Dưới đây là tâm sự của những người trong cuộc.
Sài Gòn nắng nóng tơi bời còn "đụng" cúp điện
Phóng to |
* Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG (xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh):
Thức trắng đêm vì cúp điện
Nửa đêm, đang nằm ngủ tôi chợt tỉnh giấc vì thấy người nóng bức khó chịu, xung quanh tối om mới biết lại cúp điện. Mấy hôm nay Sài Gòn nóng khủng khiếp, cả nhà phải mở máy lạnh mới ngủ được nhưng giờ máy lạnh chẳng có, quạt máy cũng không. Hai con nhỏ của tôi ngủ trong mùng không chịu nổi cái nóng hầm hập ập vào nên ngọ nguậy, gãi xột xoạt.
Vợ chồng tôi phải thay phiên nhau dùng quạt giấy quạt cho con suốt từ 1g đến gần 5g sáng 6-4 mới có điện trở lại. Thức gần như cả đêm nên sáng sớm hai vợ chồng mệt mỏi, mở mắt không ra nhưng phải ráng đi làm, đưa con đi học.
Tưởng buổi chiều về sẽ được ngủ bù, ai dè về đến nhà tôi lại thấy điện cúp tự bao giờ. Nhà tôi sử dụng nước giếng nên cúp điện cũng chẳng bơm được nước tắm cho đỡ nóng bức. Cả nhà tính chuyện đi siêu thị trốn nóng nhưng nhà lại ở quá xa siêu thị nên cũng ngại ngần, đành chịu đựng cảnh bức bối, khó chịu cho đến gần tối mới có điện trở lại.
Tình trạng cúp điện như trên không phải mới xảy ra mà đã liên tục mấy ngày liền làm gia đình tôi muốn kiệt sức. Tôi nói ra sự việc cũng không mong ngành điện sẽ chịu trách nhiệm những gì mà gia đình tôi phải chịu đựng mấy ngày qua, chỉ mong ngành điện sớm có giải pháp hữu hiệu để người dân chúng tôi không phải sống trong cảnh thiếu điện lúc nóng bức như vậy nữa.
* Ông LÊ MINH QUỐC THIỆN (P.Tân quy Đông, Q.7):
Hỏi lý do không được trả lời
Khu vực tôi ở tối 6-4 liên tiếp bị cúp điện hai lần mà không được thông báo trước. Nóng bức quá, tôi chịu không nổi nên gọi điện lên tổng đài 19001122 để hỏi lý do cúp điện và bao giờ có điện trở lại.
Nhưng cả ba lần tôi gọi, tổng đài đều báo nhân viên trực bận và hướng dẫn tôi bấm vào các phím trả lời tự động. Theo hướng dẫn tôi bấm vào nút thông báo lịch cúp điện thì nhận được thông tin khu vực tôi chỉ bị cúp điện ngày 14-4 chứ không phải ở thời điểm tôi đang gọi điện.
Tôi lại gọi điện về Công ty Điện lực Tân Thuận để hỏi rõ lý do thì nhân viên trực điện thoại hướng dẫn tôi gọi phản ảnh lên tổng đài 19001122 chứ nhân viên này không thể trả lời thắc mắc của tôi. Tôi lại tiếp tục gọi vào tổng đài 19001122 thêm vài lần nữa nhưng tổng đài đều báo nhân viên trực bận và lại hướng dẫn tôi bấm các số trả lời tự động như trước.
Tôi rất bức xúc với cách tiếp khách hàng của ngành điện. Ngành điện đưa ra tổng đài tiếp nhận thông tin phản ảnh khách hàng mà sao cứ cho máy tự động trả lời khách hàng? Còn nếu việc cúp điện là do sự cố thì ít ra nhân viên điện thoại của Công ty Điện lực Tân Thuận phải biết và giải thích rõ chứ không thể đẩy trách nhiệm như vậy được.
Khi tôi gọi vào tổng đài hay cho Công ty Điện lực Tân Thuận đều tốn phí nhưng thông tin tôi cần lại không được đáp ứng. Đó là việc làm không sòng phẳng với khách hàng mà tôi nghĩ ngành điện phải điều chỉnh.
Cúp điện rồi mới thông báo? Điện thoại của tôi lâu lâu lại thấy có tin nhắn từ số 6000 gửi đến với nội dung Công ty Điện lực Chợ Lớn thông báo mất điện do sự cố ở tuyến dây đã xảy ra trước đó. Cụ thể gần đây nhất, tin nhắn lúc 19g17 ngày 28-3, thông báo mất điện từ 8g46-9g23 cùng ngày với lý do bị sự cố đường dây truyền tải. Tức là mất điện xong, khoảng 10 giờ sau Công ty Điện lực Chợ Lớn mới thông báo cho khách hàng biết. Có ngày tôi nhận được hai tin nhắn của Công ty Điện lực Chợ Lớn vào hai thời điểm khác nhau, đều nói về hai lần cúp điện đã xảy ra rồi tại khu vực tôi ở. Tôi thấy việc thông báo này vô ích, vừa tốn tiền lại gây phản cảm. Trong trường hợp ngành điện cho rằng vì cúp điện đột xuất không thông báo trước được nên cần thông báo sau cho người dân biết nguyên nhân thì cần phải thông báo rất cụ thể về các nguyên nhân này. Ví dụ, cần ghi rõ trong tin nhắn là cúp điện vì cháy nhà tại số..., hoặc đứt dây truyền tải tại số... Có như vậy, khách hàng mới có thể kiểm chứng được sự chân thật trong các tin nhắn này, từ đó có niềm tin là việc cúp điện thật sự do có sự cố chứ không phải là cúp điện “vô tội vạ”. Ngoài sự cố cúp điện đột xuất trên, ngành điện cũng cần thông báo cho khách hàng biết việc cắt điện (theo kế hoạch) ít nhất là trước một ngày để khách hàng có sự chuẩn bị trong sản xuất và sinh hoạt. Ngành điện nói là đã thông tin cúp điện trên báo, đài. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian, điều kiện theo dõi thông tin này trên báo, đài. Việc nhắn tin đến các máy di động của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng là hữu hiệu hơn. Tại sao ngành điện nhắn tin đến các máy điện thoại sau khi cúp điện được, mà không thể nhắn tin trước lịch cúp điện? Cứ cúp điện xong rồi mới thông báo nguyên nhân và mong khách hàng thông cảm thì có ích lợi gì? HOÀNG VĂN HÒA Ông NGUYỄN QUÝ HÙNG (phó giám đốc Công ty Điện lực Chợ Lớn, thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết: - Theo quy định của Luật điện lực, trường hợp cúp điện không khẩn cấp bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước ít nhất năm ngày bằng cách thông báo ba ngày liên tiếp trên báo chí hoặc hình thức thông tin khác. Đối với việc cúp điện khẩn cấp do sự cố, sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được...thì trong 24 giờ phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, thời gian cấp điện trở lại. Khi cúp điện trong cả hai trường hợp trên, Công ty Điện lực Chợ Lớn đều có thông báo trên báo chí, các UBND phường qua email, điện thoại; thông báo bằng điện thoại cho các khách hàng lớn; thông báo bằng tin nhắn SMS đến khách hàng khác. Do ký tự tin nhắn có giới hạn nên chỉ thể hiện được nội dung nguyên nhân cúp điện, ví dụ như sự cố cháy nhà và dự kiến thời gian có điện trở lại chứ không nêu cụ thể chi tiết sự cố ở đâu, xảy ra như thế nào. Về cung cấp thông tin báo cúp điện qua SMS, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang có hướng chỉ thông tin đối với những khách hàng nào đăng ký chứ không thông tin đại trà như hiện nay. Q.KHẢIghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận