06/06/2024 20:32 GMT+7

Chữa bệnh thú cưng, 10 ngày 200 triệu vẫn không qua khỏi

Bị lạc giữa một rừng giá cả, dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh cho thú cưng, thêm nhiều bạn đọc phản ánh đến Tuổi Trẻ Online. Có trường hợp chữa tốn 200 triệu mà vẫn không qua khỏi.

Mèo của chị Nguyễn Phương Mai sau khi từ bệnh viện đem về vài ngày, sau đó không qua khỏi - Ảnh: NVCC

Mèo của chị Nguyễn Phương Mai sau khi từ bệnh viện đem về vài ngày, sau đó không qua khỏi - Ảnh: NVCC

Chụp CT cho mèo 55 triệu đồng, chăm sóc qua đêm 2,75 triệu đồng/đêm

Chị Nguyễn Phương Mai (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể thấy mèo biểu hiện yếu chân, chị đưa đến một bệnh viện thú y quốc tế tại TP.HCM. Mèo được tiêm thuốc và chẩn đoán bệnh não nặng, lưu lại bệnh viện điều trị.

"Sau đó bệnh viện cho biết mèo bị co giật, đột quỵ và nói tôi cần mua dịch vụ trợ tử cho mèo. Tôi không đồng ý", chị Mai cho biết.

Chị đem mèo về trong tình trạng chết não như phía bệnh viện thông tin. Tổng chi phí 10 ngày hết 200 triệu đồng.

Trong các dịch vụ, chị Mai cho biết có dịch vụ chụp CT 55 triệu đồng. Phía bệnh viện thú y thông tin mèo được đưa đến bệnh viện người để chụp.

Khi thắc mắc về chi phí, bệnh viện thú y cho biết là phí gây tê, thuốc khởi mê, phục hồi, chụp CT, phí chuyên gia…

Ngoài ra còn hàng loạt chi phí khác như phí chăm sóc qua đêm 2,75 triệu đồng/đêm, xét nghiệm máu hơn 4,3 triệu đồng, oxy 2,2 triệu đồng… Khi chị yêu cầu, phía bệnh viện gửi email các loại chi phí, không phải là hóa đơn giá trị gia tăng.

Sau đó chị Mai khiếu nại, yêu cầu bệnh viện cung cấp chi tiết hóa đơn phí CT và tên của "bệnh viện người" thực hiện dịch vụ này. Nhưng phía bệnh viện không cung cấp và cho biết không phân tích về chi phí.

Chị Nguyễn Phương Mai băn khoăn về quá trình điều trị, như phần chi phí chụp CT cho mèo - Ảnh: YẾN TRINH

Chị Nguyễn Phương Mai băn khoăn về quá trình điều trị, như phần chi phí chụp CT cho mèo - Ảnh: YẾN TRINH

Cần quy định khung giá khám chữa bệnh thú cưng

Bác sĩ thú y Lê Hòa (chủ một phòng khám thú y tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết vấn đề khó khăn, mâu thuẫn nếu có với khách hàng thường là về chi phí.

Sau khi điều trị, chủ nuôi thắc mắc về chi phí, so sánh với cơ sở khác. Khi được giải thích, phần lớn khách hàng hiểu nhưng cũng có những trường hợp còn băn khoăn. Vì thế bên cạnh chuyên môn, bác sĩ thú y cần quan tâm khách hàng cần gì, có sự trao đổi, giải thích để chủ nuôi biết rõ bệnh thú cưng.

Bác sĩ cần cảnh báo về bệnh, cách bác sĩ xử lý, và lưu ý về nhà thú cưng có thể xảy ra tình trạng gì, cần chăm sóc thế nào. Và cả những chuyển biến không mong muốn cũng như khả năng thất bại trong điều trị.

Sau khi điều trị ở bệnh viện thú y, những dấu hiệu bệnh trên con mèo của chị Nguyễn Phương Mai vẫn không thuyên giảm - Ảnh: NVCC

Sau khi điều trị ở bệnh viện thú y, những dấu hiệu bệnh trên con mèo của chị Nguyễn Phương Mai vẫn không thuyên giảm - Ảnh: NVCC

Luật sư Nguyễn Nhuận (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay giá khám chữa bệnh cho thú cưng chưa được pháp luật quy định cụ thể và chặt chẽ.

Tại Việt Nam, Luật Thú y năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành như nghị định 35/2016 của Chính phủ và thông tư 07/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định cụ thể điều kiện hành nghề thú y. Tuy nhiên, quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh thú cưng chưa được đề cập rõ ràng.

Theo luật sư Nguyễn Nhuận, cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành khung giá cơ sở cho các dịch vụ khám chữa bệnh thú y. Đây là mức giá để người dân tham khảo và bảo vệ người tiêu dùng.

Các cơ quan cũng cần giám sát, kiểm tra định kỳ các cơ sở thú y để đảm bảo tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn chuyên môn và quy trình khám chữa bệnh.

Ngoài ra, việc cấp phép và quản lý hành nghề cần đảm bảo chỉ những cá nhân và cơ sở thú y đủ điều kiện và được cấp phép mới được hành nghề. 

Bên cạnh đó cần có cơ chế tiếp nhận xử lý khiếu nại của người nuôi thú cưng một cách nhanh chóng, minh bạch…

Tương tự chị Mai, nhiều chủ nuôi khi đưa chó mèo đi khám, chữa bệnh cũng hoang mang với đủ loại chi phí.

Định đem chú chó 8 tháng tuổi đi triệt sản, chị Ngọc Ly (ở quận Phú Nhuận) lên mạng tham khảo.

"Vào phần đánh giá, tôi thấy hoang mang. Nơi 700.000 đồng, nơi gấp đôi, thêm nhiều loại phí. Trọn gói hơn 4 triệu đồng", chị nói.

Có lần mèo bị viêm da, chị kể phí cạo lông là 600.000 đồng, mèo quậy phải gây mê thêm 300.000 đồng. Thuốc diệt nấm 200.000 đồng, sữa tắm Hàn Quốc 330.000 đồng, thuốc xịt từ 190.000 đồng…

Bà T.K. (ngụ quận 3) cũng cho biiết có chú chó bị suyễn, bà đưa đi khám triệu chứng, lấy thuốc hết 1 triệu đồng. Phòng khám dặn bà theo dõi thú cưng 3 ngày và giới thiệu thuốc chống co thắt khí quản 190.000 đồng.

Một số lưu ý khi đưa thú cưng đi khám chữa bệnh

Theo luật sư Nguyễn Nhuận, chủ nuôi cần lưu ý khi đưa thú cưng đi khám bệnh:

- Cần tìm hiểu kỹ về các cơ sở thú y, đọc đánh giá, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc cộng đồng nuôi thú cưng để chọn lựa cơ sở uy tín.

- Trước khi tiến hành bất kỳ dịch vụ nào, người nuôi cần yêu cầu báo giá chi tiết, bao gồm các chi phí cụ thể từng dịch vụ, nhằm tránh phát sinh chi phí không mong muốn.

- Yêu cầu cơ sở thú y cung cấp cam kết rõ ràng về chất lượng dịch vụ và trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố. Các cam kết này nên thể hiện bằng văn bản.

- Sau khi khám chữa bệnh cho thú cưng, cần giữ lại tất cả các giấy tờ chứng minh và hồ sơ y tế liên quan. Những giấy tờ này rất quan trọng nếu cần khiếu nại hoặc yêu cầu bồi thường.

- Người nuôi cần yêu cầu cơ sở dịch vụ xuất hóa đơn VAT hợp lệ cho các dịch vụ đã sử dụng. Hóa đơn này không chỉ là bằng chứng về việc sử dụng dịch vụ mà còn giúp đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của cơ sở thú y.

Chữa bệnh cho thú cưng: Hoang mang trong ma trậnChữa bệnh cho thú cưng: Hoang mang trong ma trận

"Trận đồ" chẩn bệnh và rừng giá khác nhau, có nơi lên đến trăm triệu, nhiều người khi cần chữa bệnh thú cưng không biết đâu mà lần. Họ càng hoang mang khi lạc vào các hội nhóm thú cưng với những lời khen nức nở dạng quảng cáo hoặc tố nhau chan chát.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên