12/07/2018 14:07 GMT+7

Chưa thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh điều này khi kết thúc phần thảo luận dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-7.

Chưa thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Tôi thấy vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, biểu quyết chưa ổn, đề nghị dừng ở bước thảo luận và chưa biểu quyết thông qua nghị quyết” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết nếu biểu quyết ở thời điểm này, có thể tăng thêm vài nghìn tỉ trong những tháng cuối năm nhưng chưa biết tình hình giá cả thế nào, khá phức tạp.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ thu ngân sách hơn 16.000 tỉ, trong đó riêng thu từ xăng dầu hơn 15.000 tỉ đồng.

Nhưng ông Giàu bày tỏ băn khoăn, báo cáo của Chính phủ cho thấy dự thảo nghị quyết chỉ lấy ý kiến 77 đơn vị, chủ yếu là của ngành thuế, tài chính. Nhiều cơ quan chưa có ý kiến, đặc biệt TP.HCM không tham gia ý kiến.

Ông Giàu nhấn mạnh ý kiến trong nội bộ ngành Tài chính đương nhiên ủng hộ việc ban hành nghị quyết.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng đầu vào xăng dầu ở thời điểm hiện nay tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, tính khuếch đại giá cả cao, tác động xã hội rất lớn và tác động đến nền kinh tế.

Hơn nữa, đây là thời điểm mùa mưa bão, diễn biến thế giới đang chiến tranh thương mại nên tác động tăng giá có thể lớn hơn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ở Việt Nam, thời điểm điều chỉnh giá cả hàng hóa 2 tháng sau tết âm lịch là phù hợp nhất, vì khi đó cầu hàng hóa đã no rồi. Các tháng còn lại trong năm tăng đều không phù hợp.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, cho rằng đề xuất tăng hết khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu vào thời điểm chiến tranh thương mại đang diễn ra chắc chắn ảnh hưởng lớn đến giá cả.

Hơn nữa, việc tăng thuế với dầu mazut ảnh hưởng đến người nông dân, đến cơ giới hóa nông nghiệp nên hết sức cân nhắc.

Nói về chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, các bộ, ngành cần chỉ đạo để điều chỉnh thuế tăng nhưng hạn chế tối đa việc tăng giá xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng do nhà nước kiểm soát, tuy nhiên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp còn nhiều thất thoát lãng phí. Không điều chỉnh tăng giá bán ra một cách cơ học như trong thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, thị trường tăng cường kiểm tra giám sát với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để thực hiện nhiệm vụ ổn định giá cả.

Mặt khác, tăng thuế bảo vệ môi trường phải tăng chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường như chống sạt lở bờ sông, chống ngập, trồng rừng, xử lý rác thải.

Trình bày Tờ trình của dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít;

Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít;

Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg;

Dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên