30/01/2022 09:02 GMT+7

Chữa lành nỗi đau hẻm

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

TTO - Sài Gòn - TP.HCM bao đời nay đất lành chim đậu. Nông dân không còn ruộng đồng lên phố tìm phương kiếm sống. Sinh viên, thanh niên tìm - tự tạo việc làm phù hợp khả năng.

Chữa lành nỗi đau hẻm - Ảnh 1.

Nhà & hẻm khu vực quận 4, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Người lao động từ các tỉnh ba miền Nam Trung Bắc tha phương mong tìm cơ hội đổi đời.

Đất chật người đông, thành phố bao dung ôm hết mọi cư dân vào lòng, phát triển thêm nhiều khu đô thị hiện đại vẫn rất đậm đặc trưng "thành phố hẻm, nhà ống".

Và những con hẻm tưởng như vĩnh viễn ấm áp ấy chợt trở thành nơi tập trung đậm đặc nhất bi kịch sống chết, bí bách những ngày dịch bệnh hoành hành. Khi cơn đại dịch tạm lắng, vết thương vẫn đang tấy đau, nhức nhối.

Chúng ta có phần trách nhiệm và có nghĩa vụ chữa lành.

Chữa lành nỗi đau hẻm - Ảnh 2.

Tranh ký họa Hẻm Sài Gòn - KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Hẻm thương hẻm nhớ hẻm đau

Hẻm lớn, hẻm nhỏ, hẻm cụt, hẻm thông nhau như mạng nhện khắp các quận huyện, có những hẻm giao nhau chỉ vừa đủ một người qua lại.

Những căn nhà trọ hình ống với thiết kế đơn giản, hành lang nhỏ và dãy phòng nhỏ san sát luôn được tận dụng hết khả năng có thể.

Không gian hẻm bao gồm các cửa hàng bán đủ thứ hàng tiêu dùng, sửa tivi, điện thoại, cắt tóc, làm đẹp, quán ăn, quán cóc... đúng nghĩa một quần cư thu hẹp.

Sáng trưa, từ các ngóc ngách hẻm, đội quân công nhân, xe ôm, xe công nghệ, thợ thuyền, hàng rong, vé số hân hoan tỏa ra đường phố, chiều tối lại hối hả quay về.

Sôi động, ấm áp, gần gũi, bao dung, rồi năm 2021 đại dịch COVID-19 ập đến, làm lộ rõ những khiếm khuyết của thành phố hẻm. Quy hoạch điều chỉnh, mở rộng thành phố mấy chục năm nay thì ra vẫn chỉ làm cho các con hẻm ngày càng chật chội hơn.

Không chỉ các quận nội thành, các quận huyện vùng ven cũng đã mang nét đặc trưng "phố hẻm, nhà ống" ngày càng rõ nét. Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đất nông nghiệp đã trở thành đất ở với nhà ống, nhà trọ tự phát mọc lên ào ạt.

Thực tế này khiến virus corona như "cá gặp nước", lây lan bùng phát suốt mùa hè, trong không khí nóng bức mà trước đây chúng ta tưởng là khắc tinh của COVID-19.

Những tính toán chi ly để một căn hộ trên cao cũng có không gian như khu nghỉ dưỡng của các kiến trúc sư chợt như hụt hẫng trước những tin tức về sự sống chết trong các khu nhà trọ, những con hẻm chật.

Không chỉ những bệnh nhân COVID-19 khát thở, mà những người chưa mắc COVID-19 nhưng bị kẹt trong căn phòng trọ, trong những hẻm nhỏ cũng khát thở.

Cú sốc đại dịch buộc các kiến trúc sư, các nhà quản lý, điều hành, hoạch định chính sách phải thức tỉnh, phải nhìn nhận, đánh giá lại để thay đổi tư duy quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị.

Chữa lành nỗi đau hẻm - Ảnh 3.

Tranh ký họa Hẻm Sài Gòn - KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Hình mẫu siêu đô thị hay thành phố nhỏ, vừa - vệ tinh ít hơn 300.000 dân với sự phát triển bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng với đại dịch, cháy nổ, biến đổi khí hậu đồng thời mang lại nhiều giá trị sống tốt cho con người, nhất là dân lao động nhập cư... một lần nữa lại được đặt ra.

Trong lịch sử dịch tễ học thế giới, nhiều trận dịch bệnh xảy ra đã dẫn đến sự thay đổi về triết lý quy hoạch đô thị. Năm 1830, dịch tả bùng phát buộc nước Anh phải thay đổi quy định về xử lý nước thải.

Dịch lao xảy ra ở New York đầu thế kỷ 20 mở đường cho việc quy định về hệ thống vận chuyển công cộng và hệ thống nhà ở. Dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 ở Hong Kong đã khiến Singapore buộc phải có hệ thống theo dõi dịch bệnh và cải thiện cơ sở y tế...

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, những thành phố chọc trời san sát, đầy dẫy hệ thống tàu điện ngầm ở New York (Mỹ), Hong Kong, Singapore, hay Sài Gòn, Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Mumbai (Ấn Độ) với phố hẻm - nhà ống dày đặc như mạng nhện đều đã trở thành những ổ dịch lây lan cấp kỳ nguy hiểm.

Thực tế khiến mâu thuẫn giữa các triết lý quy hoạch với các khái niệm xã hội học, địa lý học, kinh tế học... tăng bội lần trong tình hình phải luôn ứng phó với nạn biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Thành phố không đi xa

Bây giờ cảm thấy cuộc sống của các thành phố khó trở lại bình thường như trước khi virus corona xuất hiện. Cách con người ăn ở, đi lại, làm việc, giao tiếp, học hành... buộc phải thay đổi.

Bà Anne Hidalgo, thị trưởng Paris (Pháp), năm 2020 đã phác thảo ra bốn nguyên tắc chính của một "thành phố 15 phút" - chỉ tối đa 15 phút di chuyển cho mọi nhu cầu: lân cận, đa dạng, mật độ và phổ biến. Hơn 50km đường xe đạp gọi là "corona piste" đã được xây dựng từ đại dịch COVID-19 và bà Hildalgo đã cam kết chi mỗi năm 1 tỉ euro để làm đẹp đường phố và các khu vườn.

Sau đó đã có hàng loạt các thành phố lớn như Madrid (Tây Ban Nha), Milan (Ý), Seattle, Ottawa (Mỹ)... tuyên bố sẽ học tập cách làm của Paris.

Liên minh các thành phố chống biến đổi khí hậu C40 Cities đã tích hợp ý tưởng "thành phố 15 phút" của Paris làm cơ sở cho sự phục hồi sau đại dịch. Ở Stockholm (Thụy Điển) có dự án mang tên "Street moves" - "thành phố 1 phút" với ý tưởng bãi đậu xe, vườn hoa nhỏ... được thiết kế thành nơi sinh hoạt cộng đồng.

Ở Vancouver (Canada) có "thành phố 5 phút" với 120 "khu vực cộng đồng" bố trí đều khắp thành phố; mỗi khu vực đều có trường học, khu dịch vụ, trung tâm mua sắm, nơi làm việc. Ở Brussels (Bỉ) có dự án "thành phố 10 phút", người dân có thể tìm thấy nhu cầu cơ bản trong 10 phút đi bộ hoặc xe đạp.

Ở Sydney (Úc) có "thành phố 30 phút" kết nối ba đô thị quan trọng của Sydney bằng giao thông công cộng...

Vậy Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng nên điều chỉnh quy hoạch thế nào để thích ứng bền vững?

Chữa lành nỗi đau hẻm - Ảnh 4.

Tranh ký họa Hẻm Sài Gòn - KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Tôi hình dung TP.HCM sẽ có những đô thị vệ tinh với đặc trưng chuyên biệt: đô thị đại học - nghiên cứu; đô thị công nghiệp nặng - cảng, đô thị sản xuất phần mềm, đô thị trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm giải trí, đô thị sản xuất may mặc - thủ công mỹ nghệ...

Mỗi đô thị vệ tinh này đều có vành đai xanh nông nghiệp, có khu nhà ở cho người lao động tạm cư gần các khu chế xuất, khu công nghiệp được cung cấp độc lập các nhu cầu, kết nối với nhau bằng giao thông công cộng cấp vùng, chuyển tiếp dễ dàng nhiều loại phương tiện.

Trong nội ô các đô thị vệ tinh khuyến khích đi bộ, đi xe đạp, chỉ cần 15 phút là mọi người có thể đến nơi cần đến.

Đô thị vệ tinh cũng nên có thêm quỹ đất dự trữ cho cây xanh, các khu giãn cách tạm thời đa năng, các kho thực phẩm... phòng ngừa giãn cách lâu dài khi có dịch bệnh.

Trong các mục tiêu này, cần đặc biệt chú ý xây dựng nhà ở cho người lao động nhập cư: các khu nhà thông thoáng, đầy đủ dịch vụ thiết yếu, được bán trả góp hoặc cho người lao động thuê với giá phù hợp.

1 triệu căn nhà cho người lao động nhập cư sẽ khả thi khi có một bộ hay sở nhà ở chuyên môn với kế hoạch và chính sách cụ thể, chỉ tính phí xây dựng, hạ tầng vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân có thể được định giá bằng 0...

Khi đó sẽ thay thế được tình trạng những căn phòng trọ trong hẻm phố đang dung chứa đầy bất cập và bất nhẫn với chất lượng sống con người. Các địa phương có đông dân nhập cư cũng có thể phối hợp cùng thực hiện.

Có nhà ở ổn định, hợp lý, lâu dài - người lao động nhập cư sẽ yên tâm làm việc, TP.HCM sẽ thật sự trở thành quê hương thứ hai, không còn những cuộc "tháo chạy" để lại nhiều dư vị đau thương như trong đợt dịch vừa qua.

Rồi sẽ đến ngày các đô thị của chúng ta sẽ thông minh hơn với hệ thống công nghệ theo dõi sức khỏe, theo dõi bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian, hệ thống khử trùng đường phố bằng sóng từ âm thanh, tia hồng ngoại, tia tử ngoại chống lại virus, hệ thống khử khuẩn không khí có chứa chất diệt virus được gắn ở cửa ra vào các tòa nhà, các hệ thống giao thông công cộng như metro, máy bay, xe buýt, tàu thuyền.

Robot cung cấp dịch vụ cũng sẽ phát triển, giúp người dân có thể làm việc qua mạng, hoặc thu hút khách du mục kỹ thuật số làm việc với máy tính, smartphone từ khắp nơi trên thế giới...

Bắt tay tìm chìa khóa

Không dừng ở những suy tư hay kiến nghị, nhóm sinh viên khoa xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM đã bắt tay vào công trình "Mô phỏng sự lan truyền COVID-19 trong không gian kín và trong hẻm dân cư nhỏ" cùng sự hỗ trợ của Ban liên lạc cựu sinh viên công chánh Phú Thọ - Xây dựng Bách khoa (BKCONS).

"Nghiên cứu COVID-19 không phải việc của riêng ngành y", thầy trò khoa xây dựng bảo nhau vậy. Sự lan truyền trong không khí là chuyên môn của ngành xây dựng. Trách nhiệm với những khu dân cư, với đô thị, với thành phố chính là trách nhiệm của ngành xây dựng.

Họ đã bắt tay vào việc rất nghiêm túc ngay trong những ngày giãn cách và thu được những kết quả ban đầu khá khả quan để tìm trả lời cho nhiều câu hỏi: Virus lan truyền như thế nào từ một nhà có F0 sang nhà hàng xóm?

Cơn gió thổi dọc hẻm sẽ mang virus đi bao xa, ảnh hưởng tối đa đến bao nhiêu căn nhà? Một lớp học có ca F0 trong bao lâu 50% lớp học có thể hít thở một phần hơi thở của F0, bao lâu thì 75%, 100% bị ảnh hưởng?

Khoảng cách 2m có phải là hằng số? Bố trí thêm quạt, quy định thời gian mở cửa có thể tăng thêm bao nhiêu hiệu quả bảo vệ?...

Việc nghiên cứu mô phỏng và chuyển sang thực nghiệm vẫn đang tiếp tục, hy vọng sẽ mang đến được những giải pháp mới, điều kiện sống mới an toàn, hạnh phúc hơn cho mọi người.

P.VŨ

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Thương từ trong hẻm thương ra Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Thương từ trong hẻm thương ra

TTO - Có một điều lạ là mỗi khi nghĩ đến TP.HCM, trong đầu tôi không phải là những cửa hiệu xa hoa lấp lánh ánh đèn, những tòa nhà chọc trời cao vút, hay xe cộ nối đuôi nhau trên đường, mà là những con hẻm nhỏ vòng vèo sâu hun hút bên trong.

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: hẻm sài gòn Sài Gòn