc trò chuyện giữa ông Raisi với Titlo - Ảnh: aawsat |
Năm 2013, Titlo bị bắt giam vì tội “truyền bá văn hóa đồi trụy” sau khi cho phát hành album đầu tay vào năm trước đó. Trong album này, có những bài “phản động” như ca ngợi thỏa thuận hạt nhân đã ký với các nước lớn và phỉ báng việc binh sĩ Vệ binh cách mạng chết uổng phí tại Syria.
Ca sĩ Titlo đã phải công khai tuyên bố “hối cải” sau khi bị bắt. Rồi tháng 9 năm ngoái, Titlo lại bị bắt giữ vì tội “đồi trụy”. Nhưng chính quyền buộc phải phóng thích anh này sau 2 tháng tạm giam, vì bị áp lực từ đông đảo quần chúng hâm mộ ở thủ đô Tehran.
Khi trò chuyện với Raisi trong video clip, người ta thấy vị ứng viên bảo thủ lắng nghe Titlo giải thich về ý nghĩa hình xăm dày đặc trên hai cánh tay mình, trong đó, theo Titlo, có một số hình tượng trưng cho ý thức tôn giáo.
Người Iran nào cũng phải biết rằng xăm hình trên cơ thể là việc phạm pháp tại nước này. Năm ngoái, Liên đoàn thể thao Iran đã phạt rất nặng một số vận động viên có hình xăm trên cơ thể. Họ thậm chí bị dọa đuổi khỏi các đội tuyển của nước này.
Những hoạt động khác thường này của hai ứng viên tranh chấp nổi trội cho thấy nỗ lực nhằm tác đông đến cử tri, nhất là một thăm dò dư luận vào phút chót vẫn cho rằng có đến 46% người được hỏi chưa quyết định sẽ dành lá phiếu cho ai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận